Ninh Thuận: Máy bơm có một không hai của dân miền núi, không cần nhiên liệu vẫn chạy ngon

Công Tâm Thứ hai, ngày 28/09/2020 05:30 AM (GMT+7)
Bà con nông dân xã Phước Thành (Bác Ái, Ninh Thuận) đã nghiên cứu thành công hệ thống bơm nước thủy lực để phục vụ tưới cây ăn quả trong mùa nắng hạn.
Bình luận 0

Máy bơm có một không hai của người dân vùng núi

Nhiều nông dân xã Phước Thành cho biết, trước đây người dân sản xuất nông nghiệp chỉ dựa vào nước trời, nhất là bà con chỉ trồng các cây truyền thống như ngô, đậu nên thu nhập rất bấp bênh. 

Tuy nhiên, trong gần 3 năm trở lại đây, người dân Phước Thành đã không còn lo cảnh thiếu nước nữa nhờ tìm tòi ra được cách vận hành hệ thống bơm nước thủy lực để lấy nước từ trên đồi xuống tưới cho cây ăn quả như: Mít, chuối, bưởi da xanh… Nhờ sản xuất thuận lợi, cây trồng tăng năng suất mà nhiều hộ từ nghèo khó giờ trở thành hộ khá giả ở địa phương.

Có bơm nước thủy lực, hết lo khô hạn - Ảnh 1.

Nhờ hệ thống thủy lực mà gia đình anh Thạch có nước nước sử dụng để sinh hoạt, chăn nuôi. Ảnh: C.T

"Nếu không có hệ thống bơm nước thủy lực, gia đình tôi chắc không trụ được ở vùng đất miền núi khô cằn này. Hệ thống thủy lực chỉ phục vụ từ tháng 11 âm lịch năm trước đến khoảng tháng 6 - 7 năm sau, thời gian còn lại trời thường có mưa nên không sử dụng".

Anh Mai Xuân Thạch

Anh Mai Xuân Thạch (thôn Ma Rớ, xã Phước Thành) là một trong những người đầu tiên mày mò làm ra mô hình bơm nước bằng thủy lực cho biết: "Sau khi tôi thi vào Đại học Luật tại TP.HCM thì bố tôi qua đời, lúc này gia đình gặp khó khăn, tôi không có tiền đi học nữa. Cuộc sống chật vật quá nên tôi đành từ bỏ ước mơ trên giảng đường của mình và lên đây lập nghiệp".

Anh Thạch bộc bạch, những ngày đầu mới lên đây, gia đình anh chỉ trồng cây ngô, đậu nên phụ thuộc rất nhiều vào nước trời. Dần dần về sau, thời tiết càng khắc nghiệt nên chuyện thiếu nước diễn ra thường xuyên, việc sản xuất hết sức khó khăn, nhiều vụ liên tục bị mất trắng. Từ đây, anh nảy sinh ý tưởng bơm nước từ trên núi xuống ruộng bằng hệ thống thủy lực.

Nghĩ là làm, năm 2013 anh Thạch mạnh dạn đầu tư 60 triệu đồng mua ống về dẫn nước từ trên đồi xuống để tưới cho vườn cây ăn quả của mình. Ngay sau đó hệ thống đã phát huy được hiệu quả và đến nay, hệ thống này vẫn hoạt động tốt, tưới được cho 5ha cây ăn quả của gia đình anh.

Tiết kiệm công lao động và chi phí

Anh Thạch chia sẻ, điều độc đáo là hệ thống bơm này không cần sử dụng nhiên liệu, chỉ lợi dụng độ cao và dựa vào lực đẩy của nước. Hệ thống tiết kiệm công lao động, tiết kiệm chi phí và góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Phía trên đầu nguồn thiết kế ống to và càng về sau thiết kế ống càng nhỏ dần, vì thế mà nước được dẫn xuống tận vườn. Độ cao chênh lệch dao động từ 27-30m tính từ vườn đến nơi dẫn nước.

Với 5ha cây trồng các loại, anh Thạch tưới chia thành 3 giai đoạn, mỗi đợt tưới liên tục từ 7-10 ngày. Nhờ hệ thống bơm nước thủy lực mà gia đình anh tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng/đợt, với 5ha mỗi tháng tiết kiệm khoảng 6 triệu đồng tiền nước tưới. Ngoài ra, hệ thống còn dẫn nước phục vụ cho chăn nuôi và sử dụng sinh hoạt trong gia đình.

Anh Thạch phấn khởi cho hay, nếu không có hệ thống bơm nước thủy lực, gia đình anh chắc không trụ được ở vùng đất miền núi khô cằn này. Hệ thống thủy lực chỉ phục vụ từ tháng 11 âm lịch năm trước đến khoảng tháng 6 - 7 năm sau, thời gian còn lại trời thường có mưa nên không sử dụng.

Có bơm nước thủy lực, hết lo khô hạn - Ảnh 3.

Nhờ được tưới nước đầy đủ nên cây trồng của bà con xã Phước Thành cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn trước.

Riêng năm 2019, vườn chuối của gia đình anh Thạch cho thu nhập cao, với giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, mỗi tháng bán 2 đợt cho thu nhập 10 triệu đồng/tháng và khoảng 120 triệu đồng/năm. Dự kiến trong thời gian tới, anh tiếp tục mở rộng trồng cây ăn quả và kết hợp thêm chăn nuôi để tăng thu nhập.

Tương tự, trước đây gia đình anh Lê Thiên Hòa (cùng trú địa phương với anh Thạch) cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vì ruộng vườn thường xuyên thiếu nước, nhất là vào mùa hạn. Qua sự tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu, anh đã tự làm hệ thống bơm thủy lực để lấy nước tưới cho cây trồng mà không cần sử dụng điện hay nhiên liệu. Hệ thống của gia đình anh gồm bể chứa, ống dẫn, ống xả và phát huy hiệu quả, có thể bơm nước ở độ cao 15m, tưới cho trên 1,2ha vườn cây ăn trái.

Ông Katơr Ương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thành cho biết, trước kia người dân cũng sử dụng ống tre, lồ ô để dẫn nước nhưng hiệu quả không cao, bởi những vật liệu này dễ hư hỏng, nước dẫn về ít và áp dụng tưới diện tích nhỏ. Đến nay, ở Phước Thành đã có trên 6 hộ áp dụng hệ thống bơm thủy lực bằng ống nhựa và hệ thống này có nhiều ưu điểm, có thể dẫn qua nhiều địa hình đồi núi mà không hề lãng phí nước.

"Nhờ có hệ thống bơm nước bằng thủy lực mà nhiều hộ tại xã Phước Thành đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả có giá trị, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, Hội Nông dân sẽ vận động bà con nông dân mạnh dạn học tập kinh nghiệm để chủ động nước tưới phục vụ sản xuất" - ông Katơr Ương nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem