Nghi phạm đâm tử vong trung tá công an có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 24/12/2022 15:47 PM (GMT+7)
Nghi ngờ đội trưởng cho thuốc độc vào thuốc lá dẫn tới việc hút thuốc bị ho ra máu, nên nghi phạm đã gây ra vụ việc trên. Với hành vi này, nghi phạm có thể đối mặt khung hình phạt nào?
Bình luận 0

Trung úy công an bị đâm tử vong tại trụ sở

Ngày 23/12, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đang khẩn trương điều tra vụ án nghiêm trọng xảy ra ở phố Tràng Thi.

Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 23/12, tại trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm.

Nghi phạm đâm tử vong trung tá công an tại trụ sở có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: TL

Thông tin ban đầu, thời điểm trên, Phạm Minh Cường (31 tuổi, cấp bậc thượng úy, cũng là cán bộ đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hoàn Kiếm) cầm dao bầu đến trụ sở công an.

Tại đây, khi nhìn thấy trung tá Nguyễn Thiện Chiến, Đội trưởng Phòng chống tội phạm về ma túy, Cường đã dùng dao đâm một nhát vào lưng nạn nhân. Trung tá Chiến được đưa đi cấp cứu, nhưng vết thương nặng nên đã tử vong.

Về phía hung thủ, sau khi gây án, nghi phạm đã đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đầu thú. Bước đầu, tại cơ quan điều tra, Phạm Minh Cường khai nhận từng công tác tại đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Hoàn Kiếm từ năm 2019.

Quá trình công tác, nghi ngờ trung tá Chiến cho thuốc độc vào thuốc lá của nghi phạm dẫn tới việc hút thuốc bị ho ra máu, nên nghi phạm đã gây ra vụ việc trên.

Các tình huống pháp lý có thể xảy ra?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc có phải là do mâu thuẫn giữa hai người hay không? Đồng thời cũng làm rõ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của người sát hại nạn nhân như thế nào.

Tại thời điểm dùng dao đâm nạn nhân, nghi phạm có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình hay không, có bị tác động bởi rượu, bia, chất kích thích hoặc bị bệnh lý làm mất khả năng nhận thức.

Đây là những yếu tố quan trọng để xác định năng lực hành vi, xác định hành vi có thoả mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không.

Ông Cường cho rằng, trường hợp kết quả xác minh cho thấy nguyên nhân sự việc là do mâu thuẫn cá nhân, nghi phạm nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và mong muốn hậu quả nạn nhân tử vong, nghi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội Giết người được quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự.

Nếu bị xử lý về tội giết người, nghi phạm sẽ đối mặt với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là hành vi có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn nên khung hình phạt có thể đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi giết người, nghi phạm mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi, cơ quan điều tra có thể không khởi tố vụ án hình sự.

Còn trường hợp người này cũng bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi hoặc hạn chế khả năng nhận thức do sử dụng rượu, bia, chất kích thích hoặc các chất cấm, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Theo vị chuyên gia, vấn đề nhận thức, nguyên nhân, động cơ sự việc là những yếu tố quan trọng trong vụ án này để xác định vụ việc sẽ xử lý theo hướng nào theo quy định của pháp luật.

Vụ việc này cần phải sớm được làm rõ để giải quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đồng thời làm rõ nguyên nhân để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem