Tự hào về bản sắc dân tộc mình, nhiều phụ nữ Ê Đê mặc trang phục truyền thống hàng ngày

Hoài Thương Thứ bảy, ngày 01/10/2022 21:36 PM (GMT+7)
Những ngày cuối thu, trời Đắk Lắk dịu êm, tôi lang thang khắp các buôn làng tìm sự bình yên trong tâm hồn. Tôi bắt gặp hình ảnh những chàng trai, cô gái xúng xính bên bộ trang phục truyền thống để chụp ảnh cưới; hay các mẹ, các chị miệt mài bên khung cửi, đăm chiêu... dệt nên màu áo tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc.
Bình luận 0

Về với văn hóa người Ê Đê

Sau nhiều ngày rong ruổi khắp buôn làng, đong đầy trong tôi là hình ảnh những bản làng đơn sơ, mộc mạc. Nơi đây còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc. 

Đặc biệt, tôi được ngắm nhìn sắc màu những bộ trang phục truyền thống của người Ê Đê vẫn còn hiện hữu rõ nét trong cuộc sống hiện đại.

Nét đẹp trang phục truyền thống của người Ê Đê - Ảnh 1.

Chị H’Yấu Êban cùng chồng diện trang phục truyền thống trong ngày cưới của mình

Thấp thoáng dưới làn mưa nhẹ là hình ảnh cặp đôi người Ê Đê ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) trong trang phục truyền thống dân tộc, đang chụp ảnh cưới. Thời đại phát triển, cặp đôi trẻ vẫn giữ nguyên những bản sắc văn hóa dân tộc cho ngày trọng đại của đôi lứa.

Chị H'Yấu Êban (huyện Cư Kuin) chia sẻ: "Tôi rất thích mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Mỗi lần mặc trang phục truyền thống, tôi cảm thấy rất tự hào. Cho nên, tôi đã đặt một nghệ nhân giỏi tay nghề, dệt cho tôi một tấm vải thật đẹp để may một chiếc váy cưới diện trong ngày trọng đại."

Dù cuộc sống thay đổi từng ngày, nhưng những bộ trang phục cưới của người Ê Đê vẫn giữ nét nguyên bản qua thời gian, từ kiểu dáng, màu sắc cho đến họa tiết, hoa văn. Bằng bàn tay khéo léo cùng sự tinh tế, tỉ mẩn của mình, người Ê Đê đã dệt nên những tấm vải mang đậm màu sắc của dân tộc mình.

Ngồi bên cửa tiệm nhỏ của mình, chị H'Yang (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) tâm sự: "Trang phục truyền thống của người Ê Đê thường là màu đen hoặc màu chàm. Những người trẻ bây giờ có sự tân tiến hơn trong cách ăn mặc. Tuy nhiên, họ vẫn mang đậm màu sắc của dân tộc mình".

Nét đẹp trang phục truyền thống của người Ê Đê - Ảnh 2.

Cô dâu H Ru Tơ Byă cùng người thân rực rỡ trong ngày cưới với trang phục truyền thống

Trong đời sống văn hóa của người Ê Đê, đàn ông, phụ nữ sẽ có những bộ trang phục riêng. Trang phục truyền thống của phụ nữ là váy tấm, áo chui. 

Áo của phụ nữ Ê Đê có thiết kế khá đặc biệt. Áo được xẻ ngang từ bờ vai trái sang vai phải, được mặc bằng cách chui, rất thuận tiện cho người mặc. Khi mặc lên, áo ôm sát vào thân mình, được buông xuôi dài tới phần thắt lưng. 

Phần tay áo được thiết kế có phần ngắn và tương đối hẹp, phần cổ cao, rộng để có thể dễ dàng chui mặc. Trên nền màu chàm, áo được trang trí bằng các đường viền kết hợp với dải hoa văn nhỏ bằng sợi màu đỏ, trắng, vàng ở cổ áo, bả vai, cánh tay, cửa tay và gấu áo.

Phần váy là tấm vải choàng được quấn quanh eo thành nhiều vòng và được cố định lại với nhau bằng các sợi dây. Khi mặc lên mình, gấu của váy có thể dài chạm đến gót chân, tạo nên sự kín đáo. Hoa văn trên váy của người phụ nữ Ê Đê cũng là những đường viền kết hợp những sợi chỉ đỏ, vàng, xanh và trắng tạo điểm nhấn.

Nét đẹp trang phục truyền thống của người Ê Đê - Ảnh 3.

Mỗi áo truyền thống đặc trưng của đàn ông người Ê Đê

Còn trang phục truyền thống của đàn ông Ê Đê là đóng khố và mặc vải tấm. Áo của đàn ông có thiết kế rộng và dài hơn của phụ nữ. Phần cổ áo được khoét tròn có xu hướng nghiêng về phía trước và được xẻ thành một đường ở trước ngực. 

Phần tay áo dài, vạt áo sau dài hơn vạt trước. Trên nền màu sẫm của thân, ống tay áo, viền cổ, nơi xẻ tà gấu áo được trang trí vài viền đỏ, trắng. Đặc biệt, khu vực giữa áo có mảng kẻ ngang trong bố cục hình chữ nhật. Đây là loại áo khá tiêu biểu của nam giới người Ê Đê. Ngoài ra còn có loại áo cộc tay đến khuỷu hoặc không có tay. Đặc biệt, phần viền tay áo có thêm các họa tiết hoa văn tạo nên điểm nhấn đặc biệt.

Cầm trên tay tấm thổ cẩm đang dần hoàn thiện, bà H'Việt, năm nay đã ngoài 70 tuổi tâm sự: "Bản thân rất thích mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, các dịp lễ, Tết, ngày đặc biệt, trọng đại của gia đình, dòng họ. Không chỉ vậy, bà còn biết thêu những họa tiết lên trang phục. Đó cũng là cách mà bà gìn giữ và truyền lửa nét truyền thống của dân tộc mình".

Nét đẹp trang phục truyền thống của người Ê Đê - Ảnh 4.

Trang phục truyền thống của phụ nữ người Ê Đê

Trang phục truyền thống đã trở thành một trong những nét truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác và gắn liền với sống ở nơi đây. Những bộ trang phục được tự tay những nghệ nhân ngồi dệt vải, thiết kế những mẫu mã đặc sắc đã cho thấy rằng tâm huyết và quan niệm thẩm mỹ của họ trong từng trang phục hết sức tinh tế. Người dân ở đây họ thường mặc trang phục truyền thống vào những dịp đặc biệt, lễ hội của buôn làng, ngày cưới.

Trang phục truyền thống của người Ê Đê - đó là sự tự khẳng định mình qua bộ trang phục mang lại một nét văn hóa mà không phải nơi nào cũng có, đồng thời quảng bá trang phục truyền thống của dân tộc mình đến với cộng đồng bạn bè trên khắp thế giới.

Em H'Ngan chia sẻ: "Em mặc trang phục truyền thống trong mọi ngày, đi học hay ở nhà em đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Em rất yêu trang phục truyền thống của dân tộc em".

Cũng trong niềm tự hào đó, H'Han nói: "Em được sinh ra và lớn lên tại buôn, em tự nhủ bản thân phải tiếp tục gìn giữ và phát triển văn hóa của người Ê Đê. Em sẽ luôn tự hào về trang phục truyền thống của mình, lớn lên em sẽ học cách dệt thổ cẩm để tự tay mình làm ra những bộ trang phục đẹp nhất cho dân tộc mình".

Nét đẹp trang phục truyền thống của người Ê Đê - Ảnh 5.

Cô dâu chú rể chụp ảnh cưới bên chú voi

Quan niệm tâm linh và màu sắc trang phục

Người Ê Đê lấy các hình tượng của thiên nhiên như lá cây dương xỉ, bò cạp ấp con, trứng thằn lằn, con rùa, trứng đại bàng, con rồng đất… làm hoa văn trang trí và cách điệu theo đường diềm hình chữ V hoặc sắp xếp hai chữ V ngược chiều tạo thành hình thoi.

Người Ê Đê quan niệm, trong đời sống, màu đỏ biểu hiện là huyết của các linh vật hiến sinh, màu lửa trong các lễ hội, đồng thời còn tượng trưng cho sự tái sinh, sức mạnh tinh thần và lòng nhiệt huyết, khát khao cháy bỏng, là sức mạnh chung của cộng đồng. 

Vì vậy, tất cả sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên và ngay cả những sản phẩm do bàn tay con người tạo ra đều có linh hồn. Mỗi đường nét, cách phối màu mạnh bạo, hợp lý đều mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện niềm tin vào các thần linh. Điển hình như hoa văn hình mặt trăng là biểu tượng của nam thần; hoa văn con voi là biểu tượng linh vật thiêng.

Trang phục người Ê Đê chỉ có 4 màu cơ bản: đen, đỏ, vàng, xanh. Nhưng chính nhờ hạn chế về màu sắc mà phụ nữ Ê đê đã sử dụng màu một cách nhuần nhuyễn, các cặp màu tương phản mạnh như đỏ-đen; đỏ-trắng; đỏ-vàng; đen-trắng. Sự tương phản về màu sắc và tương phản sắc độ, làm hòa quyện lẫn nhau, không gây cảm giác lòe loẹt, chói mắt.

Ngày nay, do nhiều ảnh hưởng của cuộc sống đương đại, những mẫu trang phục truyền thống của người dân Ê Đê có phần bị mai một. Tuy nhiên, chúng ta vẫn bắt gặp những bộ trang phục trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam. Đây được xem là một trong những nét bản sắc văn hóa độc đáo cần được gìn giữ và phát huy trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Nét đẹp trang phục truyền thống của người Ê Đê - Ảnh 6.

Đại gia đình diện trang phục trong ngày cưới

Hòa nhập nhưng không hòa tan

Đến các bản làng vào buổi chiều tà, tôi lại được nghe tiếng lạch cạch của khung cửi, chị em người Ê Đê sau một ngày lên nương lại miệt mài dệt lên những tấm thổ cẩm mang linh hồn của núi rừng Tây Nguyên. 

Trải lòng bên khung dệt, chị H'Ngên (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) tâm sự: "Mình được mẹ truyền nghề từ năm 16 tuổi, ban đầu mình chỉ học vì sự tò mò, học để biết nhưng rồi mình cảm thấy càng ngày càng yêu thích công việc này. 

Để làm được cái này đòi hỏi phải có sự đam mê, siêng năng và muốn giữ gìn truyền thống văn hóa, trang phục của dân tộc mình. Nếu không có sự đam mê, kiên trì và yêu nghề thì chắc chắn sẽ không làm được".

Nét đẹp trang phục truyền thống của người Ê Đê - Ảnh 7.

Một số phụ nữ người Ê Đê diện trang phục truyền thống trong ngày Bầu cử

Mỗi lần ngồi dệt, bà H'Mí bảo: "Mình như sống lại những hồi ức đẹp thời thanh xuân. Dệt thổ cẩm với mình như một cách để trải lòng, một cách để mình khuyên khéo lớp con cháu không để thất truyền nghề, bỏ quên nguồn cội. Dệt thổ cẩm như một cách để mình gắn quá khứ với tương lai". Có lẽ chính vì điều đó mà bà vẫn mải mê với thổ cẩm. Giữ nghề truyền thống cũng giữ lại hồn cốt dân tộc mình.

Cũng theo bà H'Mí, ngoài lễ cưới, thổ cẩm còn là trang phục trong các dịp lễ trọng của bản làng như: Lễ cưới hỏi và các lễ quan trọng của các dòng họ, gia đình… Mỗi người Ê Đê đều có ít nhất một bộ trang phục bằng thổ cẩm.

Trong cuộc hành trình rong ruổi về những buôn làng, ấn tượng chạm trong tôi là khát khao giữ sắc màu dân tộc của người Ê Đê trên những bộ trang phục truyền thống. Không chỉ sử dụng cho những lễ hội lớn mà họ còn sử dụng hằng ngày trong cuộc sống hiện đại. Dẫu chỉ là một phần nhỏ trong giữ gìn nét đẹp văn hóa nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn trong trang phục truyền thống được bảo tồn, phát huy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem