Rất nhiều lao động dân tộc thiểu số "bứt phá" thành công, kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm theo cách này

Thùy Anh Thứ năm, ngày 20/10/2022 07:00 AM (GMT+7)
Bất chấp những khó khăn, thiếu thốn, nhiều người dân tộc thiểu số đã vươn lên học tiếng đi làm việc ở nước ngoài. Trong số ấy có nhiều tấm gương vượt khó làm giàu khi trở về quê hương.
Bình luận 0

Anh Vũ Đình Gió chia sẻ về thời gian đi làm việc tại Hàn Quốc. VD: Nguyệt Tạ 

Đi làm việc ở nước ngoài về để áp dụng kiến thức nông nghiệp hiện đại vào sản xuất

Một buổi chiều tháng 10, PV báo NTNN tới thăm trang trại trồng dâu tây của gia đình anh Vũ Đình Gió (34 tuổi) ở huyện nghèo Bắc Hà (Lào Cai). Dù không phải mùa dâu nhưng vườn dâu của anh Gió vẫn nhộn nhịp người ra kẻ vào học tập kinh nghiệm trồng dâu.

Anh Gió cho biết, anh từng là sinh viên tốt nghiệp cao đẳng du lịch, sau tốt nghiệp đi làm lương thấp, gia đình lại khó khăn nên anh quyết tâm nghỉ việc, đi học tiếng Hàn để đi xuất khẩu lao động. Gió chọn đi Hàn làm nông nghiệp với hy vọng sẽ mang được nhiều kiến thức học hỏi được về khởi nghiệp trên chính mảnh đất của quê hương. Với nghị lực, ý chí mãnh liệt đó, sau khi về nước (cuối năm 2019) anh dồn hết số vốn tích cóp được sau 4 năm đi làm việc ở xứ sở Kim Chi đầu tư vào trồng dâu và rau sạch.

Lào Cai: Lao động huyện nghèo làm chủ kinh tế sau khi đi làm việc ở nước ngoài  - Ảnh 2.

Vũ Đình Gió bên trang trại trồng dâu tây. Ảnh: N.T

"Thời gian đầu cũng gian nan lắm, khí hậu thổ nhưỡng không phù hợp, việc mua giống dâu từ Hàn về gặp nhiều khó khăn, chờ đợi khá lâu. Lúc mua được giống về rồi thì chưa có phân bón, có phân bón thì nguồn nước chưa xử lý được... nên cây trồng chết hết. Phải mất 1-2 lần như vậy, tôi mới đưa ra được quy trình sản xuất chuẩn và cây dâu mới phát triển tốt, cho quả", anh Gió chia sẻ.

Hiện tại mỗi 1kg dâu tây tại vườn của anh Gió được bán ra với giá từ 200-400 nghìn đồng, tùy thời điểm. So với giống dâu ở Việt Nam giống dâu tây của Hàn Quốc quả to, hàm lượng dinh dưỡng nhiều hơn, quả thơm ngon hơn vì thế quả cho giá trị cũng cao hơn. Năm 2020 -2021, dù đối mặt với dịch bệnh, nhưng mô hình trồng dâu của anh mỗi năm cũng mang về cho anh hơn 300 triệu đồng (đã trừ vốn đầu tư).

Anh Gió chia sẻ, anh dự định, sẽ mở rộng mô hình trồng dâu, thành lập nhà nuôi cấy và sản xuất cây giống. Ngoài ra, anh cũng đang xây dựng trang trại theo hướng vừa sản xuất vừa làm du lịch cộng đồng theo mùa vụ. Hiện tại anh Gió đã triển khai đón khách thăm quan được 1-2 mùa,  khách hàng đánh giá rất tốt. 

"Tôi đang mong muốn sẽ được tiếp tục đi làm việc tại Hàn Quốc thêm 1 lần nữa. Nếu được tôi vẫn sẽ đăng ký đi làm việc trong ngành nông nghiệp, qua đó học hỏi thêm một số kiến thức, kỹ năng làm nông nghiệp hiện đại về áp dụng cho sản xuất kinh doanh", anh Gió nói.

Không chỉ anh Gió, nhiều lao động khác sau một thời gian đi làm việc ở nước ngoài cũng tích cóp được số vốn kha khá để làm ăn.

Ma Seo Mào (27 tuổi), dân tộc Mông ở thôn Chợ Chậu (Lũng Vai, Mường Khương, Lào Cai) có chồng đang làm nông nghiệp tại Hàn Quốc cho biết, chồng cô đi làm được 4 năm. Mức lương tuy không cao chỉ khoảng 30-35 triệu đồng nhưng nhờ tiết kiệm nên chồng cũng tích cóp được một khoản.

"Số tiền chồng gửi về tôi đã dành dụm mua đất, trồng keo, trồng chuối. Hiện tại nhà có hơn 3 vạn cây quế. Tới đây có tiền tôi sẽ mở rộng thêm sản xuất", chị Mào nói.

Theo thống kê qua 10 năm (2009-2019) triển khai, toàn tỉnh Lào Cai đã có 665 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong 3 năm (2017 - 2019), toàn tỉnh có 1.051 lao động đi làm việc có hợp đồng tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Lao động làm việc theo hợp đồng tại Trung Quốc có thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; tại thị trường Malaysia, Trung Đông có thu nhập bình quân từ 7 đến 12 triệu đồng/người/tháng; tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... thu nhập từ 20 đến 35 triệu đồng/người/tháng.

Chị Mào cũng cho biết, chị vừa thi đỗ tiếng Hàn, tới đây chị cũng sẽ sang Hàn làm việc. Số rừng ở nhà đang trồng chị sẽ thuê người chăm sóc. Hiện tại vào mùa vụ, chị Mào cũng phải thuê thêm 20-30 lao động làm thêm bón phân, tỉa cành cho cây.

"Đi xuất khẩu lao động, không chỉ có thu nhập cao, còn học được nhiều kiến thức bổ ích. Chồng tôi nói vậy nên anh ấy động viên tôi qua đó làm. Vợ chồng tôi sẽ đi làm việc ở nước ngoài thêm vài năm nữa, kiếm thêm ít vốn rồi mới về nhà lập nghiệp", chị Mào nói.

Nghĩ lại cách đây chục năm chị Mào vẫn không thể nào tin vì từng là hộ cận nghèo mà giờ chị lại có thể khấm khá, có của ăn của để được.

 Anh Gió, hay vợ chồng chị Mào nằm trong số hàng trăm lao động ở các huyện nghèo tỉnh Lào Cai đang được hỗ trợ vay vốn, đào tạo tiếng để đi làm việc ở nước ngoài. 

Tăng cường tư vấn giúp lao động đi làm việc ở nước ngoài

Ông Lê Văn Khiêm - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết, huyện mới có 15 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường chủ yếu là Hàn Quốc; Nhật Bản; Đài Loan.

"Do là huyện nghèo, bà con chủ yếu là người dân tộc, làm nông nghiệp nên hầu hết lao động chỉ mong muốn đi làm việc ở nước ngoài trong ngành nông nghiệp. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm điều kiện kinh tế địa phương vì sau khi trở về, lao động có thể áp dụng kiến thức, kinh nghiệm sẵn có vào phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương", ông Khiêm nói.

đi làm việc ở hàn quốc

Anh Vũ Đình Gió dự định sẽ mở rộng mô hình trồng dâu tây, mở thêm phòng sản xuất mô tạo giống dâu tây. Ảnh: N.T

Để tăng cường việc tuyên truyền, vận động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, vừa qua phòng LĐTBXH huyện Bắc Hà cũng đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và các đơn vị tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, tổ chức đoàn thể. Đây cũng là chương trình nhằm hiện thực hóa nhiệm vụ trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Ông Khiêm cho biết, hiện mới chỉ có một số lao động ở vùng có trình độ dân trí cao đăng ký đi làm việc ngoài nước. Nhiều vùng khác bà con rất thích đi nhưng vẫn còn e dè.

"Chúng tôi sẽ tăng cường công tác vận động, tư vấn cho bà con, phấn đấu hàng năm huyện sẽ có từ 50-60 lao động đi làm việc ở nước ngoài", ông Khiêm nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh Lào Cai là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì thế việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là nội dung được tỉnh rất quan tâm. Vì thế tỉnh đã cụ thể hóa nội dung này qua rất nhiều chương trình, đề án trong đó có đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bởi vậy, ngành lao động của tỉnh cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo các đơn vị thực hiện tuyên truyền để người dân nắm bắt được chủ trương, chính sách từ đó tham gia thị trường lao động đi làm việc ở nước ngoài.

"Chúng tôi khuyến nghị trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời cơ quan có liên quan cũng cảnh báo tránh việc lao động bị lừa đảo khi đi làm việc ở nước ngoài", bà Minh nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh Lào Cai là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì thế việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là nội dung được tỉnh rất quan tâm. Vì thế tỉnh đã cụ thể hóa “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025” vào trong các kế hoạch đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem