Nông dân Bình Thuận hững hờ dù giá thanh long tăng cao, vì sao vậy?

Trần Khánh Thứ tư, ngày 06/04/2022 18:47 PM (GMT+7)
Giữa lúc nông dân đang ồ ạt chặt bỏ thì giá thanh long đột ngột tăng trở lại. Tuy nhiên, nhà vườn Bình Thuận vẫn chưa mạnh dạn tái đầu tư sản xuất.
Bình luận 0

Giá thanh long bất ngờ bật tăng

Sau thời gian dài giảm sâu, thậm chí không bán được, giá thanh long bất ngờ tăng cao thời gian gần đây.

Đầu tháng 4, giá thanh long ruột trắng ở Bình Thuận nhích lên 5.000 đồng/kg.

Hiện nay, thương lái đang thu mua thanh long tại vườn với giá từ 12.000-14000 đồng/kg.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Ngọc Hà ở xã Hàm Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc) nhận định, đây chỉ là diễn biến trong ngắn hạn của thị trường.

Theo bà Hà, giá thanh long tăng trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây. Nguyên nhân do sản lượng thanh long chín ở các nhà vườnu không còn nhiều.

Giá thanh long ruột trắng đang được thương lái ở Bình Thuận thu mua tại vườn từ 12.000-14000 đồng/kg. Ảnh: Trần Khánh

Giá thanh long ruột trắng đang được thương lái ở Bình Thuận thu mua tại vườn từ 12.000-14000 đồng/kg. Ảnh: Trần Khánh

Thực tế, mùa thanh long vụ nghịch vẫn chưa kết thúc. Thế nhưng, nhiều vườn thanh long ở Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong không còn sum suê, trĩu quả như cùng kỳ các năm trước.

Gia đình bà Hà đang trồng 1.500 trụ thanh long. Cả 3 lứa thu hoạch thanh long nghịch vụ vừa qua, bà đều thất thu. Gia đình đã chặt bỏ bớt 500 trụ ở những vị trí đất xấu, cây chậm phát triển.

Bà Hà cho biết thêm, thời điểm đầu tháng 3 âm lịch có các ngày lễ cúng nên nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi trên thị trường nội địa gia tăng.

"Do nguồn cung khan hiếm nên thương lái tăng giá thanh long để gia tăng sản lượng thu mua", bà Hà giải thích.

Theo các nhà vườn, giá thanh long nghịch vụ phải 10.000 đồng/kg mới huề vốn. Mức giá thanh long hiện nay chỉ cao hơn giá thành một ít.

Tình hình tiêu thụ thanh long vẫn chưa thực sự khởi sắc vì xuất khẩu vẫn đang nhỏ giọt. Vì thế, nông dân chưa mạnh dạn tái đầu tư.

Giá thanh long tăng nhưng nông dân đã chặt bỏ vườn?

Trước đó, nhiều diện tích trồng thanh long đã bị nông dân chặt bỏ hoặc chuyển đổi do tình trạng giá bán thấp kéo dài.  

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận, đến cuối năm 2021, diện tích thanh long toàn tỉnh là 33.750 ha, sản lượng đạt 700.000 tấn/năm.  

Kết quả rà soát bước đầu cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích thanh long toàn tỉnh đã giảm hơn 936ha.   

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận khuyến cáo nông dân không nên vội vàng chặt bỏ, hoặc bỏ bê chăm sóc vườn thanh long. Trong ảnh: Nông dân chăm sóc vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: Trần Khánh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận khuyến cáo nông dân không nên vội vàng chặt bỏ, hoặc bỏ bê chăm sóc vườn thanh long. Trong ảnh: Nông dân chăm sóc vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: Trần Khánh

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, người dân chặt bỏ hoặc chuyển đổi thanh long sang một số cây trồng khác do giá thanh long xuống thấp.

Từ đầu năm đến nay, giá vật tư đầu vào lại tăng cao nên người dân không gánh nổi chi phí để duy trì sản xuất.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị người trồng thanh long cần bình tĩnh, thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường để định hướng cho việc sản xuất, kinh doanh.

Trong tình hình giá thanh long bấp bênh như hiện nay, người dân cần cân nhắc, không nên vội vàng chặt bỏ, hoặc bỏ bê chăm sóc vườn thanh long.

Ông Đỗ Văn Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, nông dân nên duy trì vườn thanh long ở mức độ hợp lý, tránh tình trạng cây thanh long bị suy kiệt, teo tóp, chờ khi tình hình thị trường ổn định sẽ tiếp tục đầu tư khai thác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem