Ngôi chùa cổ có "đường lên trời, lối xuống địa ngục" ở ngoại thành Hà Nội

Nhật Minh Thứ tư, ngày 23/03/2022 06:47 AM (GMT+7)
Người dân địa phương vẫn quen gọi chùa Hang với cái tên kỳ lạ "ngôi chùa có cổng lên trời, lối xuống địa ngục". Sở dĩ họ gọi ngôi chùa với tên đó vì để vào được bên trong chùa, du khách phải chui qua cửa hang sau đó đi sâu xuống lòng đất.
Bình luận 0

Ngôi chùa cổ có "đường lên trời, lối xuống âm phủ" ở ngoại thành Hà Nội

Chùa Hang, một ngôi chùa nhỏ nằm trong quần thể di tích chùa Trầm dưới chân núi Tử Trầm Sơn thuộc xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội), cách trung tâm thành phố khoảng hơn 20 km. Quần thể di tích chùa Trầm được coi là một trong bốn ngôi chùa thiêng thuộc hàng "tứ đại danh thắng của xứ Đoài".

Người dân địa phương vẫn quen gọi chùa Hang với cái tên kỳ lạ "ngôi chùa có cổng lên trời, lối xuống địa ngục". Sở dĩ họ gọi ngôi chùa với tên đó bởi vì để vào được bên trong chùa, du khách phải chui qua cửa hang sau đó đi sâu xuống lòng đất.

Ngôi chùa cổ có "đường lên trời, lối xuống âm phủ" ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 2.

Cổng vào chùa Hang cao khoảng 3 m, rộng 7 m.

Bước xuống hàng chục bậc thang đi vào lòng núi, du khách sẽ tận thấy "âm phủ" đúng như tên gọi mà người dân đã đặt cho ngôi chùa này. Đi sâu vào trong hang, du khách ngửa mặt lên lại nhìn thấy trời cao. Vào những ngày thời tiết đẹp, trời nắng, ánh nắng lọt qua "cổng trời" chiếu thẳng xuống "âm phủ" tạo ra một vẻ đẹp tự nhiên, đầy sức kỳ bí.

Chùa Hang rộng gần 200 m², cửa vào rộng khoảng 7 m, cao 3 m. Bên trong chùa có nhiều nhũ đá hình thù với màu sắc kỳ ảo mà chúng ta thường hay thấy khi tham quan các hang động như Hương Tích (Chùa Hương), Động Thiên Cung (Hạ Long)…

Cổng chùa Hang hướng từ bên trong nhìn ra.

Cổng chùa Hang hướng từ bên trong nhìn ra.

Không gian thờ phụng tại chùa Hang có nhiều pho tượng bằng đá, được đặt ở nhiều vị trí khác nhau. Chùa Hang luôn tối và ẩm ướt nếu như trời mưa, để có thể khám phá và chiêm ngưỡng toàn bộ chùa Hàng, du khách cần mang theo đèn pin.

Do nằm sâu trong hang động khiến không gian tâm linh chùa Hang rất độc đáo. Ngoài trống đá, khánh đá, tượng thờ bằng đá có từ thời Lê, trên vách động hiện còn lưu giữ 15 tác phẩm thơ, văn cổ có giá trị. Trong hang còn là nơi trú ngụ của loài dơi, chúng thường xuyên bay lượn mỗi khi thấy có người vào bên trong hang.

Ngôi chùa cổ có "đường lên trời, lối xuống âm phủ" ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 4.

Bên trong chùa Hang có nhiều tượng bằng đá.

Có mặt tại quần thể di tích chùa Trầm, chị Lê Như Hoa (Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ: "Đây không phải là đầu tiên tôi đến đây nhưng lần gần đây nhất cũng gần 2 năm rồi, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Cho đến bây giờ tôi mới đi lại, khung cảnh ở đây rất yên tĩnh, không ồn ào náo nhiệt như những ngôi chùa lớn. Vào đây tôi có được một cảm giác thư thái, không gian tĩnh mịch, đúng với những ngôi chùa cổ kính ở miền Bắc".

"Trước đây vào những ngày lễ, Tết, người dân địa phương và du khách thập phương đổ về lễ chùa khá đông. Một hai năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhà chùa cũng đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Những ngày gần đây, khi cuộc sống của người Hà Nội trở lại bình thường thì bắt đầu có khách quay lại chùa lễ Phật", một người dân bán đồ lễ trong sân chùa cho biết.

Ngôi chùa cổ có "đường lên trời, lối xuống âm phủ" ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 5.

Nhiều bài thơ cổ được khắc trên đá bên trong chùa Hang.

Bạn Lê Hồng Anh, sinh viên Trường đại học Văn Hóa Hà Nội cùng với một số bạn khác đi xe máy hơn 20 km từ trung tâm thành phố về tìm hiểu lịch sử ngôi chùa để bổ sung kiến thức cho môn học.

Hồng Anh chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên bọn em đến đây, đường đi không khó lắm và cũng không quá xa. Khi bước chân vào quần thể di tích chùa Trầm, trong đó có chùa Hàng em thấy không gian ở đây lặng thinh. Tất cả mọi thứ cứ nhẹ nhàng trôi đi, một không gian rất đẹp, em cảm thấy mình như được thả hồn vào thiên nhiên, được chắp tay lễ Phật ở một ngôi chùa mang đậm nét chùa Việt".

Ngôi chùa cổ có "đường lên trời, lối xuống âm phủ" ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 6.

Những hôm trời nắng ánh nắng rọi xuyên qua "cổng trời" chiếu thẳng vào bên trong.

Ngôi chùa cổ có "đường lên trời, lối xuống âm phủ" ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 7.

Dãy núi Trầm Tử Sơn nhìn từ trên cao.

Quần thể núi Trầm tuy không cao nhưng lại có địa hình rất đẹp, nhiều hang, ngách và những tảng đá hình thù sinh động. Khi đã lên tới đỉnh, mọi người có thể thả hồn vào không gian thiên nhiên tươi mát, lắng nghe tiếng gió vi vu, tận mắt ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh đồng ruộng, xóm làng yên bình.

Chùa Hang còn được biết đến với một sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Ngày 19-12-1946, cuộc Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, thì một ngày sau, ngày 20-12-1946, tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa Trầm đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm 4 lần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem