Nhiều lao động, doanh nghiệp trong cả nước kiến nghị bỏ cách ly với F1

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 06/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trước bối cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng vì số lao động mắc Covid-19 tăng cao, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đã đề xuất kiến nghị bỏ cách ly với F1.
Bình luận 0

Kiến nghị bỏ cách ly F1, lao động làm việc dây chuyền riêng

Theo quy định phòng chống dịch, đối tượng là F1 phải cách ly 5 ngày mới được đi làm. Trong bối cảnh số ca bệnh tăng nhanh như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất đang thiếu lao động trầm trọng vì F1 phải cách ly khá đông.

Ghi nhận tại Công ty Johnson Health (Bắc Ninh) cũng cho thấy khó khăn do thiếu lao động. Dù xưởng sản xuất của công ty có tới 5 dây chuyền nhưng chỉ hoạt động được 3 dây chuyền. Mỗi dây chuyền cần 32 người làm mới hiệu quả nhưng cả tuần nay, mỗi dây chuyền còn 10 người. Dù đơn hàng nhiều nhưng doanh nghiệp cũng không dám cho tăng ca vì phải đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

kiến nghị f1 đi làm

Cả dây chuyền may nhưng vì số lao động là F1 tăng cao nên phải dừng hoạt động, lác đác chỉ còn lại vài lao động làm việc. Ảnh: B.D

Ông Chen Tse Ming - Tổng Giám đốc Công ty Johnson Health cho biết có thời điểm có tới 60% công nhân (công ty có hơn 1.000 công nhân) phải nghỉ việc vì là F0 và F1. Điều này làm gia tăng khó khăn cho doanh nghiệp vì đơn hàng nhiều mà sản xuất không đủ đáp ứng. Năng suất lao động giảm vì cứ 10 người phải gánh việc cho 34 người trong cùng dây chuyền.

"Nhiều lúc muốn tăng ca nhưng lao động không đủ, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của công nhân lao động", ông Chen Tse Ming nói.

Trước tình hình số lượng F1 ngày càng tăng, Công ty Johnson Health và  nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp Bắc Ninh đã kiến nghị bỏ quy định F1 phải cách ly 5 ngày mới được đi làm, thay vào đó cho F1 đi làm ở phân xưởng riêng.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho rằng không riêng gì Bắc Ninh tình trạng thiếu hụt lao động do F1, F0 tăng cao đang xảy ra trong cả nước.

Tương tự như Bắc Ninh, tại các khu công nghiệp Hà Nội tình trạng này cũng xảy ra khá nhiều.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cũng cho biết, qua ghi nhận gần như 100% doanh nghiệp ở khu công nghiệp đều cho biết đang thiếu lao động do tình trạng F1, F0 tăng cao.

"Theo quy định thì F0 và F1 vẫn phải cách ly tại nhà chưa được đi làm. Ban quản lý, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghiêm quy định này", ông Thuận nói.

Cũng theo ông Thuận, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng có công ty cho biết sự thiếu hụt này lên tới 10-20%. Cá biệt có doanh nghiệp thiếu hụt tới 40% trong cùng thời điểm. Ông Thuận cũng cho biết chưa ghi nhận ý kiến đề xuất nào chính thức từ phía doanh nghiệp nhưng qua nắm bắt doanh nghiệp rất lo lắng và mong sớm có thay đổi về chính sách phòng chống dịch, trong đó có việc giảm thời gian cách ly hoặc bỏ cách ly với F1.

Bỏ cách ly F1 là mong muốn của lao động

Chị Nguyễn Thị Lý (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, 3 ngày nay chị phải cách ly tại nhà vì là F1. Chị Lý cho biết, chị đã test Covid-19 cho kết quả âm tính và thấy cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh.  Công ty liên tục nhắn tin hỏi thăm sức khỏe và nói ngày nào chị hết cách ly để quay lại làm việc.

"Công ty thiếu lao động nghiêm trọng, nên luôn muốn F1 đi làm trở lại. Còn chúng tôi, không như F0 nghỉ việc có tiền BHXH, F1 nghỉ việc là không có lương. Vì thế ai cũng mong muốn được đi làm sớm", chị Lý nói.

Trước nguyện vọng của lao động và doanh nghiệp, mới đây Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA) đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép công nhân là F1 có kết quả xét nghiệm âm tính được đi làm.

kiến nghị lao động f1 đi làm

Nhiều nhà máy sản xuất thép ở TP. HCM cũng đang đối mặt với chuỗi sản xuất bị gián đoạn do lao động là F0 và F1 tăng cao. Ảnh: Thanh Ngân

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch HBA cho biết các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM ngày càng thiếu hụt lao động do F1 phải cách ly nhiều. Nếu áp dụng rập khuôn cách ly F1 thì chỉ cần một công nhân ở nhà trọ hay phân xưởng là F0 thì có khả năng cả nhà trọ, phân xưởng đó là F1. Các công nhân là F1 phải ở nhà ít nhất 5 ngày. Nhà máy không có công nhân đi làm.

"Theo tôi các đối tượng có nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, báo cơ quan y tế có trách nhiệm và báo doanh nghiệp. Sau khi xét nghiệm nhanh với kết quả âm tính, công nhân vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2m", đại diện HBA kiến nghị.

Cũng theo đại diện HBA, các F1 này có sự giám sát của quản lý nhà máy (tổ trưởng, chuyền trưởng hoặc quản đốc). Đến ngày thứ 5, nếu xét nghiệm vẫn âm tính thì công nhân đó được hòa nhập lao động bình thường trở lại.

Theo thống kê của HBA, hiện có hơn 350.000 công nhân tại 18 Khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao TPHCM đã tiêm ngừa 2 mũi vắc-xin gần 100%, một phần lớn đã tiêm mũi 3 tăng cường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem