Nét đặc sắc nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Đồng Xoài

Thứ sáu, ngày 02/09/2022 08:30 AM (GMT+7)
Đầu tháng 5-1965, Trung ương Cục và Quân ủy Miền quyết định mở Chiến dịch tiến công Đồng Xoài, nhằm tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực ngụy, hỗ trợ quần chúng phá “ấp chiến lược”, mở rộng vùng giải phóng, nối liền các căn cứ miền Nam với Nam Tây Nguyên, tạo điều kiện mở đường vận tải chiến lược từ miền Bắc vào Nam Bộ.
Bình luận 0

Với phương châm "đánh có chuẩn bị, chắc thắng, tiêu diệt gọn, bảo đảm bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, giải quyết nhanh, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, tiêu diệt địch ngoài công sự là chính, kết hợp với phục kích, tập kích...", Chiến dịch tiến công Đồng Xoài đã giành thắng lợi, đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Thứ nhất, chọn địa bàn tác chiến và hướng tiến công phù hợp. Địa bàn diễn ra chiến dịch trên nhiều tỉnh ở Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Ta chọn hướng tiến công chủ yếu nằm trên địa bàn hai tỉnh Phước Long, Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước) giáp Campuchia và một phần phía bắc tỉnh Bình Dương, nối liền với Tây Nguyên. Khu vực này phần lớn là rừng núi, đồn điền cao su rậm rạp, kín đáo với một số trục đường tiện cho ta cơ động lực lượng, trú ém quân, phục kích đánh giao thông. 

Địa bàn này ta có các căn cứ hậu cần xây dựng từ trước, thế trận chiến tranh nhân dân phát triển khá mạnh, quần chúng giác ngộ, một số đơn vị địa phương quen thuộc chiến trường, có kinh nghiệm tác chiến. Về địch, lực lượng ở hai tỉnh tuy đông nhưng bố trí dàn trải ở các khu vực. Tỉnh Phước Long có chi khu quân sự Phước Bình, thế đứng chân cô lập, nhiều sơ hở, xa các căn cứ lớn và đường giao thông quan trọng, địch phải dựa vào đường không để chi viện, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu.

Nét đặc sắc nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Đồng Xoài - Ảnh 1.

Bộ tư lệnh chiến dịch Đồng Xoài vượt sông vào vị trí tập kết. Ảnh tư liệu

Thứ hai, vận dụng cách đánh sáng tạo. Để thực hiện mục đích chiến dịch, ta thực hiện “đánh điểm, diệt viện”, lấy đánh điểm chi khu quân sự địch để câu viện, diệt viện binh là chủ yếu. Cụ thể, ta đánh tiêu diệt chi khu quân sự Phước Bình và đột nhập, trụ lại một phần thị xã Phước Long để diệt viện binh trên Đường số 2 (đoạn từ Phước Bình lên Phước Long).

Để tiêu diệt lực lượng viện binh hiệu quả, ta đã xây dựng thế trận bao vây, chia cắt, bố trí, triển khai lực lượng bí mật, cơ động thuận lợi, đánh vào bên sườn, phía sau đội hình địch ra giải tỏa bằng cả đường bộ và đường không, nhằm hạn chế khả năng cơ động và hỏa lực phi pháo của địch. Thực tế, trong đợt 1 (từ ngày 10 đến 31-5-1965) ta dự đoán địch ứng cứu giải tỏa đường bộ, nhưng khi địch đổ bộ đường không, lực lượng của ta ở xa, cơ động ra không kịp, bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch. Rút kinh nghiệm, trong đợt 2 (từ ngày 9 đến 20-6-1965) ta chủ động tạo lập thế trận chiến dịch vững chắc, cơ động linh hoạt, liên tiếp thực hiện thành công hai trận then chốt chiến dịch.

Thứ ba, tổ chức, sử dụng lực lượng phù hợp. Đó là hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, đánh địch rộng khắp trên toàn bộ địa bàn chiến dịch, nhằm phân tán lực lượng địch, tạo ra ưu thế lực lượng trên hướng tiến công chủ yếu, kết hợp giữa tiêu diệt sinh lực và đẩy mạnh chiến tranh du kích phá "ấp chiến lược", mở rộng căn cứ.

Chiến dịch Đồng Xoài ta sử dụng 4 trung đoàn, trong đó 3 trung đoàn (1, 2, 3) tiến công trên hướng, khu vực chủ yếu (Đồng Xoài-Phước Long). Trung đoàn 4 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh địch trên hướng Đường số 20 (Long Khánh). Trong các trận tiến công mở đầu chiến dịch, đợt 1 và đợt 2 tiêu diệt chi khu (Phước Bình và Đồng Xoài), ta sử dụng Trung đoàn 2, sau đó chuyển hóa thế trận, tập trung cả 3 trung đoàn (1, 2, 3) đánh địch ra giải tỏa, tăng viện.

Thứ tư, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật. Để thực hiện thành công cách đánh chiến dịch, ta đã vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, tiến công địch trong công sự vững chắc, vận động tiến công tiêu diệt địch ứng cứu giải tỏa. Tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, có hỏa lực mạnh, Bộ chỉ huy chiến dịch đã dự kiến đúng các hành động của địch, chuẩn bị sẵn các phương án, lực lượng và thế trận, chỉ đạo vận dụng linh hoạt cách đánh “một điểm nhiều mặt”, “một đội nhiều tổ”, bố trí lực lượng thích hợp, có trọng điểm, có hướng chủ yếu, hướng thứ yếu, hướng vu hồi bao vây, chia cắt. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng dự bị mạnh, sẵn sàng sử dụng vào hướng chủ yếu. Vì vậy, quá trình tiến công đã phân tán được một phần hỏa lực và sự đối phó của địch ở nhiều hướng, nhiều mũi, tạo được thời cơ thuận lợi cho các đơn vị liên tục tiến công, tiêu diệt từng mục tiêu, đánh chiếm từng trận địa công sự của địch, góp phần quan trọng giành thắng lợi chung của toàn chiến dịch.

Những nét đặc sắc nghệ thuật trong Chiến dịch tiến công Đồng Xoài là cơ sở để ta tiếp tục phát triển, vận dụng sáng tạo vào các chiến dịch giai đoạn tiếp sau, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn.

Đào Trang (Báo Quân Đội Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem