Liệu Nga có đang 'gài bẫy' ở Kherson?

Lê Phương (Aljazeera) Thứ bảy, ngày 29/10/2022 10:06 AM (GMT+7)
Quân đội Ukraine dự kiến sẽ giành lại Kherson, một trong bốn tỉnh mới đây sáp nhập vào Nga.
Bình luận 0
Liệu Nga có đang 'gài bẫy' ở Kherson? - Ảnh 1.

Các thành viên đơn vị pháo binh Ukraine chuẩn bị khai hỏa về phía Kherson. Ảnh: AFP

Trong nhiều ngày, Điện Kremlin đã ủng hộ việc sơ tán dân thường khỏi Kherson - khu vực quan trọng ở miền nam Ukraine. Tỉnh Kherson đóng vai trò là cửa ngõ dẫn vào bán đảo Crimea.

Bị chia cắt bởi sông Dnepr hùng vĩ, Kherson trở thành khu vực Ukraine đầu tiên nằm dưới sự kiểm soát của Nga hoàn toàn, và Moscow đã triển khai hàng chục nghìn quân tại đây.

Việc Nga kiểm soát một đoạn bờ tây của Dnepr đặc biệt quan trọng vì nó mang lại cho Moscow cơ hội tiến xa hơn về phía bắc và phía tây.

Nhưng trong những tuần gần đây, các lực lượng Ukraine đã giành lại hàng chục ngôi làng và thị trấn ở bờ Tây, đồng thời tấn công các cây cầu, phà và cầu phao qua Dnepr.

Trong 10 ngày qua, chính quyền do Nga bổ nhiệm ở Kherson đã kêu gọi hàng chục nghìn thường dân sống ở bờ Tây rời đến Crimea và lục địa Nga.

Họ tuyên bố rằng khoảng 70.000 dân thường đã sơ tán tự nguyện - và những người dân này sẽ được cấp "giấy chứng nhận" để có nhà ở miễn phí ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Nga.

"Tôi rất vui vì tất cả những ai muốn nhanh chóng, an toàn rời khỏi các khu vực bị quân đội Ukraine pháo kích đều đã làm được điều đó", người đứng đầu khu vực Crimea, ông Sergey Aksyonov cho biết vào cuối ngày 27/10.

Lý do chính thức mà Moscow tuyên bố rút lui được cho là bởi Nga lo ngại Ukraine đang lên kế hoạch ném bom đập Nova Kakhivka để làm ngập lụt khu vực, tuy nhiên Kiev bác bỏ cáo buộc.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, việc sơ tán dân thường không gì khác ngoài một 'cái bẫy' do Điện Kremlin thiết lập nhằm tạo cảm giác chủ quan.

"Đội quân được huấn luyện tốt nhất của họ không hề có mặt. Không có ai còn lại. Chúng tôi đã thấy điều này và không tin lực lượng Nga", ông nói với Corriere della Sera, một tờ báo của Ý, hôm 27/10.

Một quân nhân Ukraine đã trải qua hàng tháng trời ở tiền tuyến phía nam nói rằng những lời đồn thổi của giới truyền thông Nga được tính toán trước và quá khó để trở thành sự thật.

"Chúng tôi không tin, bởi vì truyền thông Nga nói về kế hoạch rút lui một cách quá rầm rộ, dường như họ muốn chúng tôi chủ quan", người quân nhân nói với Al Jazeera với điều kiện giấu tên.

Không có hy vọng cho một cuộc rút lui thần kỳ của người Nga khỏi một khu vực chiến lược như vậy, và Ukraine cần phải tập trung vào việc bổ sung lực lượng tại chiến tuyến Kherson.

Ông khẳng định: "Cần phải đầu tư vào đây nhiều hơn nữa".

Dữ liệu tình báo và ảnh vệ tinh cho thấy, trong những ngày gần đây, người Nga đang xây dựng các công sự và tuyến phòng thủ ở thủ phủ khu vực, cũng có tên Kherson, và Nova Kakhovka, thành phố bên cạnh đập và trạm thủy điện.

Cựu phó tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Ukraine Ihor Romanenko nói với Al Jazeera: "Việc sơ tán dân thường từ hữu ngạn sang tả ngạn Dnepr là kế hoạch tuyên truyền của Nga. Trên thực tế, họ đang tăng cường lực lượng và trang thiết bị tại đây".

Ông nói, lực lượng Ukraine đã sẵn sàng cho một cuộc phản công có thể xảy ra.

Trong những ngày đầu tiên của xung đột, Nga được cho là đã hy vọng nhanh chóng giành chiến thắng. Nhưng sau nhiều tuần giao tranh và thất bại nặng nề, Nga đã rút lực lượng khỏi miền bắc Ukraine và xung quanh Kiev.

Moscow hy vọng sẽ tiến về phía đông và nam để kiểm soát bờ Biển Đen của Ukraine và mở đường đến khu vực ly khai ủng hộ Nga ở Transnistria, ở nước láng giềng Moldova, nơi các "lực lượng gìn giữ hòa bình" của Nga đã đóng quân trong nhiều năm.

Những hy vọng này cũng đã thất bại khi Ukraine giành được phần lớn khu vực phía đông Kharkov, giáng đòn nặng nề vào lực lượng Nga ở Luhansk và Donetsk, đồng thời bắt đầu kiểm soát lại các phần của Kherson.

Trong những ngày gần đây, mưa lớn và đường lầy lội đã trở thành một yếu tố khác làm chậm bước tiến của Ukraine, ông Romanenko nói.

Tuy nhiên, các nhóm nhỏ của quân đội Ukraine đang liên tục tấn công quân Nga để phá hủy các trung tâm chỉ huy, kho chứa và các tuyến đường tiếp tế, đồng thời ngăn cản việc cung cấp nhân lực, ông cho biết thêm.

Thời điểm của một cuộc tiến công quyết định vẫn chưa được xác định.

"Chúng tôi phải xác định điểm yếu của đối phương, chúng tôi phải thu thập dự trữ, tăng cường tiềm lực của mình để từ đó đưa ra quyết định cuối cùng", ông nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem