Nhu cầu tiêu thụ giảm sâu, dự báo thị trường phân bón nửa cuối năm "ảm đạm"

18/08/2023 17:42 GMT+7
Trong quý II, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho biết, giá phân bón ghi nhận mức giảm nhẹ 10% so với quý liền kề và giảm 54% so với cùng kỳ năm trước.

Giá Ure ghi nhận tăng trong tháng 4 và 5 nhưng quay đầu giảm vào tháng 6 do nhu cầu tiêu thụ gia tăng tại tất cả các khu vực bước vào vụ mùa xuân (tháng 4,5). Bên cạnh đó, nguồn cung bắt đầu gia tăng kể từ giữa tháng 5 ở các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Brunei và Trung Quốc. Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Ấn Độ không có nhiều cải thiện.

Theo các chuyên gia VCBS, giá phân Urê thế giới kỳ vọng đã chạm đáy trong kỳ kinh doanh quý II vừa qua. Giá Urê được dự báo tăng trong ngắn hạn chủ yếu do Ai Cập cắt giảm 30% lượng khí cho sản xuất phân bón và chịu tác động bởi căng thẳng leo thang ở biển Đen. Hơn nữa, thời gian tới nhu cầu phân bón sẽ gia tăng do đến mùa vụ tại Châu Mỹ La Tinh và Ấn Độ.

Nhu cầu tiêu thụ giảm sâu, dự báo thị trường phân bón nửa cuối năm "ảm đạm"  - Ảnh 1.

Diễn biến giá than, khí và giá phân Urê trên thị trường thế giới.

Tuy vậy, VCBS cho rằng, trong dài hạn, lĩnh vực kinh doanh phân bón chưa thực sự khả quan do nguồn cung gia tăng nhưng ngược lại, nhu cầu tiêu thụ vẫn suy yếu. Áp lực nguồn cung phân bón thế giới gia tăng do Nga và Trung Quốc đang nới lỏng những biện pháp hạn chế hạn ngạch xuất khẩu phân bón. Trung Quốc mở cửa giao thương trở lại sẽ là nguồn cung cấp lớn phân bón ra thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu phân bón Việt Nam.

Về phía Nga, Nga cho biết sẽ liên tục thực hiện các chính sách gia hạn ngạch xuất khẩu phân đạm trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 5/2023 cho đến tháng 11/2023 để giúp hỗ trợ cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu phân bón để tiêu thụ nội địa tại Ấn Độ cũng suy yếu do chính sách giảm phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu và hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ phân bón.

Trong quý II, giá phân Urê trong nước cũng ghi nhận mức giảm nhẹ 5% so với quý I/2023. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ Urê hoạt động giao dịch chậm tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long mặc dù đang trong vụ lúa hè thu. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu trầm lắng hơn và nhập khẩu phân bón từ các quốc gia như Indonéia, Trung Quốc tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chậm lại.

VCBS cho hay, giá phân Urê năm 2023 được dự báo giảm so với mức đỉnh năm 2022 nhưng sẽ vẫn duy trì ở mức nền cao so với giai đoạn 2020.

Hiện nay, giá nguyên vật liệu bao gồm khí, than giảm sẽ giảm áp lực chi phí sản xuất phân Urê. Nhu cầu tiêu thụ phân Urê trong nước được dự báo sẽ phục hồi 12 – 16% so với năm 2022 do giá Urê hạ nhiệt.

Nhu cầu tiêu thụ giảm sâu, dự báo thị trường phân bón nửa cuối năm "ảm đạm"  - Ảnh 2.

Sản lượng Urê nhập khẩu và diễn biến giá Urê trong nước.

Hơn nữa, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Ấn Độ tiếp tục duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu gạo trong khi nguồn cầu gạo thế giới vẫn duy trì ở mức cao. Trong nước, Việt Nam đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao để phù hợp tiêu dùng toàn cầu. Tất cả những yếu tố trên sẽ tác động tích cực, tạo kỳ vọng cho lĩnh vực phân bón trong nửa cuối năm 2023.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2023, cả nước xuất khẩu hơn 942 nghìn tấn phân bón các loại, tương đương đạt 391,05 triệu USD, giá trung bình 414,9 USD/tấn, giảm 15% về khối lượng, giảm 45,8% về kim ngạch và giảm 36,2% về giá so với cùng kỳ năm 2022.

Như vậy, con số này thấp hơn nhiều so với con số 7 tháng năm 2022. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu trên 1,1 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 721,8 triệu USD, giá trung bình 649,7 USD/tấn, tăng mạnh 41,5% về khối lượng, tăng 174,3% về kim ngạch và tăng 93,8% về giá so với 7 tháng đầu năm 2021.

Riêng tháng 7/2023 xuất khẩu 141.006 tấn phân bón các loại đạt 54,66 triệu USD, giá 387,6 USD/tấn, tăng 30,6% về khối lượng, tăng 17% kim ngạch nhưng giảm 10,4% về giá so với tháng 6/2023; So với tháng 7/2022 thì cũng tăng 25,5% về lượng, nhưng giảm 27,2% kim ngạch và giảm 42% về giá.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục