Nôn nao tiếng trống hội làng, ở Việt Nam tháng nào trong năm có nhiều lễ hội nhất?

Đinh Hạ Thứ bảy, ngày 11/02/2023 06:00 AM (GMT+7)
Tháng Giêng, đầu xuân năm mới, miền quê nào cũng nô nức mùa lễ hội tiếng trống hội làng. Lễ hội đền Đức Hoàng, Phúc Thành, Yên Thành (Nghệ An), cũng không nằm ngoài nét sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống ấy của ông cha.
Bình luận 0

Lễ hội đền Đức Hoàng quê tôi diễn ra vào dịp cuối Giêng khi Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mác.

Tháng Giêng, nôn nao tiếng trống hội làng - Ảnh 1.

Lễ rước tại đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành, Yên Thành (Nghệ An). Ảnh: BNA

Vào thời điểm đó, trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Cũng là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị. Tiết đất trời ấm dần trong sự sinh sôi của thiên nhiên, ríu rít thanh âm của sự sống muôn vật muôn loài, mơn mởn của chồi non lộc biếc.

Đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành, Yên Thành (Nghệ An) là ngôi đền linh thiêng, cổ kính của quê tôi, nằm bên "liên đàm Diệu Ốc" là một trong tám cảnh đẹp của xứ Đông Thành nhị huyện xưa kia được nhiều sử gia ghi chép lại. Đền là công trình văn hóa, tâm linh có lịch sử rất lâu đời, được xây dựng từ thời Trần, là một ngôi miếu nhỏ đơn sơ.

Tháng Giêng, nôn nao tiếng trống hội làng - Ảnh 2.

Đền Hoàng (còn gọi là đền Đức Hoàng) ở xã Phúc Thành (Yên Thành) được xây dựng vào thế kỷ XVI là công trình kiến trúc có giá trị lịch sử. Ảnh: PV

Ban đầu để thờ Thần Rắn (mẹ nước) gắn với câu chuyện đẫm màu sắc liêu trai "sự tích ông Cụt bàu Canh ông Lành bàu Ác". Nơi rắn thần chết bên cạnh bàu Ác có gò mối đùn lên, nhân dân lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng làng Diệu Ốc, nên gọi là Đền Hoàng. Năm 1505, nhân dân xây nhà thượng điện, năm 1882 xây thêm Trung điện và đến năm 1936 xây thêm Hạ điện.

Theo dòng thời gian, tín ngưỡng ngày càng sâu đậm trong tâm thức cư dân vùng lúa nước; đền được phối thờ nhiều vị thần "bảo quốc hộ dân" như Thánh Mẫu Liễu Hạnh - "Liễu sơn giáng ứng", Bạch Y công chúa - "Thần thông y"; thờ Phật Thích ca mâu ni và đặc biệt thờ chính là thờ ngài Sát Hải Đại Vương - Hoàng Tá Thốn, vị danh tướng thủy quân dưới triều Trần ba lần đánh tan quân Mông – Nguyên đem lại thái bình, ấm no cho dân tộc.

Tháng Giêng, nôn nao tiếng trống hội làng - Ảnh 3.

Theo ông Hà Văn Quảng, đền Đức Hoàng thờ Thần Sát Hải đại tướng quân Hoàng Tá Thốn (võ tướng thời Trần), Phò tá cho Trần Quốc Tuấn, ba lần đánh bại quân Nguyên Mông năm 1288. Ảnh: PV

Khi ông qua đời được truy phong tước hiệu "Trung dũng bảo dực trung hưng hộ Quốc tỉ dân Sát hải Đại vương tướng quân Thiên Bồng nguyên Soái chi thần" và vua ra lệnh cho nhân dân nhiều vùng lập đền thờ ông. Từ đó được gọi là đền Đức Hoàng. Năm 1998, đền được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Cũng như các hội làng khác, lễ hội đền Đức Hoàng quê tôi cũng trang nghiêm phần lễ, rộn ràng phần hội thỏa sức cho du khách tham quan, chiêm bái. Phần hội phong phú những trò chơi dân gian, thể thao xen lẫn giữa truyền thống và hiện đại. Phần lễ lại sâu lắng bởi những lễ khai quang, yết cáo, lễ rước, đại tế, lễ tạ...

Trong suốt những ngày lễ, khắp nơi đều rộn vang tiếng trống, tiếng trống khai hội, tiếng trống tế lễ, tiếng trống giao lưu của các dòng họ trong vùng, tiếng trống tuồng, trống chèo của các CLB văn nghệ quần chúng... Tiếng trống lúc trầm lúc bổng, lúc chậm rãi lúc hùng hồn cứ quấn quýt mê đắm lòng người, khiến người xa quê không khỏi bồi hồi mong ngóng.

Tháng Giêng, nôn nao tiếng trống hội làng - Ảnh 4.

Phần hội với các hoạt động phong phú tại khu vực di tích đền Đức Hoàng, Phúc Thành, Yên Thành. Ảnh: PV

Tiếng trống hội làng vang lên sao mà có sức lay động, khơi gợi lòng người mãnh liệt. Tiếng trống như thức tỉnh để con người biết hướng về điều thiện, lòng nhân. Tiếng trống như khúc hoan ca thuở xưa niềm vui thắng trận, niềm vui được mùa, cuộc sống no đủ, thanh bình.

Tiếng trống như thúc giục bước chân của những nam thanh nữ tú, tài tử giai nhân dập dìu dự hội. Tiếng trống như sợi dây vô hình gắn kết tình nghĩa quê hương, nối buộc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Ra giêng, khắp nẻo làng quê, nghe tiếng trống hội với những âm giai lúc trầm hùng lúc rền vang ấy khiến du khách cảm giác như một sự giải thoát cho tâm trí ra khỏi muộn phiền...

Tháng Giêng, nôn nao tiếng trống hội làng - Ảnh 5.

Trò chơi đánh đu cũng thu hút du khách đến tham gia tại lễ hội đền Đức Hoàng. Ảnh: PV

Ngày nay, làng quê dẫu cho tiếng trống dần bị bão hòa, thay thế bởi những âm thanh điện tử, giá trị tinh thần của tiếng trống, âm vang của hội làng vẫn ăn sâu vào tiềm thức khó có thể phai mờ. Mùa xuân đến như giục lòng mở cửa để cho bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu lứa tuổi, bao nhiêu háo hức với niềm vui trở về dự hội làng trên mảnh đất thiêng.

                           

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem