Nhiều DN trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm: Tòa xử vẫn không thu được nợ

Diệu Linh Thứ ba, ngày 21/07/2015 06:50 AM (GMT+7)
“Đeo bám quyết liệt”, “kiện ra tòa”, “mời thanh tra” nhưng nhiều cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh vẫn không thu được nợ đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các doanh nghiệp. Hậu quả là người lao động khóc dở mếu dở vì quyền lợi bị xâm hại. Ghi nhận của NTNN tại Bắc Ninh.
Bình luận 0

Trầy trật thu nợ

Tháng 2.2015, BHXH huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã khởi kiện thành công Công ty liên doanh Dược phẩm Eloge France Việt Nam (Công ty Eloge France) đóng trên địa bàn huyện về việc nợ BHXH kéo dài. Công ty này đã nợ BHXH, BHYT, BHTN số tiền gần 3,3 tỷ đồng (bao gồm cả tiền lãi). Tòa án tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định Công ty Eloge France phải trả số nợ cho BHXH huyện Quế Võ. Nếu không tự nguyện trả thì BHXH huyện có quyền yêu cầu đội thi hành án, cưỡng chế thi hành án với Công ty Eloge France.

img

Công ty TNHH Kết cấu thép Bắc Việt còn nợ bảo hiểm nhưng kêu khó khăn chưa trả được. Ảnh: Tuấn Kiệt 

Ông Nguyễn Quốc Hoàn – Giám đốc BHXH huyện Quế Võ chia sẻ: “Từ khi quyết định của tòa án có hiệu lực đến nay đã hơn 3 tháng nhưng Công ty Eloge France  vẫn chưa trả nợ. BHXH huyện cũng đã cùng cơ quan chức năng đi xác định tài sản của công ty này tại 3 ngân hàng nhưng số vốn thế chấp của họ tại các ngân hàng còn thấp hơn nhiều lần số tiền vốn vay của ngân hàng. Tiên liệu là nếu công ty này phá sản thì ngân hàng cũng sẽ thu hết tài sản, không đến lượt cơ quan BHXH” – ông Hoàn cho biết.

Theo ông Hoàn, hiện nay, BHXH Quế Võ quản lý hơn 500 đơn vị thì có tới 72 đơn vị trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm với số tiền gần 20 tỷ đồng. Các đơn vị thường chây ỳ, khất lần hoặc “lặn luôn”. Mỗi năm, huyện cũng khởi kiện ra tòa từ 1-2 vụ để đòi tiền nhưng kể cả tòa án có ra phán quyết, yêu cầu đội thi hành án cưỡng chế thì vẫn không đòi được. “Có doanh nghiệp tòa gọi ra cũng trốn luôn. Hoặc khi tòa án cưỡng chế thì nộp tiền đối phó khoảng 5-10 triệu, sau đó lại chây ỳ tiếp” – ông Hoàn cho biết.

Chế tài quá nhẹ

Chia sẻ nguyên nhân nợ BHYT, BHTN, ông Trần Vọng – phụ trách nhân sự Công ty TNHH Kết cấu thép Bắc Việt (huyện Quế Võ) cho biết, sản xuất khó khăn, vay nợ ngân hàng nhiều nên không đủ tiền để chi trả.

Chúng tôi đã có đề xuất nên thu giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài, với số tiền lớn. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng nghìn lao động nên cũng khó có thể thực hiện.

Ông Nguyễn Huy Hà - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh.

“Tiền kinh doanh chúng tôi ưu tiên trả nợ ngân hàng, nộp thuế và trả lương cho công nhân. Còn tiền BHXH vẫn phải khất” – ông Vọng phân trần.

Theo cán bộ BHXH huyện Quế Võ, Công ty Bắc Việt đang nợ 1,1 tỷ đồng. Mỗi tháng công ty này vẫn trả 85-90 triệu đồng tiền BHXH và tiền lãi suất cho khoản nợ, tuy nhiên không biết đến bao giờ mới trả hết nợ. Hiện lãi suất ngân hàng mà Công ty Bắc Việt là 10,5%/năm. Còn tiền lãi BHXH rất thấp. Nợ 1,1 tỷ nhưng mỗi tháng công ty chỉ phải trả cho BHXH hơn 7 triệu.

“Lãi suất BHXH, BHYT quá thấp so với lãi suất ngân hàng. Đó cũng là lý do khiến cho nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài để chiếm dụng vốn” – ông Hoàn chia sẻ.

Ông Phạm Đăng Hồng – Trưởng phòng Thu (BHXH tỉnh Bắc Ninh) nhấn mạnh, nguyên nhân nợ đọng BHXH cũng một phần do một số doanh nghiệp thực sự khó khăn do sản xuất bị thu hẹp, việc làm không ổn định. Nhưng cũng có doanh nghiệp cố tình nợ BHXH vì lợi nhuận, chiếm dụng vốn. Không ít doanh nghiệp tuyển lao động vào làm thời vụ, không ký hợp đồng, không nộp BHXH. Còn bản thân người lao động cũng thiếu hiểu biết về chính sách nên chưa chủ động đòi quyền lợi cho mình. Trong khi đó, Nhà nước chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm chính sách BHXH.

 Đơn cử như Công ty TNHH 1 thành viên cơ khi và xây dựng nguồn điện Tiên Du (đóng tại Khu công nghiệp Tiên Sơn) nợ 42 tháng BHXH các loại của lao động với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng. BHXH tỉnh đã có ý kiến, đoàn thanh tra liên ngành của Chính phủ đã vào kiểm tra, công ty hẹn đến 30.6 sẽ thanh toán hết số nợ (lúc thanh tra số nợ hơn 6 tỷ đồng). Tuy nhiên, công ty này chỉ trả 500 triệu đồng, sau đó lại mất hút. Ngoài ra, huyện Tiên Du còn có Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Phi Kha miền Bắc cũng nợ 56 tháng BHXH của người lao động với số tiền 2,3 tỷ đồng. BHXH huyện Tiên Du đã khởi kiện 2 công ty này ra tòa nhưng việc đòi được nợ vẫn còn khá mù mịt.

“Đến Thanh tra Chính phủ vào cuộc, tòa án ra quyết định còn chưa đòi được nợ thì cán bộ bảo hiểm miệng đâu, sức đâu, quyền lực đâu mà đòi được nợ. Chế tài nhẹ, làm không cương quyết nên nợ vẫn cứ dây dưa. Chỉ khổ cho lao động bị ảnh hưởng quyền lợi mà không biết kêu ai” – ông Hồng cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem