Vào mùa xuân nông dân nơi này ở Hải Dương "vác đất" du xuân trẩy hội Côn Sơn – Kiếp Bạc

Nguyễn Việt Thứ bảy, ngày 04/02/2023 14:38 PM (GMT+7)
Người dân ở xã Minh Đức huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) có truyền thống chơi pháo đất từ lâu đời. Hằng năm, cứ vào mùa xuân, nhiều nông dân nơi đây lại "biến hình" thành pháo thủ "vác đất" du xuân, trảy hội.
Bình luận 0
Vào mùa xuân nông dân nơi này ở Hải Dương "vác đất" du xuân trẩy hội Côn Sơn – Kiếp Bạc - Ảnh 1.

Mùa "nghịch đất" của những nông dân ở Minh Đức. Ảnh: Nguyễn Việt.

Mùa "nghịch đất" và "vác đất" du xuân

Đầu xuân Quý Mão 2023, chúng tôi về xã Minh Đức để tìm hiểu trò chơi pháo đất nơi đây. Chúng tôi được ông Đào Văn Thống, Cán bộ Văn hóa xã Minh Đức dẫn chúng tôi về thôn Mép để xem nông dân nơi đây "nghịch đất".

Vào mùa xuân nông dân nơi này ở Hải Dương "vác đất" du xuân trẩy hội Côn Sơn – Kiếp Bạc - Ảnh 2.

"Nghịch đất" là một niềm đam mê của nông dân nơi đây. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Thống cho biết: Đội pháo đất của xã đang tập trung ở nhà anh Nguyễn Đình Tự, đội trưởng đội pháo đất của xã để tập luyện để tham gia liên hoan giao lưu pháo đất của huyện và đặc biệt để tham gia Liên hoàn Pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ X tổ chức tại lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc tới đây.

Vào mùa xuân nông dân nơi này ở Hải Dương "vác đất" du xuân trẩy hội Côn Sơn – Kiếp Bạc - Ảnh 3.

Miết, nặn, bóp đầy tỷ mẩn trong việc tạo quả pháo đất. Ảnh: Nguyễn Việt.

Đến sân nhà anh Nguyễn Đình Tự, đội trưởng pháo đất của xã Minh Đức chúng tôi  thấy khoảng 6 - 7 người đàn ông lực lưỡng đang có mặt tại sân nhà, một số ngồi uống nước trà, một số đang ngồi "nghịch" đất ở giữa sân. Tiếng trò chuyện, nói cười của các anh vang cả sân.

Vào mùa xuân nông dân nơi này ở Hải Dương "vác đất" du xuân trẩy hội Côn Sơn – Kiếp Bạc - Ảnh 4.

Sau mỗi lần tập hoặc sử dụng, đất làm pháo sẽ được bảo quản cận thận để dùng cho những lần sau. Ảnh: Nguyễn Việt.

Quan sát, thấy các anh "nghịch" đất rất chăm chú, say mê. Các anh vày vò, nhào nặn một cục đất rồi tỷ mẩn đập, vỗ bồm bộp tán cục đất cho bẹt mỏng thành một mảng thuôn dài. Sau đó, các anh cắt gọt đất bốn góc cho thành hình oval như chiếc khiên, rồi tiếp tục vỗ, nắn, miết pháo.

Sau khi hoàn thành, 4 – 5 người chụm vào nâng pháo lên, anh Tự 2 chân rang rộng bằng vai, khum người dùng lực đỡ pháo rồi nâng pháo lên ngang mặt, anh xoay người tạo đà, dùng lực 2 tay gieo pháo xuống nền sân. Pháo rơi xuống sân phát ra tiếng nổ vang, đồng thời dây đai bọc vành pháo văng ra thuôn dài như con rắn to kềnh nằm trên sân. Các anh trong đội lấy thước đo "con rắn".

Anh Tự giải thích: Pháo đánh xuống đất nổ càng to, vành pháo văng càng xa. Khoảng cách từ thân pháo đến vành pháo cộng với khoảng cách 2 mép vành pháo càng lớn, nhất là vành pháo khi tách khỏi thân duỗi thẳng, dài điểm càng cao, ngược lại vành quăn queo, gấp khúc, hai mép vành liền nhau, điểm sẽ thấp.

Vào mùa xuân nông dân nơi này ở Hải Dương "vác đất" du xuân trẩy hội Côn Sơn – Kiếp Bạc - Ảnh 5.

Vào mùa xuân nông dân nơi đây hay "vác đất" du xuân, trẩy hội. Ảnh: Nguyễn Việt.

Nói về tiêu chuẩn lựa chọn pháo thủ, anh Tự cho biết: Tiêu chuẩn của một pháo thủ trước hết phải có sức khỏe rẻo rai, bền bỉ để nâng quả pháo đất nặng từ 50 – 80 kg, sau đó phải có kỹ thuật từ việc chọn đất, làm đất, nặn pháo đến gieo pháo.

Clip: Tập luyện để đi du xuân, tham gia liên hoàn pháo đất ở huyện, tỉnh. Thực hiện: Nguyễn Việt.

Cũng theo anh Tự không phải đất nào cũng có thể làm pháo. Phải chọn đất và làm đất cẩn thận. Phải là đất ngọt, đất triều màu nâu, có độ dẻo. Khi tìm được vạt đất có thể dùng để làm pháo, phải gợt hết phần đất trên mặt ruộng xuống sâu độ 30 cm hoặc sâu hơn nữa rồi lấy phần đất màu phía dưới. Mang đất về phải xử lý cho đất thấu nhuyễn không còn sạn, dễ cây. Đất đó mới dùng để chơi pháo đất.

Sau mỗi mùa chơi pháo đất, đất đó sẽ được tưới nước để đất ẩm rồi bọc 2 lần bằng túi ni lông, 1 lần bao để chỗ dâm mát để năm sau chơi tiếp. Nếu bảo quản đất tốt sẽ chơi được 5 năm. Còn không bảo quản, đất sẽ hỏng vứt đi. Khi nào đến mùa chơi phải đi đào lấy đất mới.

Vào mùa xuân nông dân nơi này ở Hải Dương "vác đất" du xuân trẩy hội Côn Sơn – Kiếp Bạc - Ảnh 7.

Pháo thủ đội Minh Đức đang nặn pháo trong buổi giao lưu pháo đất đầu xuân do huyện Tứ Kỳ tổ chức. Ảnh: Nguyễn Việt.

Chiều hôm đó, các thành viên đội pháo đất Minh Đức lên huyện giao lưu pháo đất cổ truyền huyện Tứ Kỳ. Những bao đất để làm pháo được các thành viên trong đội chuẩn bị, chằng buộc rất cẩn thận để chở đi. Tham gia giao lưu pháo đất có 3 đội đại diện cho 3 xã trong huyện gồm: Minh Đức, Quang Khải, Đại Hợp. Đội pháo đất Minh Đức được ban tổ chức lựa chọn gieo pháo khai mạc.

Các pháo thủ đội Minh Đức thực hiện thao tác nặn pháo, gieo pháo rất thuần thục. Phát pháo nào cũng nhận được sự cổ vũ của khán giả. Ngoài giải nhì toàn đoàn, đội Mình Đức còn nhận 2 giải cá nhân danh giá là: vua pháo nam, vua pháo nữ và nhiều giải phụ khác.

Vào mùa xuân nông dân nơi này ở Hải Dương "vác đất" du xuân trẩy hội Côn Sơn – Kiếp Bạc - Ảnh 8.

Pháo thủ nặn, miết vành đai pháo rất cần thận. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Thống chia sẻ: Trong 9 lần tham gia liên hoàn pháo đất tỉnh Hải Dương tại lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc những năm trước, đội pháo đất xã Minh Đức có 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn, 6 lần đạt giải nhì.

Hiện đội tuyển pháo đất Minh Đức vẫn đang tích cực tập luyện để ít ngày nữa lên đường tham gia Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ X tại lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Cái "nôi" của trò chơi pháo đất

Trò chuyện với ông Thống cũng như những bậc cao niên, những pháo thủ lâu năm hay những người am hiểu về văn hóa phong tục địa phương, chúng tôi được biết, trò chơi pháo đất ở Minh Đức có từ rất lâu đời và là cái "nôi" của trò chơi này.

Vào mùa xuân nông dân nơi này ở Hải Dương "vác đất" du xuân trẩy hội Côn Sơn – Kiếp Bạc - Ảnh 9.

Nâng pháo để chuẩn bị gieo pháo. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Thống cho biết: Trò chơi pháo đất ở xã Minh Đức có từ rất lâu đời. Tương truyền vào thời kỳ Hai Bà Trưng, có 1 vị quan lớn cưỡi voi dẫn quân qua đây. Sau đó voi bị sa lầy, mọi người dân và quân lính triều đình ném đất xuống thùng cứu voi lên. Đất ném xuống thùng vang thành tiếng nổ, cộng với tiếng hò reo của quân lính và người dân đã kích thích để voi chồm lên khỏi hố lầy. Không những vậy, quân ta còn dùng pháo đất tạo tiếng nổ vang để xua đuổi quân giặc.

Từ đó, việc chơi pháo đất đã diễn ra phổ biến trong mỗi dịp hội làng. Sau này, nhiều nơi trong vùng, hay các địa phương lân cận cùng chơi pháo đất và được duy trì từ đó đến nay.

Vào mùa xuân nông dân nơi này ở Hải Dương "vác đất" du xuân trẩy hội Côn Sơn – Kiếp Bạc - Ảnh 10.

Pháo thủ gieo pháo xuông nền sân. Ảnh: Nguyễn Việt.

Những năm gần đây các cấp chính quyền trong xã, trong huyện, trong tỉnh quan tâm hơn đã cho khôi phục các hoạt động giao lưu, liên hoàn pháo đất như một nét đẹp văn hóa để quảng bá, giới thiệu đến du khách thập phương về nét đẹp văn hóa này.

Clip: Pháo đất Minh Đức "vác đất" du xuân. Thực hiện: Nguyễn Việt.

Đối với người dân Minh Đức việc chơi pháo đất có ở cả 7 thôn trong xã gồm: Phúc Lâm, Trúc Văn, Cự Lộc, Quàn, Sự, Mép, Vạn. Trò chơi pháo đất được các thôn xóm, dòng họ, gia đình tổ chức diễn ra từ mùa xuân đến tháng 5 theo các sự kiện, ngày lễ của đất nước, của địa phương, của quê hương. Nhiều thôn như Cự Lộc, Phúc Lâm trong tổ chức lễ hội làng đều tổ chức thi pháo đất giữa các đội pháo đất của các xóm hoặc có thể mời các đội pháo đất của các thôn trong xã tham gia.

Thậm chí ở Minh Đức có một số dòng họ như: Nguyễn Ngọc, Nguyễn Công khi tổ chức giỗ tổ cũng mang đất ra nhào nặn và gieo pháo trong sự cổ vũ của các thành viên dòng họ.

Có thể nói Minh Đức là cái "nôi" của trò chơi dân gian độc đáo này và luôn được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem