Một nơi ở Nam Định dân trồng quất dáng chuông, cuối năm thiên hạ tấp nập "khiêng" về chưng Tết

Mai Chiến Chủ nhật, ngày 24/12/2023 05:40 AM (GMT+7)
Nhiều năm trở lại, người trồng quất Tết ở xã Nam Phong (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đã cách tân, chuyển hóa quất dáng tháp chóp sang quất dáng chuông. Trồng quất dáng chuông được nhiều khách hàng mua về trưng bày dịp Tết.
Bình luận 0

Quất dáng chuông hút khách dịp Tết

Nếu như ở Tứ Liên (thành phố Hà Nội), Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) mấy năm trở lại đây phát triển dòng quất bonsai, quất chum, quất thế… thì ở Nam Phong, người trồng quất vẫn trung thành với dòng quất dáng truyền thống (dáng tháp chóp). Một số ít chủ vườn đang đổi mới sang quất dáng chuông.

Chạy dọc theo con đường nhựa dẫn ra cánh đồng trồng quất xã Nam Phong dịp cuối năm, đâu đâu cũng "đập" vào mắt chúng tôi biển quảng cáo có in dòng chữ "Quất đẹp - bán buôn, bán lẻ" và kèm theo số điện thoại ở dưới. Đó là cách quảng cáo, bán hàng của người trồng quất Nam Phong.

Một nơi ở Nam Định trồng quất dáng chuông, có nhiều người tìm mua trưng bày dịp Tết - Ảnh 1.

Anh Phạm Xuân Thu dùng dây thép nhỏ níu cành lại với nhau. Ảnh: Mai Chiến.

Để đáp ứng nhu cầu, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngay từ đầu năm gia đình anh Phạm Xuân Thu (xóm Tiền Phong, thôn Vạn Diệp 1, xã Nam Phong) đã tập trung chăm sóc vườn quất hơn 250 cây. 

Sau 1 năm vất vả chăm bón, hiện vườn quất 3 tuổi của gia đình anh đang sai trĩu quả, quả đều, vỏ bóng.

Những tháng cuối năm, anh Thu dành nhiều thời gian ở ngoài vườn quất. Một phần là hoàn thiện nốt công việc tạo dáng cây và chăm sóc cây; một phần là trực ở vườn để mời gọi khách vào xem cây, đặt cây.

"Dịp cuối năm, tôi ở ngoài vườn nhiều hơn ở nhà; công việc chủ yếu là cắt tỉa, dùng dây thép nhỏ níu các cành lại với nhau để tạo ra dáng quất đẹp nhất. Đây là công đoạn đòi hỏi nhiều kỹ thuật, sự tỉ mỉ", anh Thu tâm sự.

Mấy năm trở lại đây, anh Thu vừa tạo quất dáng tháp chóp, vừa tạo quất dáng chuông. Anh cho hay, quất dáng chuông đang được nhiều khách hàng mua về chơi Tết, nên thị trường tiêu thụ tốt hơn.

Một nơi ở Nam Định trồng quất dáng chuông, có nhiều người tìm mua trưng bày dịp Tết - Ảnh 2.

Quất dáng chuông được thị trường đón nhận. Ảnh: Mai Chiến.

Anh Thu bật mí, dáng chuông hiểu nôm na là cây quất có hình dáng giống như quả chuông đồng. 

Tán cây quất Tết dáng chuông rộng và thân tán "béo". Trên đỉnh cây quất không có cành vươn thẳng mà sẽ bị cắt cụt, tạo thành vòng cung trên đầu.

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, anh Nguyễn Hồng Vương (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) tìm đến làng quất Nam Phong để tham quan, lựa chọn cây quất ưng mắt để trưng bày trong nhà dịp Tết Nguyên đán.

Anh Vương bảo, vài năm trở lại đây, người trồng quất Nam Phong đã cách tân dáng quất tháp chóp thành dáng chuông, nhìn rất lạ mắt. Từ khi xuất hiện cây quất dáng chuông, anh đã chuyển sang chơi quất dáng này.

Nhiều cây quất đã có chủ mới

Cách đó không xa, vườn quất hơn 100 cây của gia đình anh Đoàn Văn Công (thôn Vạn Diệp 1, xã Nam Phong) cũng đang được chăm sóc, cắt tỉa, níu kéo cành bằng dây thép nhỏ rất cẩn thận.

Một nơi ở Nam Định trồng quất dáng chuông, có nhiều người tìm mua trưng bày dịp Tết - Ảnh 3.

Nhà vườn tưới nước, giữ độ ẩm cho cây quất. Ảnh: Mai Chiến.

Thu nhập chính của gia đình anh Công chủ yếu dựa vào vườn quất, do đó dịp cuối năm là thời gian bận rộn nhất của gia đình. Hiện, vườn quất của gia đình anh đang phát triển tốt, cây sai quả, quả đẹp mã, to đều; cây có quả xanh, quả chín, có hoa, có lộc...

Cũng như các chủ vườn khác, thời gian này anh Công và các thành viên trong gia đình chủ yếu làm việc ở ngoài vườn quất để trông coi và tưới tắm cho cây quất xanh tốt, ra lộc nhiều.

Theo các chủ vườn quất ở Nam Phong, năm nay mặc dù thời tiết không thuận cho việc chăm sóc, sản xuất, nhưng không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Nhiều cây quất vẫn cho quả to, đều, vỏ bóng, sai trĩu quả và đang vào độ chín vàng.

Ở Nam Phong, quất được trồng với khoảng cách cây cách cây 1 - 1,5m, hàng cách hàng 1,5 - 2m, tùy theo từng gia đình, nhằm tạo độ thoáng để cây phát triển, đón ánh ắng vươn mầm. 

Dưới gốc quất được vun đất cao, tạo thành hệ thống rãnh thoát nước, tránh ngập úng vào mùa mưa.

Đa số, quất Nam Phong có độ tuổi gần 3 năm trở lên mới cung ứng ra thị trường. Hai năm đầu, các chủ vườn tập trung chăm sóc, cắt tỉa, nuôi cây; sang năm thứ 3, cho cây quất "ăn" phân bón nhiều hơn để cây phát triển mạnh và bắt đầu níu cành, tạo thế và giữ quả.

Một nơi ở Nam Định trồng quất dáng chuông, có nhiều người tìm mua trưng bày dịp Tết - Ảnh 4.

Thời điểm này, khách hàng đã tìm về làng quất Nam Phong để xem cây, đặt cọc tiền. Ảnh: Mai Chiến.

Qua khảo sát của chúng tôi, nhìn chung các chủ vườn ở làng quất Nam Phong đều khẳng định, giá quất năm nay cao tương đương như năm ngoái, dao động từ 1,5 - 2,5 triệu/cây, tùy vào dáng, quả… Lý do giá quất cao vì chi phí sản xuất đầu vào tăng cao.

Thời gian gần đây, nhiều thương lái, khách quen đã về làng quất Nam Phong tham quan, xem cây và đặt cọc tiền. 

Riêng, gia đình anh Phạm Xuân Thu đã bán được khoảng 30 cây quất, khách hàng đang nhờ gia đình anh chăm sóc, đến giữa tháng Chạp, họ sẽ đến đưa cây về.

Anh Thu hy vọng năm nay gia đình sẽ bán hết được vườn quất như năm ngoái. "Năm ngoái đến 26 tháp Chạp, gia đình tôi đã bán hết vườn quất, nhờ đó gia đình có thời gian sửa soạn nhà cửa và sắm tết sớm", anh Thu khoe.

Được biết, thị trường tiêu thụ quất Nam Phong chủ yếu là trong tỉnh. Ngoại trừ, nhà vườn nào có mối quen ở các tỉnh lân cận thì họ sẽ thuê xe tải chuyển ra ngoài tỉnh để tiêu thụ. Tuy nhiên, số lượng bán ra phải lớn, họ mới có lãi.

"Để cây quất mang đầy đủ ý nghĩa trong ngày Tết, thì trên cây phải có quả xanh, ương, chín và có lộc, hoa, tượng trưng cho các thế hệ trong một gia đình, thể hiện sự đầm ấm, hứa hẹn một năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức khỏe…", anh Phạm Xuân Thu tiết lộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem