Ngăn chặn việc bán điều non trong đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Phước phát huy vai trò già làng

Hoàng Hưng Thứ năm, ngày 11/08/2022 16:21 PM (GMT+7)
Tình trạng sang nhượng, cầm cố đất đai, vườn điều (gọi tắt là bán điều non) có xu hướng nở rộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chính quyền tỉnh Bình Phước đã chủ trương phát huy vai trò của già làng, trưởng bản nhằm chấn chỉnh tình trạng này.
Bình luận 0

Báo Dân Việt đã đăng bài: "Vì sao nói mãi vẫn còn chuyện đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non, cầm cố đất, vay lãi cao ở Bình Phước?" (27/7/2022). Nội dung bài báo phản ánh tình trạng nhiều hộ đồng bào DTTS ở tỉnh Bình Phước vì trót bán điều non, cầm cố đất đai, vườn tược, vay tiền lãi suất quá cao…; dẫn tới khánh kiệt, mất đất, mất nhà cửa.

Ngay sau phản ánh của Dân Việt, ngày 11/8, UBND tỉnh Bình Phước cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1858/UBND-KGVX về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý đất đai trong vùng đồng bào DTTS.

Ngăn chặn đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non, Bình Phước phát huy vai trò của già làng - Ảnh 1.

Đầu năm 2022, tỉnh Bình Phước tổ chức lễ tôn vinh các già làng tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Ban Dân vận Bình Phước

Theo UBND tỉnh Bình Phước, thời gian qua tình hình mua bán, sang nhượng đất ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh diễn ra rất phức tạp. Xuất hiện tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào DTTS để lừa đảo mua bán, sang nhượng đất ở, đất sản xuất. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Bình Phước đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng lừa đảo cầm cố đất, bán đất vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu chỉ đạo, có giải pháp phù hợp, khả thi để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đồng bào DTTS, nhất là các đối tượng được giao đất, cho thuê đất do Nhà nước hỗ trợ từ các chương trình, chính sách những năm trước và đất sau quy hoạch 3 loại rừng.

Ngăn chặn đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non, Bình Phước phát huy vai trò của già làng - Ảnh 3.

Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước đi cơ sở vận động bà con DTTS không "bán điều non". Ảnh: Thanh Trúc

Ban Dân tộc có nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền vận động vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, UBND tỉnh nhấn mạnh, phải "phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động người DTTS nâng cao nhận thức, nắm rõ quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch về đất đai, góp phần giảm thiểu tình trạng người DTTS bị lừa đảo".

Ông Lý Trọng Nhân - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước - cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất… những năm gần đây là do tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng DTTS còn chậm so với mặt bằng chung của tỉnh.

Mặt khác, nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS đơn giản và hạn chế; đời sống còn khó khăn, nhưng vẫn liều lĩnh vay nợ, vay tiền nóng chỉ nhằm mục đích mua sắm, làm nhà đẹp, mua xe máy mới, tổ chức cưới hỏi linh đình,... Sau đó, không có tiền để trả nợ, buộc phải cầm cố đất, vườn để trả nợ hoặc bị chủ nợ lấy đất, siết nhà cửa để trừ nợ".

Ông Nhân cho rằng, để ngăn chặn tình trạng trên, giải pháp hữu hiệu nhất là "tuyên truyền về hình thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, môi giới đất, bán đất, bán điều non để đồng bào DTTS nâng cao nhận thức. Trong đó, cần phát huy vai trò hạt nhân của đội ngũ già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS trong công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với cộng đồng người DTTS trên địa bàn - nơi già làng, người có uy tín sinh sống".

Ngăn chặn đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non, Bình Phước phát huy vai trò của già làng - Ảnh 5.

Vợ chồng chị Thị Chơi đã mất đất, mất nhà vì trót bán điều non. Ảnh: Thanh Trúc

Được biết, tỉnh Bình Phước có 198.884 người DTTS, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh sinh sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố.

Đồng bào DTTS chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở địa bàn miền núi, vùng xa, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh.

Hiện, tỉnh Bình Phước có 5 xã, 46 thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025; có 1.803 hộ nghèo DTTS, chiếm 50,53% trên tổng số hộ nghèo của tỉnh. Trong đó người có uy tín trên địa bàn tỉnh có 364 người; già làng có 94 người.

Thời gian qua, người có uy tín, già làng luôn là những người đi đầu, trực tiếp giải quyết những vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; phối hợp cùng với chính quyền địa phương giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn…

Ngăn chặn đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non, Bình Phước phát huy vai trò của già làng - Ảnh 6.

Bà Thị Ché mất đứt 11ha điều do cầm cố, vay tiền lãi suất cao. Giờ phải làm nghề bóc vỏ điều thuê kiếm sống (20.000 đồng/ngày). Ảnh: Thanh Trúc

Những người này đã góp phần tuyên truyền, vận động nhiều hộ đồng bào DTTS không bán điều non, tránh xa hiện tượng cầm cố, sang nhượng quyền sử dụng đất có dấu hiệu lừa đảo, góp phần giữ ổn định xã hội, giúp nhiều hộ còn đất để canh tác, ổn định và phát triển kinh tế gia đình.

Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Phước, hiện có 485 hộ đồng bào DTTS bán điều non với diện tích trên 873ha, số tiền trị giá hơn 56,3 tỷ đồng; 107 hộ cầm cố, sang nhượng đất ở, đất sản xuất với diện tích 118,62ha, số tiền hơn 27,5 tỷ đồng; 76 hộ vay tiền lãi suất cao, số tiền hơn 6,5 tỷ đồng, lãi suất 25% đến 50%/năm.

Tuy nhiên, việc điều tra truy tố, khởi tố và xét xử công khai các đối tượng cho vay nặng lãi trong các vụ việc "bán điều non" vẫn còn hạn chế - mới có 2 vụ việc được công an khởi tố hình sự và đưa ra xét xử.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem