Nông thôn mới Ninh Bình: Động lực nào khiến người dân đâu đâu cũng hài lòng?

Huyền Đoàn Thứ năm, ngày 02/02/2023 12:15 PM (GMT+7)
Với việc triển khai hiệu quả, thiết thực nhiều giải pháp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã góp phần tăng sự hài lòng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo nền tảng ổn định chính trị - xã hội thông qua tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết, qua khảo sát cho thấy tỷ lệ hộ hài lòng với cuộc sống ở nông thôn tăng lên từ 79,3% năm 2018 lên 90% năm 2021.

Liên kết sản xuất, nông dân phấn khởi

Khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, ngành chức năng và các địa phương của tỉnh đều đề ra mục tiêu trọng tâm là "lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo về kết quả xây dựng NTM".

Do đó, để nhận được sự hài lòng của người dân, thời gian qua, các ngành và địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để tạo sự đổi thay về đời sống vật chất, tinh thần, cũng như cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường cho các vùng nông thôn.

tan/Động lực xây dựng NTM ở Ninh Bình - Ảnh 1.

Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung ở xã Phú Long (huyện Nho Quan) giúp nhiều gia đình khá giả. Ảnh: V.T

Ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: "Với việc triển khai hiệu quả, thiết thực nhiều chương trình, chính sách trong xây dựng NTM, sau hơn 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, đổi mới rõ nét".

Theo đó, xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn giữ vai trò quyết định và là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực.

Nổi bật là mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị đồng bộ, hướng hữu cơ trong vụ mùa 2022 do Công ty Hồng Quang liên kết với HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Liên Phương (xã Yên Nhân, huyện Yên Mô) thể hiện sự đổi thay trong cách nghĩ, cách làm trên từng thửa ruộng của các hộ dân nơi đây.

Ông Trần Ngọc Tú - Giám đốc HTX Liên Phương hào hứng chia sẻ: HTX có 239ha sản xuất lúa. Từ năm 2021, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm - Khuyến ngư tỉnh, HTX đã phát triển liên kết sản xuất với Công ty Hồng Quang, áp dụng phương pháp mạ khay cấy máy, sử dụng phân bón hữu cơ. Các hộ dân được công ty cung cấp bộ giống chất lượng như nếp hương, Hương Bình, J03..., cùng với các nhà máy bao tiêu toàn bộ sản lượng.

Riêng vụ mùa 2022, HTX tham gia liên kết sản xuất với công ty hơn 100ha, trong đó có 60ha theo hướng hữu cơ.

Theo ông Tú, từ khi tham gia liên kết sản xuất, các hộ rất phấn khởi vì có thể giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề: An tâm sản xuất vì có công ty cung cấp bộ giống, phân bón chất lượng; công ty thu mua tươi toàn bộ sản lượng giúp giảm áp lực, ảnh hưởng của thời tiết mưa bão trong quá trình phơi, tiết kiệm chi phí bao bì... 

Đặc biệt là đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện theo hướng tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong những năm qua của tỉnh luôn duy trì ở mức khá, bình quân đạt 6,82%/năm. 

Thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh tăng lên hơn 3 lần khi từ 15,18 triệu đồng/người/năm (năm 2010) nay tăng lên 55,3 triệu đồng/người/năm. Riêng các xã đạt chuẩn NTM thì mức thu nhập đạt hơn 58,5 triệu đồng/người/năm.

Hài lòng và chung sức

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, thông tin: Kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh được người dân quan tâm và dư luận đánh giá cao.

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, đổi mới rõ nét. Cụ thể, qua theo dõi thực tế và qua kết quả từ các phiếu thăm dò ý kiến người dân cho thấy các đơn vị cấp huyện, xã khi được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao thì tỷ lệ người dân hài lòng về xây dựng NTM tại địa phương mình đều đạt trên 95%.

Theo đánh giá của ngành chức năng và các địa phương của tỉnh, sự hài lòng của người dân không chỉ thể hiện qua tỷ lệ phần trăm đồng tình, mà điều quan trọng là được minh chứng bằng việc chung sức, đồng lòng của bà con khi tự nguyện góp công sức, của cải vật chất để cùng chính quyền địa phương hoàn thành nhiều công trình, phần việc nhằm xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Ông Đào Văn Thái (xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh) cho hay: Từ khi chính quyền địa phương triển khai xây dựng NTM, gia đình ông đồng thuận rất cao. Các con ông Thái đều ra sức góp ngày công lao động để xây dựng lộ làng ở địa phương. Nhờ đó, việc đi lại của người dân được dễ dàng, thuận tiện.

"Xây dựng NTM đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân; sản xuất nông nghiệp có nhiều bước tiến khi được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, quan hệ họ hàng, xóm giềng được thắt chặt; dịch vụ y tế cơ sở được cải thiện rất tốt; tỷ lệ học sinh đi học cao hơn do điều kiện đi lại thuận tiện và trường học được xây dựng mới khang trang, đầy đủ tiện nghi; cảnh quan môi trường sạch - đẹp..." - ông Thái cho hay.

Để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao ý thức, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Đồng thời, tranh thủ các chương trình, dự án để định hướng, quy hoạch hỗ trợ nhân dân phát huy cao độ tiềm năng thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực tham mưu, giúp chính quyền giải quyết nhanh, có hiệu quả các vấn đề phát sinh ở cơ sở.

"Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong xây dựng NTM, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn và mang tính đặc trưng cho từng vùng"-bà Nguyễn Thị Lan Anh nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem