Liên quan đến vụ mua chế phẩm Redoxy 3C, Công ty Thoát nước Hà Nội làm ăn ra sao?

18/03/2021 16:28 GMT+7
Kết quả kinh doanh của công ty Thoát nước Hà Nội cho thấy, kể từ năm 2016 đến nay doanh thu của công ty tăng liên tục, từ 652 tỷ lên 964 tỷ, mặc dù doanh thu tăng liên tục song lợi nhuận của công ty chỉ duy trì quanh mức 30 tỷ đồng, bằng một nửa so với thời điểm năm 2014...

Như Etime đã thông tin, hôm 17/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Chung (SN 1967, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội) liên quan vụ mua chế phẩm Redoxy 3C để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn TP Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Động thái này được cơ quan thông báo do đang điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 14/CSKT-P12 ngày 27/4/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, ông Nguyễn Đức Chung và ông Nguyễn Trường Giang, đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch water - CHLB Đức qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic do Nguyễn Trường Giang làm Giám đốc để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Liên quan đến vụ mua chế phẩm Redoxy 3C, Công ty Thoát nước Hà Nội làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Trụ sở Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Nguồn: Internet.

Trước đó, ngày 20/8/2020, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015". 

Ông Hùng làm Tổng giám đốc của công ty Thoát nước từ năm 2015, bị khởi tố điều tra vì liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là một trong các doanh nghiệp công ích thuộc quản lý của UBND Tp.Hà Nội. Được thành lập từ năm 1973, tiền thân là Xí nghiệp thoát nước, với nhiệm vụ quản lý và vận hành hệ thống thoát nước thành phố, năm 1991 công ty được đổi tên thành Công ty Thoát nước Hà Nội.

Năm 1993, với chương trình viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, công ty được UBND Tp.Hà Nội giao nhiệm vụ là đối tác cùng chuyên gia JICA lập quy hoạch tổng thể thoát nước Hà Nội. Cùng thời gian này, công ty triển khai một loạt công trình thoát nước như xây 30km cống trên các đường phố, nạo vét, kè bờ, cải tạo các cầu cống trên sông Tô Lịch, Lừ, Set, Kim Ngưu, hồ Giảng Võ, Thành Công, Thuyền Quang…

Từ năm 2003 đến nay, cùng với sự đô thị hóa chóng mặt, Hà Nội hình thành một loạt đô thị mới kèm với sự gia tăng dân số như Khu đô thị Định Công – Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính, Nam Trung Yên, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Việt Hưng, Nam Thăng Long…khiến lượng nước thải sinh hoạt chảy vào hệ thống chung ngày càng cao, làm cho nhu cầu thoát nước tăng lên nhanh chóng. Điều này gây áp lực lên hệ thống thoát nước, sông hồ tại Hà Nội.

Để ứng phó với tình trạng ngập úng do mưa lớn kéo dài gây ra, Hà Nội đã tiến hành duy tu, duy trì 104 hồ điều hòa, xử lý ô nhiễm tại 122 hồ ở nội thành, duy trì và đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải, lắp đặt thêm các trạm quan trắc, tiến hành nạo vét và xử lý rác thải các sông trong nội đô.

Kết quả kinh doanh của công ty Thoát nước Hà Nội cho thấy, kể từ năm 2016 đến nay doanh thu của công ty tăng liên tục, từ 652 tỷ lên 964 tỷ, mặc dù doanh thu tăng liên tục song lợi nhuận của công ty chỉ duy trì quanh mức 30 tỷ đồng, bằng một nửa so với thời điểm năm 2014 (lãi sau thuế 67 tỷ) cho thấy biên lợi nhuận của công ty duy trì ở mức thấp.

6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của công ty Thoát nước Hà Nội sụt giảm mạnh, đạt 259 tỷ đồng, giảm 44,4% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5,59 tỷ đồng, giảm 62% cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản của công ty tại thời điểm 30/6/2020 đạt 1.197 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 335 tỷ đồng không thay đổi trong 3 năm qua, không vay nợ. 

Nửa đầu năm nay công ty đã đòi được một khoản phải thu từ Ban quản lý Duy tu đô thị, các khoản phải thu ngắn hạn đã giảm từ 347 tỷ đồng xuống còn 153 tỷ đồng, điều này khiến tiền mặt của công ty tăng lên hơn 100 tỷ chỉ trong 6 tháng đầu năm.


An Vũ
Cùng chuyên mục