Ngày 20/11 đáng nhớ của những cô giáo dạy trẻ đặc biệt: Chỉ cần cái ôm, nụ cười!

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 19/11/2022 06:26 AM (GMT+7)
"Ở ngoài kia các con khoẻ mạnh gửi những bó hoa, lời chúc thật mĩ miều tới các thầy cô giáo, nhưng ở đây chỉ cần ánh mắt hay các con bị chậm phát triển chịu ôm các cô một cái thôi cũng thấy hạnh phúc lắm rồi", cô Hoài chia sẻ.
Bình luận 0

Ngày 20/11 đặc biệt của những giáo viên dạy trẻ chậm phát triển

Sáng một ngày của tháng 11, lớp học cho những đứa trẻ "khiếm khuyết" về trí tuệ ở Trung tâm Hy Vọng ở số 4, ngách 82/189 ngõ 290 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội lúc nào cũng rộn ràng. Tại đây, cô Nguyễn Thị Hoài (38 tuổi) tất bật ngang dọc chăm sóc cho từng em nhỏ. Có trẻ thì nghịch ngợm trong vô thức, có trẻ thì nằm lăn "ăn vạ" và nũng nịu đòi cô giáo ôm, xoa lưng… 

Ngày 20/11 đáng nhớ của những cô giáo dạy những đứa trẻ đặc biệt: Ở nơi chỉ cần cái ôm, nụ cười! - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Hoài bên lớp học cho những đứa trẻ "khiếm khuyết" về trí tuệ ở Trung tâm Hy Vọng ở số 4, ngách 82/189 ngõ 290 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Chia sẻ với PV Dân Việt, cô Hoài kể đã gắn bó với công việc giáo viên chăm sóc trẻ đặc biệt đến nay 15 năm. Từ nơi cô Hoài từng nghĩ sẽ "làm tạm thời", ấy vậy nhưng vì tình yêu trẻ cô đã quyết định gắn bó với công việc này suốt từng ấy năm qua.

"Trước tôi từng dạy tiểu học phổ thông với mức thu nhập tạm đủ trang trải cuộc sống. Sau này tôi quyết định học liên thông, do đặc thù công việc tại trường bận nên để chú tâm học tập tôi đã quyết định xin nghỉ việc. Quá trình học tập tôi được một người quen giới thiệu tôi xin đến đây làm thêm với mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng.

Ngày 20/11 đáng nhớ của những cô giáo dạy những đứa trẻ đặc biệt: Ở nơi chỉ cần cái ôm, nụ cười! - Ảnh 2.

Những khuôn mặt ngây thơ của trẻ chậm phát triển. Ảnh: Gia Khiêm

Tôi xác định học xong sẽ quay lại trường cũ làm và chỉ xin làm tạm thời ở đây. Thế rồi dạy học gắn bó và yêu các bạn nhỏ nên ở đây cho tới tận bây giờ", cô Hoài cười và kể lại cơ duyên mình gắn liền với những trẻ nhỏ chậm phát triển.

Theo cô Hoài, việc dạy cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển hoàn toàn khác nhau, mỗi một học sinh phải có "giáo án" riêng, không ai giống ai. 

"Mỗi bạn mắc hội chứng tự kỷ có biểu hiện, nhận thức… khác nhau, khó khăn thì nhiều nhưng chúng tôi sẽ lựa chọn phương án dạy dỗ từng em phù hợp nhất, để dạy tốt nhất. Như bạn Minh Quang khi mới vào trung tâm lúc nào tâm lý cũng sợ đám đông. Bạn ăn uống hay làm gì đều chui dưới gầm bàn, gọi kiểu gì cũng không ra. Tôi đã dần dần tìm hiểu, tiếp cận rồi biết được điểm yêu thích của bạn ấy là gì. Cho đến giờ bạn ấy đã trưởng thành và đi làm bảo vệ cho khu công nghiệp, giúp được gia đình tự lo cuộc sống cho bản thân", cô Hoài nhớ lại.

Ngày 20/11 đáng nhớ của những cô giáo dạy những đứa trẻ đặc biệt: Ở nơi chỉ cần cái ôm, nụ cười! - Ảnh 3.

Cô Hoài chia sẻ, ngày 20/11 là ngày cả nước tôn vinh nghề giáo, với những người như cô chỉ mong những học trò đặc biệt của mình ngoan ngoãn, sớm hoà nhập với thế giới bên ngoài. Ảnh: Gia Khiêm

Với nhiều trẻ, cô Hoài có thể thử kẹo xong dần dần tiếp cận để hiểu được trẻ thích gì, cần gì, nhưng có trẻ đôi khi giáo viên "rắn" quát nghe, có lúc lại không nghe. Điều quan trọng phải nắm được rõ tâm lý từng trẻ để có phương pháp dạy phù hợp, hiệu quả.

"Như bạn Gia Hùng thích cảm giác được bóp vật dụng gì có gai, khâu vệ sinh cá nhân giáo viên như chúng tôi phải rất vất vả. Bạn ấy lại rất tình cảm, thích được cô giáo xoa lưng và thường nằm vào lòng cô", cô Hoài kể rồi cho biết, ngày 20/11 là ngày cả nước tôn vinh nghề giáo, với những người như cô chỉ mong những học trò đặc biệt của mình ngoan ngoãn, sớm hoà nhập với thế giới bên ngoài.

Ngày 20/11 đáng nhớ của những cô giáo dạy những đứa trẻ đặc biệt: Ở nơi chỉ cần cái ôm, nụ cười! - Ảnh 4.

Cô Lê Thị Mỹ Hạnh đang dạy dỗ học trò đặc biệt của mình. Ảnh: Gia Khiêm

"Với những giáo viên dạy trẻ đặc biệt như chúng tôi vào ngày này, để các bạn biểu lộ tình cảm như bình thường rất hiếm, các giáo viên cũng hướng dẫn các em làm thiệp tặng cô. Đó là nguồn động viên, an ủi lớn nhất rồi", cô Hoài nói thêm.

Cùng tâm trạng như cô Hoài nhân dịp 20/11 đặc biệt này, cô Lê Thị Mỹ Hạnh (46 tuổi) cho biết, đã gắn bó với trung tâm và trẻ đặc biệt hơn 10 năm qua. Cô Hạnh trước kia từng làm cho một công ty liên doanh với Nhật Bản với mức lương ổn định. Thế nhưng công việc đòi hỏi thường xuyên phải đi công tác xa, con nhỏ cô đã quyết định "rẽ hướng" và rồi dạy trẻ tự kỷ cho tới tận ngày nay.

Ngày 20/11 đáng nhớ của những cô giáo dạy những đứa trẻ đặc biệt: Ở nơi chỉ cần cái ôm, nụ cười! - Ảnh 5.

Cô Hạnh cho biết, đã gắn bó với công việc dạy trẻ khuyết tật này hơn 10 năm và sẽ làm cho tới khi nào không còn sức mới thôi. Ảnh: Gia Khiêm

"Ban đầu tôi ứng tuyển vào làm nhân viên bếp của trung tâm nhưng rồi thấy tôi có năng khiếu, trung tâm đã động viên tôi đi học nghiệp vụ sư phạm, tôi gắn bó với các em nhỏ nơi đây. Khi tôi ngồi trên ghế giảng đường, gắn bó chuyên ngành giáo dục đặc biệt, giảng viên nói: "Nếu các anh chị đi học sư phạm để làm kinh tế, kiếm sống tôi khuyên anh chị không nên đi học mà chuyển sang ngành nghề khác. Ai hiểu được nguyên nhân vì sao?".

Lúc này tôi xung phong nói học sư phạm với mong muốn cống hiến cho xã hội điều gì đó mới nên đi làm sư phạm. Tôi muốn can thiệp giúp đỡ trẻ giảm gánh nặng cho xã hội, đó là điều mong ước nhất của giáo viên chuyên biệt. Nghe xong cô giáo bảo tôi nói ra được thì phải làm được, cố gắng giúp đỡ, để các con được hoà nhập cộng đồng, đó là mong mỏi nhất của giáo viên chuyên biệt như tôi", cô Hạnh kể về cơ duyên đến với nghiệp dạy trẻ.

"Chỉ cần ánh mắt hay các con chịu ôm các cô một cái thôi cũng thấy hạnh phúc lắm rồi"

Ngày 20/11 năm nay với cô Hạnh cũng như các giáo viên dạy trẻ chậm phát triển khác, năm nào cũng vậy. Cô cười bảo: "Ở ngoài kia các con khoẻ mạnh gửi những bó hoa, lời chúc thật mĩ miều tới các thầy cô giáo, nhưng ở đây chỉ cần ánh mắt hay các con chịu ôm các cô một cái và cười một cái thôi cũng thấy hạnh phúc lắm rồi".

Theo cô Hạnh, công việc giáo viên dạy trẻ đặc biệt ở đây nguồn thu nhập chỉ đủ trang trải cho bản thân còn lại đều phải nhờ sự hỗ trợ từ chồng. Đó cũng là nguồn động viên lớn để cô gắn bó công việc cho tới tận bây giờ.

Ngày 20/11 đáng nhớ của những cô giáo dạy những đứa trẻ đặc biệt: Ở nơi chỉ cần cái ôm, nụ cười! - Ảnh 6.

Giáo viên đang hướng dẫn trẻ tự kỷ tự làm quà tặng. Ảnh: NVCC

"Đã làm nghề này đặc biệt phải nhẫn và có tình yêu thương con trẻ. Chồng luôn là nguồn động viên lớn nhất với tôi. Anh ấy bảo tôi rằng: "Em ơi cứ để phúc đức cho con sau này đó là hạnh phúc lớn nhất rồi, anh không cần gì đến tiền bạc của em cả, chỉ cần em giúp đỡ để sau này các bạn làm được gì đó cho xã hội, đó là mong muốn lớn nhất của anh". Ngoài giờ dạy ở trung tâm, 2 ngày cuối tuần tôi còn kèm cho 2 bạn ở nhà miễn phí. Tôi sẽ gắn bó với công việc này cho tới khi không còn sức", cô Hạnh nói thêm.

Chị Chu Thị Chung Thủy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội là người gắn bó khá lâu với nhóm trẻ đặc biệt. Từng theo học ngành giáo dục đặc biệt, sau đó đầu quân làm giáo viên của nhiều trung tâm dạy trẻ chuyên biệt, cả các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các nạn nhân bị bạo hành, trong đó có nhiều trẻ bị ảnh hưởng chậm phát triển… chị lúc nào cũng đau đáu mảng dạy trẻ tự kỷ hay những đứa trẻ chậm phát triển.

Ngày 20/11 đáng nhớ của những cô giáo dạy những đứa trẻ đặc biệt: Ở nơi chỉ cần cái ôm, nụ cười! - Ảnh 7.

Những món quà ý nghĩa do chính tay các bạn nhỏ tự kỷ làm ra. Ảnh: NVCC

Chị Thuỷ chia sẻ, có rất nhiều trung tâm dạy trẻ tự kỷ, nhưng rất ít trung tâm dạy kĩ năng nghề nào đó để các bạn đó làm được sản phẩm, bán ra, lấy lương và hòa nhập cộng đồng. Chị muốn trao cho trẻ tự kỷ cơ hội thực hiện ý tưởng của mình. 

Ở Trung tâm này, trẻ được dạy theo 3 mô hình, một là lớp can thiệp (dạy trẻ các vận động tinh, thô, kỹ năng hướng nghiệp như dùng dao, kéo, bột, hồ…); hai là lớp kỹ năng (dạy văn hóa theo trình độ trí tuệ của từng đứa trẻ, dạy trẻ quét dọn, sắp xếp đồ, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình…); ba là lớp hướng nghiệp, học hội họa, học làm đồ handmade để trẻ có thể bán đồ, nhận lương và dần hòa nhập cộng đồng.

"Tôi luôn muốn nói với các bố mẹ có con mắc chứng tự kỷ rằng, đừng kì vọng ở con quá nhiều, đừng mong con sẽ học giỏi, chờ đợi con có thể làm bác sĩ, kỹ sư, hãy dạy con những kỹ năng đơn giản, rồi kỹ năng tiền hướng nghiệp như cầm kéo, bôi hồ… cho các con được thử làm những gì mình thích, cho con cơ hội tiếp xúc với hội họa, âm nhạc, vì đôi khi điều đó khiến tụi trẻ say mê, háo hức vì những khả năng đặc biệt của chúng. Đó cũng là niềm vui, nguồn an ủi lớn nhất đối với các cô trong ngày 20/11 này rồi", chị Thủy cho biết.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 có từ bao giờ-

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem