Những hy sinh khó nói hết bằng lời của các chiến sĩ áo trắng trong dịch Covid-19

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 27/02/2022 13:00 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 ròng rã suốt 2 năm đã khiến mọi người đều khó khăn, vất vả, đặc biệt là đối với lực lượng y tế tham gia phòng chống dịch. Những hy sinh, cống hiến của họ vì sức khỏe của người dân gần như khó đong đếm được.
Bình luận 0

Dịch Covid-19: Mọi người sợ chạy thì nhân viên y tế "xông" vào

Ở giai đoạn đầu dịch Covid-19, tình hình dịch trên thế giới vô cùng phức tạp, bệnh dễ lây, số ca tử vong cao, thông tin về virus còn hạn chế. Mọi người đều sợ hãi về căn bệnh "chết người dễ lây".

Ở Việt Nam, năm 2021, tuy số ca mắc vẫn còn hạn chế nhưng nỗi sợ hãi, kỳ thị với căn bệnh lại rất lớn. Khi mọi người "chạy xa", kỳ thị với những người mắc Covid-19 thì các chiến sĩ áo trắng lại lao vào đối mặt với "cái chết vô hình", sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm để giành giật sự sống cho bệnh nhân, để phòng lây nhiễm, để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Những hy sinh khó nói hết bằng lời của những chiến sĩ áo trắng trong dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh BVCC

Chỉ vì "đứng ở tuyến đầu", không ít nhân viên y tế đã chịu nỗi ấm ức, tủi thân khi bị hàng xóm, bạn bè xa lánh, kỳ thị. Điều dưỡng Bùi Lan Anh (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) giữa những ngày Tết đã phải gấp rút về bệnh viện để "trực chiến". Khi cô vẫn đang đối mặt với nguy hiểm để chạy chữa cho người bệnh thì nhận được những tin nhắn buốt giá của nơi cô ở trọ "đừng bén mảng về nơi ở", chủ nhà trọ yêu cầu cô chuyển nơi khác, hàng xóm đánh tiếng "cấm cửa".

Khi dịch Covid-19 khốc liệt ở Đà Nẵng rồi Bắc Giang, Hải Dương, TP.HCM, Bình Dương…, rất nhiều nhân viên y tế đã tạm biệt gia đình để lao vào "chiến trường" với lời hẹn "bao giờ hết dịch sẽ quay về".

Nhưng mọi người đều không lường trước được, lời hẹn ấy dài đằng đẵng 2 tháng, 4 tháng, có người đi hết điểm nóng này đến điểm nóng khác, có đến 4-5 tháng chưa về được đến nhà.

Có nhiều nhân viên y tế trải qua nỗi đau đớn khôn cùng khi bố mẹ mất, chồng mất, người thân mất mà không thể về nhà nhìn mặt lần cuối. Có những lời hẹn "đưa nàng về dinh" đã phải gác lại hết lần này đến lần khác chỉ vì "anh còn bận đi cứu thế giới". Có những đứa con đã khát sữa đòi mẹ, có người chồng đã phải gánh vác việc nhà, chăm con để vợ yên tâm chống dịch…

Những hy sinh khó nói hết bằng lời của những chiến sĩ áo trắng trong dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Gương mặt đỏ bừng, mồ hôi ướt đẫm của nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khi lấy lẫy mẫu xét nghiệm giữa trưa nóng 37-38 độ tại xã Tam Giang (Yên Phong, Bắc Ninh tháng 5/2021)

Trong cuộc tọa đàm mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chia sẻ: "Đại dịch Covid-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế luôn là tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Với những căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nhưng những "chiến sĩ áo trắng" vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người của người thầy thuốc.

Họ không chút e dè, không quản ngại, không chùn bước và đã gắn bó với những vất vả thường nhật khi tham gia công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng tâm dịch trong hai năm vừa qua.

Họ luôn để lại hình ảnh gắn bó thân thương đáng nhớ với với người dân, cộng đồng, bằng tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tính mạng, sức khỏe của người dân bị dịch bệnh đe dọa".

Đã có hàng ngàn nhân viên y tế nhiễm bệnh khi điều trị bệnh nhân, trong đó có người không qua khỏi…

6 nỗi đau đớn, vất vả mà nhân viên y tế đã đối mặt trong dịch Covid-19

Theo Thứ trưởng Tuyên, chỉ riêng đợt thứ 4, đã có hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả sinh viên ngành y, ở nhiều địa phương trên cả nước hăng hái trực tiếp tham gia nhiệm vụ bảo vệ và điều trị cho người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nóng nhất, nguy nhiểm nhất.

Những hy sinh khó nói hết bằng lời của những chiến sĩ áo trắng trong dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã xông pha hết "mặt trận" này qua "chiến trường" khác như Đà Nẵng, Bắc Giang rồi lại về TP.HCM, xa nhà 3-4 tháng chưa về. (Bác sĩ Linh hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bắc Giang tháng 5-6/2021. Ảnh BYT)

Thứ trưởng Tuyên dẫn chứng: thứ nhất, cuộc sống cá nhân của nhân viên y tế hoàn toàn bị ảnh hưởng, họ rời xa gia đình lên đường phòng, chống dịch, luân phiên 1 tháng, 2 tháng, thậm chí còn lâu hơn nữa. Có những nhân viên y tế đã chuyển ra khỏi nhà do lo ngại sẽ mang virus về nhà lây nhiễm cho con nhỏ, cho cha mẹ già, cho người thân trong gia đình.

Tôi lấy ví dụ câu chuyện lùi thời gian kết hôn của một nữ điều dưỡng hay của bác sĩ Minh Hoàng ở Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ. Hay câu chuyện vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng, đã gửi lại con thơ để xung phong lên đường phòng, chống dịch. Hay những ban thờ vái vọng người thân khi qua đời mà những nhân viên y tế của chúng tôi không về được…

Thứ hai, họ trải qua cuộc sống cô lập, mất đi sự tiếp xúc của con người, hạn chế tiếp xúc với xung quanh do sợ lây nhiễm. Cuối cùng. họ cũng an toàn trở về nhưng đó thực sự là thời gian khủng khiếp đối với họ.

Những hy sinh khó nói hết bằng lời của những chiến sĩ áo trắng trong dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Mẹ mất đột ngột, đang chống dịch nên điều dưỡng Hà Thị Trị (Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh) chỉ có thể lập bàn thờ mẹ trong khu cách ly tháng 6/2021 (Ảnh BYT)

Thứ ba, họ đã trải qua nỗi lo lắng về lây nhiễm dịch bệnh do tiếp xúc với nguồn lây. Họ lo lắng về phương tiện bảo hộ, nếu phương tiện bảo hộ không đảm bảo thì tăng nguy cơ lây nhiễm với nhân viên y tế.

Thứ tư là sự ấm áp và lòng trắc ẩn của nhân viên y tế khi chăm sóc điều trị người bệnh. Họ là người duy nhất tiếp xúc, tương tác với người bệnh. Họ vui khi người bệnh khỏi bệnh, nhưng cũng đau buồn, bất lực khi chứng kiến cảnh người bệnh không qua khỏi.

Thứ năm, họ không thoát khỏi Covid-19. Nhân viên y tế hằng ngày hằng giờ làm việc liên quan mật thiết với người bệnh nhưng khi rời khỏi công việc, họ cũng vẫn tiếp tục đối diện với những trăn trở, đau buồn do Covid-19, nhất là khi mạng xã hội tràn ngập thông tin Covid-19. Hàng nghìn cuộc gọi tới họ trao đổi về Covid-19.

Thứ sáu, họ làm việc quên thời gian, không có hồi kết. Nhân viên y tế được yêu cầu ở lại tập trung một thời gian ngắn trong bệnh viện hoặc đi hỗ trợ các tuyến, họ đã luôn trong tình trạng liên tục làm thêm giờ, họ chăm sóc không kể ngày đêm cho bệnh nhân Covid-19.

Có nhiều bác sĩ tình nguyện viên gần như không nghỉ. Đơn cử như bác sĩ Trần Công Minh của Bệnh viện Chợ Rẫy, khi vừa kết thúc hỗ trợ phòng chống dịch ở Bắc Giang lại bắt tay ngay vào công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện hồi sức cấp cứu ở TPHCM.

"Có thể nói, hơn tất cả những hy sinh tận tình của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, họ luôn tự hào khi được cống hiến hết sức mình, bằng trái tim, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ chống dịch, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường, ổn định", Thứ trưởng Tuyên tâm sự.

Không giữ được tính mạng bệnh nhân trên tay mình là khó khăn lớn nhất của người thày thuốc

Về những khó khăn khi suốt 2 năm đằng đẵng mà ngành y tế phải "đánh vật" với Covid-19, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất của chúng tôi không phải là mệt, chịu nóng lực, vất vả do công việc, mà khó khăn nhất đối với chúng tôi là khi người bác sĩ chữa bệnh không giữ lại được tính mạng người bệnh trên tay mình.".

Ông tâm sự: "Có những học trò của chúng tôi không ăn cơm được, bị stress, xin nghỉ phép đóng cửa ở trong phòng 2-3 ngày chỉ vì không thể quên được những ca bệnh mà mình không bảo vệ được. Đó là giờ phút không thể nào quên được. Tôi rất tự hào về các em!

Những hy sinh khó nói hết bằng lời của những chiến sĩ áo trắng trong dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Dù vất vả, nguy hiểm thế nào thì điều mà các bác sĩ vẫn luôn nỗ lực cứu sống thêm nhiều bệnh nhân (Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh CTV)

Có những em bị mắc Covid-19 nhưng không nghỉ mà xin vào phòng bệnh ở cùng luôn với bệnh nhân để chăm sóc bệnh nhân 24/24. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành y.

Còn hiện nay khi dịch đã chuyển sang giai đoạn mới thì chúng ta không thể Zezo Covid-19 mà phải sống chung với dịch bệnh. Giai đoạn này thì sự hy sinh lại khác. Giai đoạn này, khó khăn nhất đối với chúng tôi là không phải không biết cách chữa, hoảng sợ vì số lượng Covid-19 diễn biến phức tạp bởi chúng ta đã hiểu rất rõ về Covid-19.

Khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài, các y bác sĩ nhân viên y tế không biết lúc nào sẽ dừng lại việc điều trị Covid-19, việc điều trị vẫn liên tục.

Tuy nhiên, thực sự tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế đã được đào tạo, rèn luyện nhiều năm nên không ai bỏ cuộc.

Theo PGS Hiếu, dù đã kiệt sức với Covid-19 nhưng khi bệnh nhân cần, các bác sĩ vẫn tiếp tục "cho đi" một cách vô tư và tận tâm.

"Ngay đầu năm vừa rồi, chúng tôi đã phát động phong trào "Trái tim hồng", nhiều y bác sĩ vẫn đang điều trị bệnh nhân Covid-19, thậm chí bệnh nhân nặng, nhưng vẫn sẵn sàng "xắn tay áo" hiến máu cứu những bệnh nhân đang rất cần máu để duy trì sự sống.

Rất nhiều y, bác sĩ khác của chúng tôi ở bệnh viện bị nhiễm Covid-19, có đến hơn 200 bác sĩ nhiễm bệnh. Nhưng anh chị em không nghỉ ngơi mà xin xuống Bệnh viện điều trị Covid-19 (Hà Nội). Những người không nhiễm bệnh thì lên cơ sở 1 tại Đại học Y Hà Nội làm việc. Tôi rất cảm động!", ông chia sẻ. 

"Chúng tôi không sợ Covid-19. Chúng tôi chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Sức ép của chúng ta hiện nay là làm sao truyền thông để người dân tin tưởng thực hiện các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế.

Chúng ta đã có hướng dẫn rất rõ ràng về điều trị Covid-19 tại nhà đối với người lớn như thế nào, đối với trẻ em như thế nào.

Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng!".

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem