Ngành tôm muốn bứt phá phải gỡ 2 nút thắt

Ngọc Thọ Thứ sáu, ngày 27/01/2017 13:00 PM (GMT+7)
Trong số 7 tỷ USD xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam năm 2016, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đóng góp trên 535 triệu USD (12.000 tỷ đồng), tiếp tục giữ vững “ngôi vương” của ngành thủy sản. Phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Lê Văn Quang (ảnh) - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú về những triển vọng của Minh Phú và ngành tôm Việt Nam nói chung.
Bình luận 0

Ông Lê Văn Quang nói: Nút thắt lớn nhất của thủy sản Việt Nam cũng như ngành tôm là kháng sinh. Nút thắt lớn thứ hai là vi sinh. Vi sinh là do nguyên nhân bơm chích tạp chất gây ra. Chỉ khi gỡ được 2 nút thắt rất lớn này may ra ngành tôm Việt Nam mới bứt phá được thực sự, còn không thì rất khó. Thú thực, hai nút thắt này ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Những vấn đề này đều thuộc quyền quản lý và giải quyết của các cơ quan từ Chính phủ, Bộ NNPTNT cũng như các địa phương.

img

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú. Ảnh: Ngọc Thọ

Thưa ông, tình hình sản xuất năm 2016 của Minh Phú có khả quan?

- Năm 2016, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú xuất khẩu được 45.870 tấn tôm thành phẩm các loại, tăng so với năm 2015 là 3,55% và đạt giá trị gần 536 triệu USD, tăng 1,64%.

Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2016 đạt 7 tỷ USD, là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất trong các mặt hàng nông nghiệp. Vậy theo ông, để đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn hơn trong năm 2017 và những năm tới, chúng ta phải gỡ những khó khăn, vướng mắc nào?

- Nút thắt lớn nhất của thủy sản Việt Nam, trong đó có ngành tôm, là kháng sinh. Nút thắt lớn thứ hai là vi sinh. Vi sinh là do nguyên nhân bơm chích tạp chất gây ra. Chỉ khi gỡ được 2 nút thắt rất lớn này may ra ngành tôm Việt Nam mới bứt phá được thực sự, còn không thì rất khó. Thú thực, hai nút thắt này ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Những vấn đề này đều thuộc quyền quản lý và giải quyết của các cơ quan từ Chính phủ, Bộ NNPTNT, các địa phương...

Ông có thể nói rõ hơn về 2 nút thắt với riêng ngành tôm?

- Về thu hoạch, muối ướp, bảo quản và vận chuyển, các khâu này của Việt Nam yếu hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nước rửa tôm, nước đá muối tôm nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và không có ai kiểm tra giám sát. Tôm nguyên liệu của Việt Nam bị nhiễm vi sinh tổng số cao (E-Coli, Samonella, Vibrio...) nên mất nhiều chi phí để xử lý. Nghiêm trọng hơn, khi thu hoạch tôm, nhiều đại lý cho tôm uống nước vòi, ngâm nước và ngâm thuốc từ 1 đến 2 ngày để tăng trọng được 10-15% rồi mới mang đến bán cho các nhà máy. Vì thế, tôm nguyên liệu đến nhà máy chất lượng không cao, sau khi chế biến chỉ bán được vào các thị trường cấp thấp với giá thấp. 

img

Chế biến tôm nguyên liệu tại Minh Phú.

Đối với tôm sú còn có hiện tượng bơm chích tạp chất, bơm chích agar, cắm đinh, cắm tăm tre, tăm dừa vào tôm. Tình trạng này kéo dài hơn 20 năm qua, đến nay vẫn chưa kiểm soát được, làm chất lượng tôm Việt Nam bị giảm và mất uy tín nghiêm trọng trên thị trường thế giới.

Về cung ứng dụng cụ, vật tư, thuốc và chế phẩm vi sinh cũng như thức ăn cho nuôi tôm đã theo kịp và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, hộ nuôi ? 

“Năm 2016, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú xuất khẩu được 45.870 tấn tôm thành phẩm các loại, tăng so với năm 2015 là 3,55% và đạt giá trị gần 536 triệu USD (12 nghìn tỷ đồng), tăng 1,64% so với năm 2015. Đây là kết quả tốt.” – ông Lê Văn Quang.

- Dịch vụ và cung ứng dụng cụ, vật tư, thuốc, chế phẩm vi sinh và thức ăn qua rất nhiều tầng lớp trung gian với mức chiết khấu rất cao làm đội giá cao thêm 50%, hoặc thậm chí có thuốc, có chế phẩm vi sinh đội giá lên gấp 2, gấp 3 lần. Vì thế gây khó khăn, “giết dần” các hộ nuôi tôm, các doanh nghiệp nuôi tôm. Cũng vì qua rất nhiều tầng, nhiều lớp trung gian nên cơ quan nhà nước rất khó quản lý, làm nảy sinh nhiều sản phẩm giả, sản phẩm nhái... mà người nuôi tôm càng sử dụng thì tôm càng nguy hại. 

Chưa kể, hệ thống trung gian nhiều tầng nhiều lớp này tư vấn và bán thuốc kháng sinh cho người nuôi tôm, dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh. Hệ quả là tôm thương phẩm của Việt Nam bị nhiễm kháng sinh với tỷ lệ cao, khó bán được vào các thị trường khó tính như Nhật, EU, Mỹ... Do không có tôm bố mẹ tốt, sạch bệnh và kháng bệnh, nên khi sản xuất con giống, các trại thường dùng kháng sinh. Do đó tôm nuôi chậm lớn, tỷ lệ thành công thấp.

img

Chế biến tôm xuất khẩu tại Minh Phú.

Ông nhìn nhận thế nào về sức tiêu thụ của thị trường nội địa Việt Nam với hơn 90 triệu dân?

- Thị trường nội địa của chúng ta rất tiềm năng nhưng người tiêu dùng vẫn thích rẻ nên mua phải tôm bơm tạp chất hơn là mua được tôm sạch. Tôm của Minh Phú chúng tôi là tôm sạch và giá đương nhiên cao hơn các mặt hàng tôm khác do vậy bán tại thị trường nội địa không nhiều. Trong năm 2017, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm của Minh Phú.

Nhìn lại 2016, ông thấy Minh Phú đã làm được gì đáng tự hào?

- Minh Phú đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho 10.000 công nhân, mua được tôm nguyên liệu cho bà con nông dân để bà con không phải bỏ quê lên thành phố làm thuê. Minh Phú góp phần giữ được mức độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cho ngành tôm Việt Nam trong bối cảnh 2 thách thức, nút thắt như trên.

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem