"Xe đạp đô thị" tại Hà Nội: Người hoài nghi, có người sẵn sàng bỏ xe máy

Nhật Minh Thứ hai, ngày 21/03/2022 11:57 AM (GMT+7)
Nhiều người tỏ ra thích thú với đề án "Xe đạp đô thị" tại Hà Nội, họ cho biết sẵn sàng sử dụng loại phương tiện này để đi lại. Tuy nhiên, cũng không ít người tỏ vẻ ngạc nhiên và không tin vào độ hiệu quả của đề án khi thực hiện trên địa bàn Hà Nội.
Bình luận 0

Ngay sau khi UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận đề án "Xe đạp đô thị" của Sở GTVT Hà Nội theo 2 giai đoạn, nội dung này nhanh chóng nhận được những ý kiến phản hồi khác nhau của người dân Hà Nội.

Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, nhiều người tỏ ra thích thú với đề án, họ cho biết sẵn sàng sử dụng loại phương tiện này ngay khi đề án hoàn thiện và được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, cũng không ít người tỏ vẻ ngạc nhiên và không tin vào độ hiệu quả của đề án khi thực hiện trên địa bàn Hà Nội.

"Xe đạp đô thị" tại Hà Nội: Người hoài nghi, có người sẵn sàng bỏ xe máy - Ảnh 2.

Xe đạp đô thị đã được triển khai ỏ Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Đức Vinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Bản chất đây là một đề án khá hay, mới lạ, nhằm mục đích phát triển giao thông công cộng, giảm tải xe cá nhân trong khu vực trung tâm của thành phố. Nếu đề án thực hiện được nhiều người dân đón nhận và sử dụng sẽ góp phần cải thiện môi trường, tạo ra một nét văn hóa giao thông mới ở Hà Nội".

Ông Lê Đình Bảo (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Ngay sau khi biết được thông tin về đề án xe đạp đô thị sẽ được triển khai ở một số quận trung tâm trên địa bàn Thành phố Hà Nội bản thân tôi cũng thấy thích. Bây giờ tôi đã về hưu, hàng ngày đang chọn môn thể dục là đi bộ. Nếu có xe đạp công cộng chắc chắn tôi sẽ đi thử, nếu ổn sẽ chuyển sang đạp xe, một tuần vài buổi đi bộ vài buổi thì đạp xe".

Vừa đặt chân xuống nhà ga Cát Linh sau khi di chuyển quãng đường gần 5 km bằng tàu điện trên cao chị Đỗ Thị Vân (Đống Đa, Hà Nội) cho biết:

"Thời gian gần đây tôi đi làm liên tục bằng tàu điện. Tuy nhiên, để đến được công ty làm nếu không muốn đi bộ khoảng hơn 1 km thì phải mất tiền gọi xe công nghệ. Nếu như xe đạp đô thị đi vào hoạt động có thể tôi sẽ sử dụng loại phương tiện này cho quãng đường từ nhà ga đến công ty làm việc vì quãng đường khá tiện".

"Xe đạp đô thị" tại Hà Nội: Người hoài nghi, có người sẵn sàng bỏ xe máy - Ảnh 3.

Theo dự kiến xe đạp đô thị sẽ được ưu tiên đặt ở các nhà ga, trung tâm thương mại, công viên...

Bạn Trần Đức Anh (sinh viên) cho rằng: "Mô hình này khá thích hợp với sinh viên như bọn em. Khoảng cách từ nhà trọ đến trường học của em rơi vào khoảng 4 km, nếu đạp xe đạp chỉ mất hơn chục phút và mất khoảng 5 nghìn tiền thuê xe. Quan trọng nhất là họ có đặt điểm đỗ xe ở gần nhà em hay không, chứ nếu để đến được chỗ thuê xe đạp mà phải đi bộ xa thì chắc là em không sử dụng".

Trong khi đó, chị Lê Thị Thu Trang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại có ý kiến ngược lại. Chị Trang cho rằng việc đạp xe đạp chỉ phù hợp với những người đam mê đạp xe, mà đã đam mê rồi thì họ luôn chủ động để sở hữu một chiếc xe đạp ưng ý.

Xe đạp phần lớn chỉ để đi thể dục, đạp xe đi dạo trong khuôn viên khép kín, khu du lịch, sạch sẽ không bụi bẩn ô nhiễm. Trong khi đó thời tiết Hà Nội thất thường, khói bụi, ô nhiễm, chưa kể đến giao thông đông đúc lộn xộn thậm chí còn nguy hiểm nữa.

"Xe đạp đô thị" tại Hà Nội: Người hoài nghi, có người sẵn sàng bỏ xe máy - Ảnh 4.

Xe đạp đô thị được kỳ vọng sẽ kết nối giao thông công cộng ở Hà Nội.

"Cơ sở hạ tầng giao thông ở Hà Nội như thế nào thì ai cũng biết rồi, vẫn còn rất nhiều hạn chế. Bây giờ xe bus, ô tô, xe máy vẫn đi chung, thử hỏi nếu sử dụng xe đạp đô thị sẽ đi đường nào, kiểu gì chẳng phải bon chen, luồn lách, phi lên vỉa hè", anh Đỗ Quân (Hà Đông, Hà Nội) nêu ý kiến.

Bạn Trần Đức Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) thì khẳng định: "Chắc chắn tôi sẽ không sử dụng loại hình xe đạp này vì quả thật nó không phù hợp với tôi. Vào mùa hè trời nắng nóng mà đạp xe đạp ngoài đường đi làm thì chỉ vài phút mồ hôi nhễ nhại, đạp đến chỗ làm chắc phải mang theo bộ quần áo khác rồi thay. Hay mùa đông thì lạnh tê tái, ai cũng muốn nhanh nhanh chui vào nhà, chẳng ai nghĩ đến cái xe đạp đâu".

"Dự án này chỉ phù hợp ở những điểm du lịch, trong công viên, vườn hoa để người dân có thể sử dụng như một phương tiện vừa dạo chơi vừa tập thể dục. Nếu mang ra đường phố chắc ít người dùng, giao thông Hà Nội thì ai cũng hiểu nó lộn xộn như thế nào", bạn Minh Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

"Xe đạp đô thị" tại Hà Nội: Người hoài nghi, có người sẵn sàng bỏ xe máy - Ảnh 5.

Mô hình cho thuê xe đạp điện đã từng được triển khai ở Hà Nội. Trong ảnh là những chiếc xe đạp điện cho thuê được đặt ở Vườn hoa kiểu mẫu Tây Sơn (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm tháng 6/2020).

Lợi thế mà mô hình "Xe đạp đô thị" đem lại rất lớn, đó là loại phương tiện gần gũi thân thuộc với mọi gia đình, hầu như người trưởng thành đều sử dụng được. Ưu điểm nữa, xe đạp có thể thuê, không cần lo lắng về nơi gửi, sửa chữa, bảo dưỡng… phù hợp với những quãng đường ngắn một vài cây số sẽ là lựa chọn hàng đầu của dân công sở, học sinh, sinh viên, khách du lịch.

"Xe đạp đô thị" tại Hà Nội: Người hoài nghi, có người sẵn sàng bỏ xe máy - Ảnh 6.

Mô hình đạp xe kết hợp với lọc nước được đặt tại hồ Hoàng Cầu nay cũng không còn.

Nếu đề án được thực hiện và đi vào hoạt động, ban đầu chắc chắn sẽ có nhiều người thích thú và thử nghiệm. Có thể một số người sẽ lựa chọn mô hình này để đi lại trong thành phố, có người cũng sẽ thử để cho biết rồi quay lại với xe máy, loại xe quốc dân.

Hà Nội đã từng thực hiện nhiều đề án công cộng như; "Xe đạp thể dục kết hợp hệ thống lọc nước được lắp đặt tại hồ Hoàng Cầu", "Lắp đặt thùng rác công nghệ" nhưng tất cả đều dở dang.

UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận đề án "Xe đạp đô thị" của Sở GTVT Hà Nội theo 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 dự kiến thực hiện ngay trong năm 2022, đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện.

Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 30 tỷ đồng, triển khai tại 85 điểm trên địa bàn 6 quận, gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Tây Hồ với khoảng 85 điểm bố trí xe, mỗi điểm từ 10 - 15 chiếc.

Giai đoạn 2 dự kiến thực hiện từ năm 2023 - 2024, mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Dự án sẽ đầu tư thêm 3.000 xe tại 350 điểm để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Các điểm bố trí xe được ưu tiên kết nối với các phương tiện vận tải khách công cộng khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem