Lý do Luật BHXH khống chế tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Thùy Anh Thứ tư, ngày 05/07/2023 10:21 AM (GMT+7)
Chênh lệch mức đóng BHXH tạo ra sự chênh lệch tiền lương hưu của người lao động. Theo đó, mức hưởng cao nhất và người thấp nhất lên tới cả trăm triệu đồng. Điều này khiến cho bức tranh lương hưu mất cân đối, phát sinh nhiều vấn đề.
Bình luận 0

Quy định mức đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần lương cơ sở

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 3,4 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH với mức hưởng bình quân 4,6-5,6 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó có 471 người hưởng trên 20 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 0,013%). Thống kê cho thấy người đang hưởng lương hưu cao nhất là hơn 124 triệu đồng. Nhóm hưởng cao đều là lãnh đạo công ty tư nhân, liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Còn nhóm hưởng lương thấp nhất là các cô giáo mầm non nghỉ hưu.

đóng bhxh

Quy định mức đóng BHXH cao nhất bằng 20% mức lương cơ sở. Ảnh: NN

Trước năm 2008, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 không khống chế trần đóng BHXH bắt buộc nên nhiều người chọn đóng theo thu nhập, thậm chí bằng ngoại tệ khi quy đổi ra tiền Việt tới 200 triệu đồng. Sau giai đoạn trên, những người này tiếp tục đóng ở mức tối đa nên hưởng lương hưu cao.

Không có trần đóng BHXH bắt buộc khiến mức đóng chênh lệch nhiều lần, tạo khoảng cách lớn về lương hưu giữa lãnh đạo doanh nghiệp với người lao động, khu vực nhà nước với khối tư nhân. Đặc biệt công chức, viên chức nhà nước vẫn đóng trên nền tiền lương cơ sở nhân với hệ số nên tiền lương hưu không cao.

BHXH Việt Nam cho biết Quỹ Bảo hiểm xã hội hiện có hơn 17,2 triệu người tham gia, đạt gần 38% lực lượng lao động trong độ tuổi, với số thu đạt 1,2 triệu tỷ đồng. Cả nước hiện có hơn 1 triệu người nhận lương hưu từ ngân sách Nhà nước với mức bình quân 4,6 triệu đồng mỗi người một tháng; hơn 2,3 triệu người nhận lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội với tiền hưởng bình quân 5,6 triệu đồng. Từ 1/7, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng điều chỉnh tăng 12,5-20,8% tùy từng nhóm đối tượng.

Để rút ngắn khoảng cách trên, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2006, các cơ quan thống nhất ra quy định khống chế trần tiền đóng BHXH hàng tháng bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện tại khoảng 29,8 triệu đồng).

Đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, việc khống chế trần đóng nhằm điều chỉnh chênh lệch lương hưu cao - thấp, phù hợp với thu nhập và mức sống trung bình của toàn xã hội, không phải vì lo ngại ảnh hưởng tới Quỹ Hưu trí. Vì trên thực tế, đóng cao hưởng cao, có đóng có hưởng.  

Quy định mức trần tiền đóng BHXH là hợp lý

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, việc quy định mức trần tiền đóng BHXH là hợp lý.

Lý do theo ông Huân là bởi BHXH là sàn an sinh xã hội cơ bản, vì thế quy định mức trần sẽ tạo ra được sự cân đối, tránh chênh lệch quá mức trong thực hiện chính sách lương hưu.

"Ngoài khống chế trần đóng, cơ quan quản lý khi ấy cũng nhìn ra thực tế mỗi lần điều chỉnh lương hưu với tỷ lệ chung sẽ ngày càng tạo ra khoảng cách lớn. Ví dụ nếu điều chỉnh 10% trên mặt bằng lương hưu bình quân 4 triệu đồng, tiền tăng thêm là 400.000 đồng mỗi tháng mỗi người. Nhưng với người lương hưu cao 100 triệu đồng chẳng hạn, số tiền tăng thêm là 10 triệu đồng", ông Huân nói thêm.

Nhìn nhận thấy thực tế trên, nhiều chuyên gia đầu ngành cũng cho rằng nên tính toán nếu tăng lương hưu thì ưu tiên tăng lương hưu cho nhóm có mức lương thấp. Tuy nhiên, do BHXH được thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng. Đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp nên đề xuất này vẫn chưa được thực hiện.

Hiện nay để giải bài toán, nhiều người muốn đóng cao sau này hưởng lương hưu cao, Bộ LĐTBXH đã thiết kế thêm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung để người có nhu cầu đóng cao hơn được chuyển sang tầng này.

BHXH

Lao động muốn tăng lương hưu khi về già có thể tham gia thêm Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Ảnh: NN

Bảo hiểm hưu trí bổ sung chính thức triển khai từ năm 2018. Cơ chế tạo lập quỹ từ sự tự nguyện đóng góp của lao động và chủ sử dụng dưới hình thức tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định.

Ông Huân cho rằng hưu trí bổ sung là tài khoản cá nhân và mang tính chất tự nguyện, nên về lâu dài Nhà nước cần nới chính sách miễn thuế cho phần đóng này để khuyến khích người thu nhập cao tham gia. Khoản này có thể dùng đầu tư vào công trình lớn và đến thời điểm người đóng nghỉ hưu thì chi trả cho họ.

Bộ Tài chính hiện cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cho bốn doanh nghiệp. Các công ty này đang vận hành 5 quỹ hưu trí bổ sung với 890 người tham gia, tài sản ròng 84,6 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, đây là chính sách tự nguyện nên cần thời gian để doanh nghiệp lẫn lao động nắm bắt thông tin. Chính sách thuế với người tham gia đóng góp chưa thực sự ưu đãi nên triển khai chậm, chưa hấp dẫn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem