Nông nghiệp xanh “nở rộ” ở miền núi Yên Bái

Hoàng Hữu Thứ năm, ngày 08/06/2023 18:04 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp, HTX và hộ dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang xây dựng, phát triển mô hình nông nghiệp xanh, sạch “từ trang trại đến bàn ăn”. Cách làm này đã góp phần khắc phục tình trạng mất an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân…
Bình luận 0

"Cầm tay chỉ việc" cho nhà nông

Theo Sở NNPTNT Yên Bái, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành trên 130 cơ sở, nhóm hộ áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, hữu cơ.

Nhiều năm nay, thương hiệu bưởi Khả Lĩnh đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến về mẫu mã cũng như chất lượng của sản phẩm. Có được điều này là bởi ở hầu hết các vùng chuyên canh trồng bưởi Khả Lĩnh, người dân đều áp dụng quy trình trồng bưởi theo hướng hữu cơ hoặc theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều địa phương lân cận trồng giống bưởi này cũng áp dụng quy trình tương tự.

Như ở xã Hán Đà (huyện Yên Bình), toàn xã hiện có trên 180ha trồng bưởi thì có tới trên 50ha bưởi được trồng theo phương pháp hữu cơ. 

Ban đầu khi chuyển đổi sang phương pháp hữu cơ, người dân cũng gặp khá nhiều khó khăn do chưa nắm vững các kỹ thuật thâm canh, các tiêu chuẩn, quy định về nông nghiệp hữu cơ, thậm chí nhiều người còn có tâm lý nghi ngờ về phương pháp này.

gop/Nông nghiệp xanh “nở rộ” ở miền núi Yên Bái - Ảnh 1.

Miến đao được làm từ bột đao riềng nguyên chất, không sử dụng bất kỳ chất phụ gia và hóa chất nào. Ảnh: Hoàng Hữu

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 183 sản phẩm đạt chuẩn vùng nguyên liệu sạch, quy trình trồng sạch, chế biến sạch cũng như xây dựng nhãn hiệu.

Ông Nguyễn Minh Chính - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hán Đà, cho biết, xã đã phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam để "cầm tay chỉ việc", giúp người dân yên tâm canh tác theo phương pháp này.

Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao về nguồn thực phẩm sạch, nhiều thành viên HTX Nông nghiệp Quyết Tiến ở xã Y Can, huyện Trấn Yên, đã đăng ký thực hiện mô hình chăn nuôi gà tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Gia đình bà Trần Thị Thu (thôn Quyết Tiến) nuôi gà đã 6 năm nay. Ban đầu chỉ vài trăm con mỗi lứa, đến nay gia đình bà Trần Thị Thu đã có mô hình chăn nuôi lên tới 3.000 con gà. 

Từ chăn nuôi truyền thống không quá chú trọng tới các biện pháp chăm sóc đàn vật nuôi, đến nay gia đình bà Thu đã nắm vững quy trình chăn nuôi an toàn sinh học: Chuồng nuôi được xây dựng thông thoáng, thường xuyên phun khử trùng, khử mùi để hạn chế mầm bệnh, nền chuồng được rải đệm lót sinh học để phân giải các chất thải chăn nuôi, thức ăn được lựa chọn mua từ các cơ sở uy tín, nguồn nước uống đảm bảo sạch… "Từ đó, mô hình chăn nuôi của gia đình đạt hiệu quả cao" - bà Thu thông tin thêm.

Gắn kết cơ sở sản xuất với người tiêu dùng

Với việc lựa chọn mô hình nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sẽ sản xuất các thực phẩm sạch, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.

Với định hướng sản xuất các sản phẩm thực phẩm sạch từ hồ Thác Bà, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản sạch Hải Hà (xã Hán Đà, huyện Yên Bình) đang liên kết với HTX Thủy sản Hoàng Kim duy trì nuôi trên 300 lồng nuôi cá (lăng, tầm, diêu hồng). Do được nuôi trong môi trường nước sạch, áp dụng các quy trình nuôi an toàn, quản lý chặt chẽ nên sản phẩm cá luôn đảm bảo chất lượng.

Bà Vũ Thị Thu Hương - quản lý sản xuất của Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà cho biết: "Từ nguồn nguyên liệu chất lượng như vậy, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ cá như xúc xích cá, chả cá, giò cá, trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện. Với việc có tem nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của công ty đã có cơ hội tiến vào hệ thống các siêu thị lớn, cửa hàng OCOP ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ".

Nằm trong vùng nguyên liệu đao riềng rộng lớn, ngay từ khi thành lập, HTX Việt Hải Đăng (xã Quy Mông, huyện Trấn Yên) đã xác định sản xuất sản phẩm miến đao chất lượng, sạch và an toàn khi đến tay người tiêu dùng. Do vậy, ngay từ lựa chọn nguyên liệu, HXT đã rất cẩn trọng lựa chọn bột đao chất lượng. 

Quá trình sản xuất miến, các thành viên HTX luôn cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn từ đánh nước, lắng bột, loại bỏ tạp chất, đảm bảo sản phẩm miến chỉ phơi một nắng ở nơi có không khí trong lành. Miến được làm hoàn toàn bằng bột đao riềng nguyên chất, không sử dụng hóa chất tẩy trắng...

Bà Phùng Thị Tuyền - Giám đốc HTX Việt Hải Đăng cho biết, HTX cũng đã đầu tư máy ép sợi miến, nên sợi miến làm ra đều, không bị đứt, gãy. Khi nấu sợi miến dẻo, mềm, dai, không nát, có vị thơm của đao riềng… Nhờ đó, sản phẩm được nhiều khách hàng rất yêu thích.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem