Mực Duồng ở Bình Thuận là tên một loài cá mực đặc sản hay đơn giản chỉ là một vùng biển?

Thứ năm, ngày 14/04/2022 06:21 AM (GMT+7)
Duồng không phải là tên một loại cá mực mới, ngon hảo hạng so với các loài đã có mà các nhà khoa học biển hay những “lão ngư tri hải” vừa phát hiện. Duồng chỉ là tên của một vùng biển ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Bình luận 0

Nhưng vùng biển đó có nghề câu mực truyền thống nổi tiếng đến mức huyền thoại - Một làng nghề bậc thầy của các làng nghề…

Lược sử một làng nghề

Duồng là tên cũ của xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ông Phạm Thành ở thôn Hà Thủy 3, nay đã 63 tuổi, từng là một tay câu mực có hạng cho biết, không nghe cha ông kể lại, ai là tổ của nghề này nhưng nói đến Duồng thì dân trong nghề cả nước phải kiêng nể, thậm chí kính trọng và tôn sùng. 

Người làm nghề câu mực ở đây vốn là dân gốc gác Quảng Ngãi, Quảng Nam và một ít đến từ Nghệ An. Duồng không có cửa biển để neo đậu tàu thuyền. Duồng chỉ có bãi ngang nên chỉ thích hợp với những ghe thuyền loại rất nhỏ neo đậu. 

Kể từ khi được gắn động cơ, ghe thuyền có công suất cao nhất cũng chỉ 10 CV dùng đưa thúng đi câu mực. “Có lẽ vì vậy mà dân Duồng chuyên tâm câu mực đến mức thượng thừa, không nơi nào sánh bằng. 

Những năm 80 của thế kỷ trước, vào mùa nam, đêm đêm, đèn câu cá mực sáng rực một vùng, như thành phố trên biển. Mỗi một thợ câu mực, sau 1 đêm có thể câu được từ 40 – 70 kg mực . Sau khi chia cho chủ ghe, số còn lại đem bán có thể nuôi sống cả nhà sung túc trong một tháng”, ông Thành nhớ lại.

Những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Bình Thuận và Ninh Thuận còn chung tỉnh Thuận Hải, có những năm, ngành thủy sản tỉnh này tổ chức cả hội thi câu mực ngay ngoài biển. 

Chức quán quân luôn thuộc về những tay câu xứ Duồng. Ông Đào Xuân Nay (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH của Bình Thuận) thuở thiếu thời vừa đi học vừa đi biển cũng từng là một thợ câu mực sành sỏi lý giải, cuộc thi có 3 tiêu chí cho điểm: Một là sản lượng trong cùng một đơn vị thời gian; hai là cách “nhử mồi” câu mực; ba là thắt “con mồi” sao cho nhanh và đẹp. 

Mực Duồng ở Bình Thuận là tên một loài cá mực đặc sản hay đơn giản chỉ là một vùng biển? - Ảnh 2.

Làng nghề câu mực Duồng một ngày bội thu (ảnh tư liệu). Ảnh: Tam Mỹ.

“Mồi chỉ là một thẻ tre sơn màu và gắn thêm tua có chất liệu phản quang. Nhưng các thợ câu một tay cầm vợt, tay còn lại giật nhấp, giật nhấp chùm thẻ dưới ánh sáng chiếc đèn măng – xông (manchon) nhử mực. Cái hay, cái điệu nghệ của những thợ câu Duồng là giật làm sao để “con mồi” bật trên mặt nước có tiếng kêu “tóc, tóc” giống như con tôm búng tách để con mực tưởng món ngon của mình mà lao tới đớp. Khi con cá mực vừa sát con mồi thì người thợ phải nhanh tay dùng vợt lưới đón ngay, chậm một tích tắc thôi, con mực nó lặn liền. Nó lao đến con mồi rất nhanh nhưng nó lặn khi thấy nguy hiểm còn nhanh hơn khi nó lao đến”, ông Đào Xuân Nay nhớ lại.

Giai thoại truyền nghề

Tiếng tăm tay nghề câu mực của các ngư phủ xứ Duồng vang danh khắp các vùng biển trong cả nước. Không chỉ tiếng vang từ làng nghề mà họ còn “mang chuông đi đánh ở xứ người”. “Đầu tiên, họ tiến vào vùng biển Hàm Tân, tức khu vực phía nam Bình Thuận. 

Dù khu vực này mực không nhiều bằng phía bắc nhưng cũng không phải ít. Vì nghề câu mực còn xa lạ với ngư dân tại đó. Các hình thức khai thác khác thì mang lại nguồn lợi mực không nhiều và con cá mực thu được cũng không chất lượng như cách câu”, ông Cao Huỳnh Thái - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Chí Công nối tiếp câu chuyện, rồi kể thêm: “Như những người mở đất, họ cứ xuôi dần vào phương nam đến Bà Rịa, Vũng Tàu và xa hơn nữa”. 

Những năm 80 của thế kỷ trước, vùng biển Long Hải (Bà Rịa, Vũng Tàu) không sầm uất như bây giờ. Huỳnh Ngọc Thái, một nhân chứng khác nhớ lại: “Dân ở vùng này như thỉnh những thợ câu mực Duồng vào. Họ nghinh tiếp trọng thị để những người thợ truyền lại nghề câu kể cả những bí quyết. 

Khi tàu cập bến, những thầy dạy câu mực của Duồng chỉ vừa bước chân bước xuống tàu thôi là có xe kéo đợi sẵn đưa về nhà nghỉ ngơi, tẩm bổ, thư giãn. Đến giờ đi biển lại thì cũng có người kéo xe đưa ra tận tàu. Ngư dân Long Hải coi họ như “vua””.

Ông Cao Huỳnh Thái đồng tình với câu chuyện này và kể thêm, khi đến đảo Củ Tron – đảo lớn nhất thuộc quần đảo Nam Du (tỉnh Kiên Giang) cũng vậy, các tay thợ câu xứ Duồng như những ông hoàng. Ngư dân tiếp đón nồng hậu và luôn biết ơn những người này đã truyền lại cho họ nghề câu để họ có thể khai thác hiệu quả, biến hòn đảo nơi họ sinh sống trở thành vùng nguyên liệu cá mực biển cũng không kém phần tiếng tăm. 

“Đó cũng chính là giá trị nghề câu mực Duồng; là niềm tự hào bao thế hệ người dân xã Chí Công”, ông Đào Xuân Nay nhìn nhận.

Vang danh thương hiệu “mực Duồng”

Trở lại câu chuyện giá trị mực Duồng. Tại sao nó ngon hơn mực những vùng khác?

Những ngày còn ngồi ghế trường phổ thông, nhiều thế hệ học sinh huyện Tuy Phong như nằm lòng một bài giảng về địa lý của thầy Ngụy Đôn Đường, một người thầy từ Huế tăng cường vào. Thầy giảng giải, vùng biển từ Hòn Lau (Mũi Né) đến Hòn Cau (Tuy Phong) là khu vực trù phú cá, mực, ghẹ, tôm, sò, ốc nhất nước. 

Bởi khu vực đó là nơi giao nhau giữa 2 dòng hải lưu trên biển Đông; một từ phía bắc xuống và một từ phía nam lên… Sinh vật biển theo 2 dòng hải lưu đó hội tụ về nên vùng biển này rất phong phú hải sản.

Nhiều tài liệu khoa giáo cũng đề cập đến vấn đề này. Tháng 11/2019, nhóm chuyên gia của Trung tâm Dự báo Ngư trường Hải sản thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản Việt Nam cũng có đăng tải kết quả nghiên cứu về hiện tượng nước trồi. 

Kết quả cho thấy, vùng biển Việt Nam từ Ninh Thuận đến khu vực phía bắc Bình Thuận được xem là vùng có nước trồi hoạt động mạnh, trong đó khu vực Bình Thuận là ổn định nhất. Cũng theo trung tâm này, nước trồi là hoạt động của dòng chảy đưa nhiều dinh dưỡng từ các tầng sâu lên tầng trên tạo điều kiện cho phù du phát triển, kéo theo sự tập trung của nhiều loại hải sản. 

Khu vực bắc Bình Thuận lại có nhiều mũi, rạn nên hệ thủy sinh phong phú là môi trường thuận lợi thu hút hải sản đến trú ngụ. Như vậy, có thể hiểu, nhiều loại hải sản nơi đây chất lượng hơn các vùng biển khác, trong đó, dĩ nhiên có cá mực. 

Cùng với cách câu thượng thừa của làng nghề mực Duồng truyền thống, không khó để nhận ra rằng, giá trị thương hiệu của mực Duồng. Nếu bây giờ có tổ chức hội thi về mực như ngày nào, bỏ lên bàn cân, mực Duồng vô đối.

Tiếng thở dài cùng nỗi niềm kỳ vọng

Thăng trầm vốn dĩ nhân sinh. Khai thác nguồn lợi ven bờ bất hợp lý trong nhiều năm là nguyên nhân dẫn đến sự cạn kiệt và nghề câu mực mai một dần. Trong khi đó theo ngư dân Chí Công, hiện nay, mực có 4 cách khai thác là: Câu truyền thống, mành chụp, bẫy bằng hệ thống vỏ ốc và giã cào. Chất lượng con mực thu được cũng giảm dần theo thứ tự đó.

Cơn “tàn phai” do bão từ trùng dương thì ít mà trỗi lên bởi lòng tham thì nhiều. Cuộc sống dù vậy vẫn không thôi lóe lên những đốm sáng khát vọng nhóm dần trở lại một làng nghề với ánh hào quang rực rỡ ngày nào. 

“Chúng tôi cố gắng giữ mình, bảo quản, buôn bán một cách trung thực nhất. Con mực được câu từ biển vào, tôi rửa sạch bằng nước biển để giữ nguyên và kéo dài độ tươi, ngay sau đó đưa vào thiết bị cấp đông. Dù có vận chuyển đi đâu, người tiêu dùng mua về rã đông, con cá mực vẫn còn trong khe, da không bị rách, đổi màu, đầy đủ 2 râu và 8 cái que, mi nơ vẫn ánh lên như mới từ biển lên vậy”, chị Hồ Lê Thị Ngọc Minh, một chủ cơ sở thu mua tâm sự. 

Chị còn quả quyết: “Tôi còn làm mực khô, mực một nắng xuất bằng đường bưu điện cho khách hàng là Việt kiều ở Singapore. Lớn lên từ Chí Công, tôi hiểu giá trị con mực xứ Duồng. Bị mai một là một điều đáng tiếc nên cố gắng giữ; khả năng giữ được bao nhiêu giữ đến đó. Hy vọng sẽ có nhiều người như mình”.

Ông Đào Xuân Nay cho rằng, với thương hiệu có một không hai, làng nghề câu mực – con mực Duồng cần gìn giữ và cần có cách phát huy. Hiện đại hóa phương tiện hỗ trợ để ngư dân có thể đi xa hơn, phát hiện nhiều nguồn lợi hơn và khai thác hiệu quả hơn, an toàn hơn. 

Và nhất là phải có một nơi neo đậu tàu, thuyền thay thế cho bãi ngang như hiện nay. “Năm 2009, trong lần làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các bộ, ngành, đoàn ĐBQH của Bình Thuận có đề đạt vấn đề này và được Thủ tướng chấp nhận đưa vào Nghị Quyết 290 để có cơ sở đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền cho Chí Công. Nhưng rất tiếc, điều kiện ngân sách Trung ương phải ưu tiên chia sẻ nhiều nên đành gác lại”, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Đào Xuân Nay ngậm ngùi…

Thanh Hà Phương (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem