Nông dân thời 4.0 không chỉ cần chuyên môn

Thùy Anh Thứ tư, ngày 20/07/2022 13:25 PM (GMT+7)
Không chỉ cần đào tạo chuyên môn, lao động cho nông thôn cũng cần được đào tạo kỹ năng quản lý, kinh doanh, marketing sản phẩm... Đây là những kiến nghị của các chuyên gia và đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Bình luận 0

Làm gì đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn?

Lần đầu tiên, một Hội thảo khoa học Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được tổ chức sau 10 năm thực hiện đào tạo Nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956. Chương trình được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ LĐTBXH và Bộ NN&PTNT tổ chức vào sáng nay, 20/7.

Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết nông nghiệp - nông thôn - nông dân là 3 thành tố không thể tách rời trong việc xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Đây là điều kiện để hội nhập quốc tế. Điều này được đưa vào Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Ông Dũng cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (1956) hàng chục triệu nông dân đã được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Tuy vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp nhiều hạn chế. Do vậy, cần phải có những bước chuyển mới trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cần đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng mở, chú trong tới chất lượng. Ảnh: N.T

Tiến sĩ Phan Chính Thức - Chuyên gia đào tạo nghề cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức, sẽ có những ngành nghề mới phát sinh, một số ngành nghề sẽ bị triệt tiêu.

Mỗi một cuộc cách mạng để lại những dấu ấn trong đào tạo. Cụ thể sản xuất nông nghiệp cách mạng 1.0 nông nghiệp tự cung tự cấp. Còn giờ cách mạng công nghệ 4.0 là phản ánh tư duy thực và ảo. Cách mạng công nghiệp khiến cho nông nghiệp ứng dụng nhiều robot, thiết bị không người lái, công nghệ led...

"Trong đào tạo khó nhất là đào tạo nghề. Trong đào tạo nghề khó nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn", ông Thức nhấn mạnh.

Trong bối cảnh thế giới thay đổi việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, vì thế lao động nói chung trong đó có lao động nông thôn cần nâng cao tay nghề. Điều này tạo nên lý thuyết "hỗn loạn nghề nghiệp" hay nói cách khác là quay vòng nghề nghiệp.

Trước đây lao động chỉ học 1 lần làm việc suốt đời, nhưng nay thì khác. Lao động nông thôn, làm nông nghiệp chịu tác động của nhiều yếu tố: Khí hậu; đất đai; công nghệ, ... những yếu tố này thay đổi liên tục vì thế lao động phải học tập không ngừng ".

Về đào tạo lại, ông Thức cho rằng cần phải mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng. Đặc biệt nâng cao chất lượng và đây là mục tiêu quyết định sự thành công  của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.   

"Mở rộng quy mô cần phải phát triển hệ thống đào tạo nghề mở linh hoạt: Mở thời gian, địa điểm, mở phương pháp; mở nguồn lực... Còn muốn mở chất lượng phải mở ở tất cả trình độ, không chỉ đào tạo ở cấp sơ cấp, trung cấp mà cần phải nâng lên cả cấp cao đẳng. Đồng thời tăng cường đầu tư về con người cơ sở hạ tầng cho các cơ sở đào tạo",  ông Thức nói.

Ông Thức cũng khuyến nghị cơ quan chức năng nên sớm ban hành chỉ thị về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thêm vào đó Chính phủ sớm phê duyệt Đề án đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2025.

Tăng cường đào tạo kỹ năng quản lý, kinh doanh cho nông dân

Để nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt nông dân, ông  Nguyễn Xuân Định - Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng ngoài việc đào tạo kỹ thuật chuyên môn thì cần tăng đào tạo kỹ năm mềm, trọng tâm là kỹ năng khởi sự kinh doanh.

Ông Định cho rằng, điều kiện học tập của nông dân Việt Nam còn rất khó khăn. Hầu hết các chương trình học hiện nay là đào tạo tại trường lớp, nông dân gặp hạn chế về thời gian không gian. Cần đổi mới việc đào tạo, ngoài đào tạo trực tiếp, cần tăng đào tạo trực tuyến qua Internet.

Ngoài ra, tìm giải pháp đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp, mất việc làm tại các khu công nghiệp. Nhiều lao động làm ở khu công nghiệp, mất việc về quê làm nông nghiệp nhưng không có kỹ năng, muốn chuyển đổi nghề cũng không thể.

đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng - Bộ LĐTBXH phát biểu tại Hội nghị Khoa học. Ảnh: N.T

Ông Định cũng cho rằng cần nâng tuổi đào tạo nghề cho lao động nông thôn vì có những lao động 70-80 tuổi vẫn còn làm nông nghiệp. Việc giới hạn lao động dưới 60 tuổi mới được học nghề không còn phù hợp. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực thực hành cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mở rộng hệ thống vệ tinh thực hành, có thể thực hành tại chính trang trại, cơ sở sản xuất của nông dân.  

"Đặc biệt, ngoài việc đào tạo kỹ năng, cần phải đào tạo tổ chức quản lý kinh doanh vì đào tạo chuyên môn cho lao động. Bởi vì nếu không có kỹ năng xúc tiến thương mại, không biết bán hàng thì nông dân làm ra, sản phẩm dư thừa, ế, không biết bán cho ai", ông Định nhấn mạnh.

Cũng theo ông ĐỊnh, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có thể tính toán bồi dưỡng thêm kỹ năng sư phạm cho hơn 3,5 triệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nếu được đào tạo đây sẽ là những người thầy rất tâm huyết, đào tạo nghề rất hiệu quả. Thực tế, từ năm 1988, Hội Nông dân cũng triển khai đề án "Nông dân đào tạo cho nông dân", kết quả rất khả quan.

"Chúng tôi kiến nghị Bộ LĐTBXH quan tâm hơn tới các trung tâm Hỗ trợ nông dân. Hiện nay Hội Nông dân có 52 trung tâm đào tạo nghề nông dân, mới được đổi tên thành trung tâm Hỗ trợ nông dân. Bản chất hoạt động không thay đổi, vẫn đào tạo nghề nhưng hiện nay không được cấp chứng chỉ, bằng cấp khi đào tạo. Chúng tôi kiến nghị Bộ LĐTBXH xem xét tháo gỡ vướng mắc về vấn đề này", ông ĐỊnh nêu kiến nghị.

Ông Đỗ Năng Khánh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khá đồng tình với các ý kiến của các vị đại biểu, đặc biệt là ý kiến của đại diện Hội Nông dân. Ông Khánh cho biết, một số vấn đề như, tăng cường khối lượng kiến thức về khởi nghiệp, marketing, đào tạo cho giám đốc hợp tác xã... đã được đưa vào giảng dạy. Thời gian tới, Bộ LĐTBXH và Bộ NNPTNT cũng sẽ chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc đào tạo bổ sung kiến thức này trong các chương trình dạy nghề cho nông dân.

"Hiện nay chúng tôi đã hoàn thành việc lấy ý kiến của các Bộ, Ngành và địa phương và đã trình Chính phủ xem xét đề án Đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2025. Ngay khi được Chính phủ phê duyệt, các địa phương sẽ đẩy mạnh đào tạo", ông Khánh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem