Người dân di dời khỏi di tích Kinh thành Huế mong được áp giá đền bù thỏa đáng

03/02/2023 12:00 GMT+7
Tiếp xúc với lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nhiều người dân thuộc diện di dời khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế đề nghị cơ quan chức năng rà soát kỹ và áp giá đền bù thỏa đáng.

Ngày 3/2, theo tin từ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, lãnh đạo Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phải cầu thị, lắng nghe ý kiến người dân thuộc diện di dời khi thực hiện giai đoạn 2 dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế.

Thực hiện giai đoạn 2 dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế, chính quyền TP.Huế sẽ tiếp tục di dời hơn 1.700 hộ dân.

Người dân di dời khỏi di tích Kinh thành Huế mong được áp giá đền bù thỏa đáng - Ảnh 1.

Ông Phan Ngọc Thọ gặp gỡ, lắng nghe ý kiến người dân thuộc diện di dời bởi giai đoạn 2 dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế.

Cụ thể, sẽ có khoảng 1.710 hộ dân được di dời khỏi các khu vực: Hồ Học Hải, Khâm Thiên Giám, Hồ Tịnh Tâm, Đàn Xã Tắc, Trấn Bình Đài, Xiển Võ Từ, Thượng thư đường Bộ Công và khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Riêng đối với khu vực Lục Bộ tại phạm vi giới hạn bởi các tuyến đường Mai Thúc Loan, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Chí Diểu, Đoàn Thị Điểm sẽ thực hiện khi có chỉ chủ trương của tỉnh.

Dự kiến 1.710 hộ dân nêu trên sẽ được bố trí đất tái định cư tại Khu quy hoạch Hương Sơ. Đây là khu tái định cư được UBND TP.Huế xác định là khu đô thị tái định cư kiểu mẫu. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ cho người dân tái định cư đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân thuộc diện di dời, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người dân đang sinh sống dọc các tuyến đường Mang Cá, Lê Trung Định, Lương Y, Xuân 68, phường Thuận Lộc, TP.Huế- khu vực tiếp giáp Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại buổi khảo sát, nhiều người dân đề nghị cơ quan chức năng cần rà soát kỹ, áp giá đền bù thỏa đáng và đẩy nhanh tiến độ để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Ông Phan Ngọc Thọ hoan nghênh tinh thần đồng thuận của người dân và khẳng định quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh mọi vướng mắc đều phải tập trung tháo gỡ trên tinh thần đồng thuận, nhất trí vì người dân.

Ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là đơn vị thực hiện công tác thẩm định, đền bù, giải tỏa phải dựa trên tinh thần cầu thị, lắng nghe dân để tháo gỡ từng trường hợp một.

Người dân di dời khỏi di tích Kinh thành Huế mong được áp giá đền bù thỏa đáng - Ảnh 2.

Người dân "sống treo" trên di tích Kinh thành Huế di dời trong giai đoạn 1 dự án với niềm vui tại nơi ở mới khang trang.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế, khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, các hộ gia đình sống trên khu vực đất di tích di dời bởi dự án sẽ không được tách hộ nên không đủ điều kiện để giải quyết hỗ trợ chính sách hộ phụ, trong khi trước đó các khu vực di tích khác đã được tách hộ phụ theo Luật Cư trú 2006. Điều này dẫn đến khó khăn cho các hộ dân ở khu vực di tích di dời giai đoạn sau.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản gửi đến Bộ TNMT kiến nghị áp dụng đồng bộ, thống nhất chính sách trong quá trình triển khai toàn bộ dự án theo quy định của Luật Cư trú 2006. Hiện Bộ TNMT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang xây dựng tờ trình gửi Chính phủ về vấn đề này.

Dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là "cuộc di dân lịch sử" của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án được thực hiện nhằm di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư là 1.362 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng quát của dự án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.


Phong Cầm
Cùng chuyên mục