Nông thôn mới Hà Tĩnh: Đổi thay thấy rõ từ các mô hình làm giàu, cảnh quan làng xóm

Tập Thỏa Thứ hai, ngày 05/12/2022 14:04 PM (GMT+7)
Quyết tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đổi thay từng ngày. Bằng sự nỗ lực người dân cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, thôn xóm đã thay da đổi thịt nhờ xây dựng thành công bản nông thôn mới.
Bình luận 0

Đối mặt nhiều khó khăn, thử thách

Hương Sơn là huyện miền núi, biên giới nằm về phía Tây bắc của tỉnh Hà Tĩnh, có gần 64 km đường biên giới tiếp giáp với nước Lào. Tổng diện tích đất tự nhiên 109.679 ha, dân số hơn 111.300 người. Trước năm 2020, huyện có 32 đơn vị hành chính, thực hiện Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, hiện nay còn 23 xã và 02 thị trấn, trong đó có 3 xã biên giới là Sơn Kim1, Sơn Kim 2 và Sơn Hồng.

Huyện nông thôn mới Hương Sơn (Hà Tĩnh) đổi thay từ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tham dự Chương trình tổng kết phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” Ảnh: PV

Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hương Sơn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức, hành động của cán bộ và Nhân dân.

Hương Sơn có vùng núi cao, vùng bán sơn địa chiếm hơn 3/4 diện tích tự nhiên của huyện, nhiều diện tích bị chia cắt, nhiều sông suối, địa bàn rộng, mật độ dân số thưa, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động, huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng.

Huyện nông thôn mới Hương Sơn (Hà Tĩnh) đổi thay từ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Huyện Hương Sơn hiện có khoảng 2.000 ha cam, trong đó có 725 hộ trồng cam với diện tích trên 1 ha/hộ, giúp giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và mang về nguồn thu lớn. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là một số năm, thiên nhiên không thuận lợi, thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai, như: lũ lụt, sạt lở đất, rét đậm... gây bất lợi đối với phát triển sản xuất, dân sinh cũng như việc xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông thôn.

Huyện nông thôn mới Hương Sơn (Hà Tĩnh) đổi thay từ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Mỗi người dân là một nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: PV

Hương Sơn là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; khối lượng công việc phải thực hiện nhiều, lượng kinh phí đầu tư lớn, trong khi đó, ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình còn hạn chế; việc huy động doanh nghiệp vào lĩnh vực này còn khó khăn; việc phát huy nội lực của nhân dân đã thực hiện khá tốt nhưng chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Vai trò công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ban chỉ đạo NTM phát huy rõ nét

Phát huy vai trò của ban chỉ đạo nông thôn mới các cấp từ huyện đến xã, đến thôn và đội ngũ cán bộ làm nông thôn mới. Huyện Hương Sơn đã sớm thành lập bộ máy chỉ đạo, điều hành, cơ quan tham mưu giúp việc. Ban chỉ đạo nông thôn mới huyện do Bí thư huyện ủy làm trưởng ban, các thành viên còn lại là các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành, trưởng các phòng, ban, ngành đoàn thể cấp huyện, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cho từng thành viên.

Huyện nông thôn mới Hương Sơn (Hà Tĩnh) đổi thay từ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Ông Bùi Nhân Sâm - Bí thư Huyện ủy huyện Hương Sơn (đứng thứ 4 từ trái sang) kiểm tra nỗ lực xây dựng nông thôn mới của một số địa phương. Ảnh: PV

Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện là cơ quan thường trực, ban thường vụ huyện ủy thành lập các tổ công tác phụ trách các xã, phân công các cơ quan, đơn vị đồng hành chung sức xây dựng nông thôn mới tại các xã. 100% xã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã, ban giám sát, bố trí cán bộ chuyên trách nông thôn mới, thành lập ban phát triển thôn, phân công cán bộ chỉ đạo, phụ trách theo từng tiêu chí và nhóm tiêu chí.

Huyện nông thôn mới Hương Sơn (Hà Tĩnh) đổi thay từ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

“Cam mắc màn” Khe Mây, đặc sản của người dân xã Hương Đô, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: PV

Bên cạnh đó, ban chỉ đạo nông thôn mới đã chủ động xây dựng các đề án, khung kế hoạch, kịp thời ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, tổ chức phát động các đợt cao điểm về thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện. Phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và vai trò chủ thể của nhân dân.

Huyện nông thôn mới Hương Sơn (Hà Tĩnh) đổi thay từ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 6.

Bà Chu Thị Hồng Hà, trú tại xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) nỗ lực vươn lên trở thành Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà hàng đầu cả nước về cung cấp các sản phẩm từ hươu sao. Ảnh: PV

Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ nguồn lực của trung ương, của tỉnh và đóng góp của các tổ chức, đơn vị, cá nhân để xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế nông thôn và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phù hợp với địa phương. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình

Kết quả xứng đáng sau hơn 10 năm xây dựng Nông thôn mới

Sau hơn 10 năm kiên trì, quyết tâm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, toàn huyện có: 23/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt NTM nâng cao; có 47 sản phẩm OCOP đứng đầu toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 42,07 triệu đồng (tăng 2,78 triệu đồng so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo NTM còn 1,17%; có 118 KDCM (tăng 34 KDCM so với năm 2020), 877 vườn mẫu đạt chuẩn (tăng 203 vườn mẫu so với năm 2020); hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

Huyện nông thôn mới Hương Sơn (Hà Tĩnh) đổi thay từ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 7.

Con đường hoa rực rỡ sắc màu, tạo nên một khung cảnh làng quê yên ả, thanh bình nơi huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: VP

Đến năm 2012, 100% xã được phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, năm 2020, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch 4 xã sáp nhập; Quy hoạch vùng huyện đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 1826/QĐ-UBND ngày 16/4/2021. Việc quản lý và thực hiện quy hoạch đảm bảo theo quy định, là cơ sở quan trọng trong việc bố trí, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay, toàn bộ hệ thống giao thông cấp xã được đảm bảo theo chuẩn nông thôn mới: Có 973 km/1177 km được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 82,72%. 100% tuyến đường trục xã có trồng cây bóng mát; hệ thống rãnh thoát nước trong khu dân cư được đầu tư nâng cấp. Hệ thống đường huyện theo quy hoạch vùng, có 8 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 108 km, hệ thống giao thông đã được đầu tư nâng cấp, kết nối với nhau và kết nối tới trung tâm hành chính huyện, đảm bảo thông suốt, hỗ trợ cho phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi trong đời sống của Nhân dân…

Huyện nông thôn mới Hương Sơn (Hà Tĩnh) đổi thay từ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 8.

Anh Trần Nam Giang, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), thành công với trang trại nuôi lợn rừng thảo dược, trở thành bước đột phá. Ảnh: PV

Từ chỗ là một huyện miền núi nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân thấp; Huyện xác định tiềm năng về diện tích đất vườn, đồi, rừng, phù hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng gỗ nguyên liệu, trồng chè; tập trung chỉ đạo, xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xác định 5 sản phẩm chủ lực gồm: Cam, Chè, Gỗ nguyên liệu, Hươu, Lợn.

Đến nay, Hương Sơn có trên 2.542 mô hình có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm (trong đó, có 148  mô hình cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, 227 mô hình cho doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm).

Huyện nông thôn mới Hương Sơn (Hà Tĩnh) đổi thay từ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 9.

Làng quê Sơn Thịnh (Hương Sơn) yên bình, xanh - sạch - đẹp. Ảnh: ML

Các mô hình sản xuất theo hướng liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi và khâu tiêu thụ, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững; áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, GMP…

Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay toàn huyện có 47 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP; có 10 cơ sở OCOP có ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 42,07 triệu đồng.

Huyện nông thôn mới Hương Sơn (Hà Tĩnh) đổi thay từ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 10.

Sản phẩm OCOP Hương Sơn có thêm nhiều cơ hội “bay xa” hơn nữa”. Ảnh: PV

Việc đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020, là mốc son quan trọng đánh dấu sự nỗ lực vượt khó của Nhân dân và các thế hệ lãnh đạo, cán bộ huyện Hương Sơn.

Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, cho biết. :Trong thời gian tới huyện Hương Sơn tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới, bằng nhiều hình thức, sâu rộng theo từng chuyên đề nội dung, tạo phong trào xây dựng nông thôn mới mạnh mẽ, rộng khắp, đạt kết quả bền vững".

"Tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, hiệu quả tổ chức thực hiện của chính quyền và phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội, trọng tâm hướng vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm một cách thực chất, bền vững và nâng cao. Tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn. Bên cạnh đó, Phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển thương mại dịch vụ và du lịch, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện" - Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem