Long đong đời công nhân cuối năm (Bài 1):Doanh nghiệp "gồng mình" chống đỡ khó khăn

Nha Mẫn - Mỹ Quỳnh Thứ hai, ngày 12/12/2022 08:58 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng dẫn đến hoạt động cầm chừng, giảm giờ làm hoặc cho công nhân nghỉ không lương. Hàng ngàn lao động đang sống trong tâm trạng bất an.
Bình luận 0

LTS: Những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận không có đơn hàng. Một số doanh nghiệp cố gắng hết sức cầm cự nhưng cuối cùng cũng buộc phải sa thải lao động, hoặc cắt giảm giờ làm khiến hàng vạn công nhân mất việc, sụt giảm thu nhập, chới với khi năm hết, Tết đến.

Khó khăn vì thiếu đơn hàng

Thông thường từ tháng 10 hằng năm, các doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng tết, hoạt động nhộn nhịp, tuyển dụng thêm công nhân chính thức, thời vụ để đảm bảo xuất hàng tết cho khách hàng đúng tiến độ. Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình chiến sự trên thế giới nên ảnh hưởng mạnh đến việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, linh kiện,…

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ, công nhân lo “tết hẻo” (Bài 1) - Ảnh 1.

Doanh nghiệp dệt may đang là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng vì thiếu đơn hàng. Ảnh: Nha Mẫn

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có 100 doanh nghiệp sử dụng khoảng hơn 200.000 lao động bị ảnh hưởng thu nhập, mất việc làm. 

Các doanh nghiệp báo cáo về sở rằng trong quý III và quý IV năm 2022, do tác động tiêu cực của thị trường thế giới khiến nguồn nguyên vật liệu, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải sắp xếp lại lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ, công nhân lo “tết hẻo” (Bài 1) - Ảnh 2.

Công nhân tại KCN Nhơn Trạch vội vã về nhà sau giờ tan ca. Ảnh: Nha Mẫn

Để giữ chân người lao động, lo sợ năm 2023 lao động bị thiếu hụt như sau đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm kiếm đơn hàng, duy trì sản xuất và việc làm, thu nhập cho người lao động. Một số doanh nghiệp chọn phương án cho người lao động nghỉ phép năm, cho lao động nghỉ việc không lương, thỏa thuận hợp đồng lao động để tiếp tục chờ tình hình ổn định trở lại.

Đại diện Công ty CP TKG Taekwang Vina (TP.Biên Hòa) cho biết, công ty cố gắng giảm thiểu tác động đến đời sống công nhân bằng cách cho nghỉ phép năm, giảm một số ngày làm theo tuần, theo tháng. 

"Tết này công ty sẽ tổ chức xe đưa rước, hỗ trợ một phần chi phí cho anh em công nhân ở xa về quê ăn tết”,  ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP TKG Taekwang Vina chia sẻ.

Còn Công ty TNHH Cibao (TP.Long Khánh) cũng gặp khó khăn do đơn hàng liên tục giảm. Trước thực tế này, Công đoàn cơ sở của công ty đã tìm phương án duy trì sản xuất nhằm đảm bảo đời sống cho công nhân. 

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ, công nhân lo “tết hẻo” (Bài 1) - Ảnh 3.

Công nhân mua nhanh mua vội đồ ăn ở chợ cóc ven đường. Ảnh: Nha Mẫn

Để công nhân không bị thiệt thòi, công ty đã sắp xếp cho nghỉ xen kẽ các tháng. Trong đó dự kiến tháng 12 này sẽ cho nghỉ 10 ngày. "Chúng tôi cố gắng hết sức để không cắt giảm lao động. Công ty cũng mong muốn công nhân san sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp vì đây là nỗi khổ chung, không ai muốn”, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nguyễn Tấn Hưng nói.

Tìm mọi cách giữ chân lao động

Đại diện Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa cho hay, khó khăn nhất hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất gỗ, may mặc, giày da... do xuất khẩu không được thuận lợi. Công nhân lao động trong lĩnh vực này đang bị ảnh hưởng nặng, nhiều người giảm thu nhập từ 15 - 20%, thậm chí 50%. 

Trước tình hình này, Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hoà đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở bám sát tình hình thực tế đời sống công nhân để đưa ra giải pháp hỗ trợ. Đặc biệt phải tìm các phương án để giữ chân lao động lại với doanh nghiệp, địa phương, tránh khan hiếm lao động sau tết.

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ, công nhân lo “tết hẻo” (Bài 1) - Ảnh 4.

Doanh nghiệp gỗ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ vì đơn hàng. Ảnh: Nha Mẫn

Trong khi đó, tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai), nơi các doanh nghiệp gỗ đóng chân, nhiều doanh nghiệp phải tạm đóng cửa vì hết đơn hàng, không có tiền để chi trả nhân công. Một số doanh nghiệp khác chọn phương án thu hẹp sản xuất.

Hàng chục ngàn lao động ngành gỗ đang đứng trước nguy cơ mất thu nhập, ảnh hưởng đời sống. Sau 2 năm dịch bệnh “dập tơi tả” họ chưa kịp ổn định cuộc sống, đang mong chờ một cái tết đủ đầy hơn thì tiếp tục gặp cảnh doanh nghiệp hết hàng.

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Đức Thụy - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp cùng cơ quan chức năng địa phương lập các đoàn công tác đến doanh nghiệp gặp khó khăn để chia sẻ với chủ doanh nghiệp và công nhân. 

Trong đó, đối với công nhân mất việc, Liên đoàn  Lao động sẽ hỗ trợ tìm việc mới, giới thiệu công việc để công nhân có việc làm, có thu nhập trang trải cuộc sống.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, hiện nay nhiều công ty lớn, đông lao động đã thỏa thuận cho người lao động nghỉ việc không lương từ 1-2 ngày/tuần và không tăng ca. Do đó, thu nhập của người lao động bị giảm.

Tính từ tháng 5 đến tháng 11/2022, Đồng Nai có 30.000 lao động nghỉ việc, đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Sở đã làm việc với các doanh nghiệp, yêu cầu thực hiện các chính sách theo quy định của pháp luật và trả lương đầy đủ cho người lao động.

Đón đọc bài 2: Xoay xở đủ cách để chờ cơ hội

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem