Làng mai Bình Lợi sẽ có sản phẩm OCOP, hút khách check-in, phát triển du lịch nông thôn

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 22/11/2022 12:14 PM (GMT+7)
Làng mai Bình Lợi, huyện Bình Chánh có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP gắn với Chương trình phát triển du lịch nông thôn. Dịp Tết, du khách sẽ check-in, tham quan những vườn mai rực rỡ nhất. Các thời điểm khác trong năm sẽ kết hợp nhiều sản phẩm để hút khách.
Bình luận 0

Tiềm năng OCOP tại làng mai Bình Lợi

TP.HCM hiện vẫn chưa có sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Tuy nhiên, với lợi thế về du lịch sinh thái cùng với nhiều mô hình nông nghiệp sinh vật cảnh thì TP.HCM có nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP du lịch cũng như gắn kết các sản phẩm OCOP hiện có để phát triển du lịch.

Làng mai vàng Bình Lợi tại huyện Bình Chánh nổi tiếng khắp TP.HCM và khu vực phía Nam vài năm trở lại đây, bởi nguồn cung dồi dào và cây mai phù hợp điều kiện khí hậu, nguồn nước, thổ nhưỡng nên cho hoa đẹp mắt, chất lượng tốt.

Làng mai Bình Lợi hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP, hút khách check-in, phát triển du lịch nông thôn - Ảnh 1.

Làng mai Bình Lợi, huyện Bình Chánh vàng rực mỗi độ Tết đến, thu hút bạn trẻ, du khách đến chụp ảnh, check-in. Ảnh: Hồng Phúc

Tết đến, cả làng mai không chỉ sống động và nhộn nhịp bởi các hoạt động mua bán mà còn rực rỡ sắc vàng ươm đầy sung túc. Nếu kết nối các nhà vườn uy tín, các hộ dân trong HTX mai vàng thành điểm du lịch, tuyến du lịch sẽ thu hút khách đến vui chơi, chụp ảnh, check-in mỗi dịp Tết. 

Ông Nguyễn Văn Thêm - một trong những hộ dân thành công với cây mai vàng, đồng thời là tổ phó tổ hợp tác cung ứng mai vàng Bình Lợi, cho biết địa phương có định hướng kết nối, đưa làng nghề trồng mai thành điểm du lịch sinh thái, phục vụ du khách.

Theo ông Thêm, so với các địa phương khác chuyên về trồng mai thì làng mai vàng Bình Lợi thuộc TP.HCM, gần sân bay Tân Sơn Nhất, khách từ khắp nơi có thể đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm dễ dàng hơn. 

Dịp Tết, du khách sẽ tham quan những vườn mai đẹp nhất, rực rỡ nhất. Các khu vực tập trung đón khách cũng sẽ có thêm những hạng mục khác để những thời điểm khác trong năm, khách có điểm check-in, chụp ảnh lưu niệm và các dịch vụ khác phục vụ du khách.

Làng mai Bình Lợi hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP, hút khách check-in, phát triển du lịch nông thôn - Ảnh 3.

Ngoài dịp Tết, làng mai Bình Lợi hướng đến thu hút khách tham quan, tìm hiểu mô hình và sẽ xây dựng thêm các hạng mục khác, phù hợp du lịch. Ảnh: Hồng Phúc

“Chúng tôi sẽ giới thiệu giống mai, chia sẻ cách chăm sóc. Cây mai lợi nhuận kinh tế cao, nhà nhà đều có cây mai vào ngày Tết nên sẽ thu hút lượng lớn người có nhu cầu. Việc hình thành điểm đến bài bản sẽ giúp vừa phục vụ du lịch, vừa kết nối đầu ra, xúc tiến thương mại cho cây mai vàng Bình Lợi”, ông Thêm nói.

Kết nối tham quan cá Koi, dừa bonsai

Để đa dạng các sản phẩm du lịch dành cho du khách khi đến làng mai Bình Lợi, địa phương cũng có kế hoạch kết nối các mô hình sinh vật cảnh khác như cá chép Koi, dừa bonsai… để vừa hình thành tuyến du lịch, vừa phát triển du lịch nông thôn theo hướng sinh thái, gắn kết với Chương trình OCOP.

Trại cá chép Koi Tấn Phong trên địa bàn xã Bình Lợi hàng tháng đều đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài TP.HCM đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Đây là một trong những mô hình nuôi cá chép Koi lớn và hiệu quả nhất TP.HCM. Cá Koi được mệnh danh là cá quý tộc, rất thu hút du khách. Vì vậy, việc phát triển thêm du lịch được đơn vị này định hướng trong thời gian tới.

“Chúng tôi sẽ tạo tiểu cảnh nhỏ, cá chép Koi vẫn là điểm nhấn của các mô hình này, hướng đến tạo không gian trong lành cho du khách, để khách cảm thấy mình được gần thiên nhiên. Đây cũng là ưu điểm lớn nhất dựa trên lợi thế có sẵn. Chúng tôi hướng đến vừa phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, vừa quảng bá sản phẩm cá Koi”, anh Nguyễn Phạm Tấn Công - đại diện đơn vị, nói.

Làng mai Bình Lợi hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP, hút khách check-in, phát triển du lịch nông thôn - Ảnh 4.

Vườn dừa bonsai của anh Đậu Thanh Tùng tại xã Bình Lợi. Ảnh: Hồng Phúc

Bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, cho biết hoa mai vàng, cá chép Koi là hai sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc nhóm sinh vật cảnh cho giá trị kinh tế cao hiện nay tại địa phương. Gần đây, nhiều hộ dân còn phát triển thêm dừa bonsai, làm nông nghiệp công nghệ cao.

“Sự đa dạng của các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp này có thể tham gia thích ứng vào đề án du lịch sinh thái của huyện Bình Chánh nói riêng và xã Bình Lợi nói chung. Đây là hướng đi trong tương lai để gắn kết với phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái tại địa phương”, bà Công nói.

Việc hình thành các sản phẩm OCOP du lịch, phát triển du lịch nông thôn sẽ giúp phát huy hết các lợi thế của địa phương, đồng thời, tạo nhiều việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.

Ngoài tìm kiếm các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc địa phương, Chương trình OCOP còn tôn vinh những sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch tại địa phương.

Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Hiện cả nước có 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, trong đó, nhiều vùng đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống để hình thành các điểm du lịch nông thôn đặc sắc.

Đại diện Sở NNPTNT TP.HCM cho biết để phát triển các sản phẩm OCOP là dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch tại địa phương, ngoài tìm kiếm, tuyên truyền, TP.HCM cũng phát động phong trào khởi nghiệp du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm tại nông thôn.

Đồng thời, TP.HCM cũng sẽ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch và gắn kết tour, tuyến du lịch hiện có với các địa điểm sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của địa phương để khai thác các giá trị du lịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem