Nhớ thương 9 bậc nghiêng nghiêng…

Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Thị Tấc Thứ hai, ngày 30/01/2023 10:00 AM (GMT+7)
Tôi là người Kinh, sinh ra ở Hưng Yên. Nhưng nhắc đến quê nhà, hình ảnh hiện lên trong đầu tôi là “Đường lên Tây Bắc xa xôi/ Nếp nhà sàn thấp thoáng…”. Nỗi nhớ cứ dâng đầy trong ngực, dâng nhòa đôi mắt. Tôi nhớ ngôi nhà sàn ở Bản Đán, nơi tôi được làm con nuôi - lụk liệng.
Bình luận 0

Biểu tượng của miền văn hóa Tây Bắc

Tôi, đứa trẻ lem luốc phủ phục lên cối giã gạo dưới gầm sàn ngắm nhìn các cô, các chị múa khăn, múa quạt, múa nón ngày mưa. Tiếng tính tảu, tiếng má hính - má xáo (chùm quả chuông) rộn rã hòa vào nhau giục bước chân, uốn đôi tay theo điệu múa. Khi ấy, những chiếc đu bằng vai trâu cũ để lũ trẻ chúng tôi chơi Khí Choọng cha (cưỡi đu) được giắt lên phang nhà cho đỡ vướng. Ngay cả khi chiếc đu nằm yên trên đó thì tôi vẫn tưởng tượng mình đang bay trên đu để trông sang nhà bên thấy bà thím quay sợi. Trông xuống nhà dưới thấy cô gái lười ngồi đuổi ruồi...

xuan/Nhớ thương 9 bậc nghiêng nghiêng… - Ảnh 1.

Nếp nhà sàn bình yên giữa những thửa ruộng bậc thang Tây Bắc. Ảnh: NGỌC THẮNG

Cầu thang là nơi ghi dấu một kiếp người nơi trần gian. Khi sinh ra, trong lễ đầy tháng, đặt tên, cạnh cầu thang treo một cành lá xanh tươi để báo hiệu. Khi biết bò thì đu bám từng bậc thang mà tập bò lên, tập bò lùi xuống. Lớn thêm rồi, lớn lên rồi, còn bước lên xuống được thì không ai nhớ được mình đã lên, xuống bao lần…

Tôi nhớ… nỗi nhớ như bầy chim se sẻ ríu ran rủ nhau về kiếm ăn khi lúa chín vàng thung lũng. Nhà sàn đã trở thành biểu tượng của miền văn hóa Tây Bắc. Nhà sàn cũng trở thành căn cước văn hóa của một tộc người. LênTây Bắc, thấy những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong sương mây ven thung lũng, lưng đồi hay nép mình trong những cánh rừng già, rừng thưa, người ta sẽ nghĩ ngay đến đó là bản của người Mường, người Lự, người Lào hoặc người Thái. Tới gần hơn một chút, nếu thấy trên nóc nhà hai bên đầu hồi có Khau Cút thì ai cũng biết đó là bản của đồng bào Thái đen; nếu có Khau Khoài - hình đầu trâu, thì đó là bản của đồng bào Lự...

Kiến trúc ngôi nhà truyền thống của bất kỳ tộc người nào cũng đều có xuất xứ. Nhưng ngôi nhà có hẳn một câu chuyện cổ tích về sự ra đời của nó. Đặc biệt, cấu trúc và hình dạng lại liên quan đến một trong bốn tứ linh - Thần Rùa như nhà sàn của người Mường, người Thái, người Lào, người Lự… là điều đáng suy ngẫm.

Bài viết này tôi xin đề cập về nhà sàn của người Thái. Nhà sàn ra đời thuở ban đầu là để tránh sự tấn công của thú dữ; để hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực của độ ẩm do môi trường đến sức khỏe con người. Theo thời gian, người ta nhận ra, nhà sàn là ngôi nhà thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Ở trong ngôi nhà sàn này người lớn "dú hảo, kin van - Ở tốt- ăn ngọt (ngon)", ở ngôi nhà này lũ trẻ "Má khớn, nhấu luông, nhấu pin xao, dạo pin báo bản mướng - Lớn lên, lớn to, lớn thành cô gái, lớn thành chàng trai bản mường".

Nhà sàn là ngôi nhà có công năng mở. Nó có thể tháo dỡ, di dời dễ dàng. Nó có thể theo hướng gió lành mà trổ thêm cửa sổ; nó có thể nâng cao hay hạ thấp gầm sàn bằng các hòn đá kê. Vách nhà có thể bưng kín ván ở những vùng có khí hậu lạnh; cũng có thể bưng bằng tấm nứa đan thoáng gió ở những vùng nóng. Nhà sàn là ngôi nhà được dựng bằng gianh, tre, gỗ, nứa, đá… có sẵn ở gần nơi dựng nhà. Điều đó cùng với cấu trúc của nó, nhà sàn giúp con người sống dung hòa với thiên nhiên, nương dựa thiên nhiên để sinh tồn có lợi lạc nhất.

xuan/Nhớ thương 9 bậc nghiêng nghiêng… - Ảnh 3.

Các cô gái Thái trắng (huyện Phong Thổ, Lai Châu) trên “9 bậc núi rừng”. Ảnh: V.T

Người Thái là tộc người luôn sống tôn trọng, biết ơn thiên nhiên và những bậc tiền nhân có công mở mang bờ cõi, dựng bản lập mường. Thiên nhiên được người Thái nhân cách hóa thành những vị thần để thờ phụng, để đặt tên lễ, hội và định ngày cúng tế. Ngoài những lễ hội lớn mang tính cộng đồng mường, bản thì hàng năm, mỗi gia đình cũng có gần chục lễ cúng liên quan đến thần linh, trời đất. Phần lớn những nghi thức đó được thực hiện trong ngôi nhà sàn của họ.

Bếp và lửa là nơi ngự của Ải Láng Phặc - một vị thần ban phước, bảo hộ, giám sát. Bếp nấu của người Thái xưa được kê bằng đá cuội. Một hòn đá tròn, dài như quả bí đao kê ở giữa. Hai đầu hòn đá này kê thêm mỗi bên hai hòn ngắn tạo thành kiềng ba để đặt xoong chảo đun nấu. Hòn ở giữa là nơi trú ngụ của vị thần Ải Láng Phặc (chàng Bí Đao), là vị thần chủ về sự yên ổn của đất đai. Khi trong vùng có động đất thì một ai đó trong nhà sẽ chạy đến bếp vỗ vỗ vào hòn đá dài nói "Ải Láng Phặc ơi, ở yên nhé, nằm yên nhé, núi lở, đá lăn tung bụi mù mịt rồi. Ải Láng Phặc ơi, nằm yên nhé. Phù hộ cho con cháu bản mường được ăn ngon, ở yên nhé. Ải Láng Phặc ơi".

Với người Thái, bếp lửa là sinh khí của ngôi nhà. Người Kinh có câu "bếp lạnh, tro tàn" thì người Thái cũng có câu "thôi đai - thôi lạng" để chỉ những ngôi nhà hoang, ngôi nhà vắng vẻ.

Sàn nhà luôn phải giữ cho sạch sẽ. Thời xưa, nhà sàn ra đời, rồi sau bao lâu, chủ nhân của nó không có dép. Để không mang bùn đất, bụi bẩn lên nhà thì người Thái có cái máng gỗ chứa nước ở cạnh chân cầu thang. Cạnh máng cắm cái cọc để úp chiếc gáo múc nước làm bằng ống tre hoặc vỏ quả bầu khô. Trước khi lên nhà, mọi người múc nước rửa chân sạch sẽ rồi mới đặt chân lên cầu thang...

Chuyện trên nhà, dưới sàn

Ngôi nhà sàn của người Thái xưa có hai cầu thang. Nếu từ trước nhà nhìn tới, cầu thang bên trái là Táng quản - cầu thang chủ. Gian nhà giáp cầu thang là gian đặt buồng thờ. Giáp buồng thờ là buồng ngủ của vợ chồng chủ nhà. Bếp chủ (ti chẩu, ti quản) được đặt trước cột thiêng, chếch sang phía buồng ngủ của vợ chồng chủ nhà. Đây là nơi ông bà chủ nhà đun nước, tiếp khách đàn ông và sưởi ấm vào mùa đông. Những việc lớn trong gia đình, dòng họ được bàn bạc, giải quyết, thông báo tại bếp này. Mọi khúc mắc trong gia đình, dòng họ, cộng đồng được giả quyết tại đây trước sự chứng kiến của tổ tiên, thần linh.

Bếp để nấu ăn được đặt ở gian đầu nhà đằng chan (sàn phơi). Cầu thang lên gian này gọi là táng chan. Đàn bà trong gia đình và khách đàn bà lên nhà bằng cầu thang này. Ngay trên bếp nấu là hệ thống gác, giàn làm bằng tre để cất trữ, bảo quản giống ngũ cốc và thức ăn sấy. Bếp cũng là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt mang tính văn hóa, tâm linh… Với người Thái, người Lự xưa, sau bữa tối, quanh bếp nấu, những người từ 13 tuổi trở lên trong gia đình ngồi nhuộm răng, chuyện trò. Bên bếp nấu này, người mẹ, người bà dạy con cháu cách làm ăn, ứng xử trong gia đình, họ hàng và cộng đồng.

Với lũ trẻ, đường lên trời hay cầu thang lên nhà sàn cũng giống nhau thôi. Cầu thang là nơi con người lên - xuống; là nơi mang bao ẩn số, triết lý của vũ trụ và sự sống. Chẵn - lẻ, âm - dương, trong - ngoài. Cái thang thường là cây gỗ tròn to như cột nhà, xẻ đôi. Theo quan niệm của người Thái một số vùng, cái thang bên ngoài là dương, tượng trưng cho người đàn ông trong nhà, hướng ngoại. Cái thang bên trong là âm, tượng trưng cho đàn bà trong nhà, hướng nội. Bậc thang cho tất cả mọi người bao giờ cũng là lẻ (dương).

Cầu thang là nơi ghi dấu một kiếp người nơi trần gian. Khi sinh ra, trong lễ đầy tháng, đặt tên, cạnh cầu thang treo một cành lá xanh tươi để báo hiệu. Khi biết bò thì đu bám từng bậc thang mà tập bò lên, tập bò lùi xuống. Lớn thêm rồi, lớn lên rồi, còn bước lên xuống được thì không ai nhớ được mình đã lên, xuống bao lần. Chỉ biết lên thì bàn chân đặt thẳng, xuống bàn chân đặt chếch không sợ rơi khỏi thang. Đến khi không còn đủ sức nữa thì lại buông gậy đu từng bậc thang bò lên. Một vòng đời - cầu thang ghi dấu.

Bây giờ, không thể chặt cây, phá rừng lấy gỗ làm nhà sàn. Muốn có gỗ làm nhà thì phải trồng cây. Nhưng con người mấy ai trồng cây. Thời thế cũng đã thay đổi. Làm nhà sàn bê tông cốt thép rẻ hơn, bền hơn, ở sạch sẽ, sang trọng, văn minh hơn nhà gỗ. Nhưng nhà sàn bê tông thì không đặt bếp lửa trong nhà được. Khói bếp, bồ hóng, tro than sẽ làm bẩn nhà. Với lại bây giờ đun nấu bằng bếp gas, bếp điện, đâu cần bếp củi. Nấu rượu, nấu cám lợn chỉ cần làm cái gian lợp bán mái cạnh chuồng lợn là ổn... Chỉ tội mấy ông bà già quen ngồi bếp lửa tí tách nhai trầu, nói chuyện nên lại cứ thích quây quần bên bếp. Đến nhà ai ngồi bộ bàn ghế sang trọng đặt trên sàn gạch hoa không muốn ngồi lâu.

Bây giờ, đất cha mẹ ông bà để lại cho có vậy. Lại có 3 thằng con trai lấy vợ, cần 2 nền đất làm nhà cho hai thằng ra ở riêng. Vậy là phải dỡ bỏ nhà sàn, chia đất xây nhà cho con, cháu.

Bây giờ, những người còn nhà sàn do cha mẹ để lại hoặc có điều kiện làm nhà sàn gỗ như xưa thì lại không lợp gianh được. Cả vùng không còn đồi gianh. Mà mái gianh thì 3-4 năm lại phải thay. Bản đua nhau: người có điều kiện lợp tôn xanh, tôn nâu; người ít điều kiện thì lợp tấm fibro xi măng. Từ xa nhìn bản mình, đủ sắc màu, vui mắt đấy nhưng lòng thoáng ngậm ngùi.

Ai đó đã nói "Văn minh đi đến đâu thì văn hóa nơi đó bị triệt tiêu". Tôi nghĩ đó là chuyện đương nhiên. Tôi chỉ ước, với mỗi tộc người, Nhà nước chọn một vài bản, làng, buôn, sóc còn nguyên sơ cổ kính nhất để đầu tư, giữ gìn từng nếp nhà, bờ rào, cổng ngõ… không gian, môi trường sống xưa. Để mai sau con cháu các tộc người biết tổ tiên họ đã sinh tồn như thế nào; đã để lại di sản văn hóa gì? Để quê - nhà của họ không chỉ còn trong truyền thuyết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem