Lâm Đồng: Trồng loài cây lạ, 3 tháng "đòi thay áo" 1 lần, đào hàng tấn củ, ông nông dân này lời hàng trăm triệu

Thứ hai, ngày 07/12/2020 13:02 PM (GMT+7)
Chỉ với 5 sào đất chuyên trồng cây đương quy bán làm dược liệu, mỗi năm hộ nông dân lời xấp xỉ 250 triệu đồng. Chuyện trồng đương quy của gia đình anh Ha Sinh, thôn 2, xã Ðạ Ròn, huyện Ðơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã trở thành tấm gương cho nhiều hộ nông khác
Bình luận 0

Thăm vườn trồng đương quy của anh Ha Sinh tại thôn 2, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) sau những cơn mưa như trút nước từ ảnh hưởng của những cơn bão liên tục đổ vào miền Trung.

Lâm Đồng: Trồng loài cây lạ, 3 tháng "đòi thay áo" 1 lần, đào hàng tấn củ, ông nông dân này lời hàng trăm triệu - Ảnh 1.

Anh Ha Sinh bên vườn trồng cây đương quy tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Vừa tranh thủ nhặt cỏ, anh Ha Sinh vừa chia sẻ: “Phía trũng này bị ngập do mấy trận bão vừa qua, giờ cây đương quy mới hơi hồi lại. Nói chung cây đương quy dễ trồng, dễ sống, miễn là biết chăm sóc”.

Anh Ha Sinh là một trong những nông dân đi đầu trong việc trồng đương quy theo hình thức liên kết với Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Như Ý trên địa bàn. Và, cây đương quy đang mang lại thu nhập khá ổn định cho gia đình.

Anh Ha Sinh cho biết, như hầu hết bà con vùng Đạ Ròn, trước anh cũng trồng cà phê, trồng rau la-ghim, nhưng thu nhập bấp bênh, vụ được vụ mất. 

Năm 2017, anh tham gia trồng đương quy để cung ứng cho HTX Dược liệu Như Ý. Anh chia sẻ: “Trồng đương quy cho HTX rất khỏe, chỉ cần có đất, chịu học kỹ thuật trồng đương quy, chăm sóc tốt là HTX sẽ thu mua hết củ với giá ổn định. Mỗi năm, nhà tôi thu được 250 triệu đồng từ 5 sào đất trồng đương quy”.

Anh Ha Sinh chia sẻ, mỗi lần anh xuống giống 5 sào đương quy với mật độ gieo 2-3 kg hạt/sào, anh gieo khoảng 10-12 kg hạt. 

Hạt đương quy do HTX Như Ý cung ứng. Anh chỉ cần lên luống cao, gieo hạt đương quy trực tiếp xuống đất và phủ rơm. Tới khi hạt cây đương quy nảy mầm, có thể bỏ rơm, tỉa bớt cây còi cọc, thường xuyên làm cỏ và tưới nước đầy đủ là được. 

Cây đương quy cần lên luống cao, giữ đất tơi xốp, giàu phân hữu cơ. Khi lên luống cao, bộ rễ đương quy mới phát triển đầy đủ, củ to và thẳng. 

Anh Ha Sinh cho biết: “Cây đương quy ưa ẩm nhưng không được úng, phải tưới thường xuyên nhưng không để cây dư nước, ngập nước sẽ làm cây dễ bị thối củ. Đặc biệt chu kỳ phát triển của đương quy cứ 3 tháng cây rụi lá một lần để thay lá mới. Lúc đó cần cho cây đương quy ăn đầy đủ, phân bón hợp lý để cây có sức mọc mạnh”. 

Anh Ha Sinh đã phải lặn lội nhiều nơi để học kỹ thuật trồng đương quy, giúp vườn đương quy của gia đình luôn xanh tốt và phát triển mạnh.

Khác với nhiều nơi thu hoạch đương quy khi cây 10-12 tháng, vườn đương quy nhà anh Ha Sinh phải để sau 18 tháng mới thu hoạch. 

Anh cho biết, củ đương quy sau 18 tháng mới đủ hàm lượng dược chất theo yêu cầu. Khi thu hoạch củ đương quy mang tới HTX Như Ý, HTX có máy móc kiểm tra hàm lượng dược chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…

Củ đương quy phải đạt chuẩn, HTX mới thu mua. Vì vậy, anh Ha Sinh chăm sóc vườn đương quy rất kỹ, không bao giờ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng củ. Do trồng và chăm kỹ lưỡng, đương quy của anh Ha Sinh đạt chất lượng tốt, năng suất khá, luôn được HTX thu mua hết. 

Anh cho biết, năng suất đương quy khoảng 4-4,5 tấn/sào, tổng năng suất xấp xỉ 20 tấn/5 sào/vụ. Giá HTX thu mua ổn định ở mức 40.000-45.000 đồng/kg rễ xô, anh thu được 800 triệu đồng/vụ 18 tháng. Trừ chi phí hạt giống, phân bón, công sá, anh tính toán còn dư được khoảng 250 triệu đồng/năm, một con số không nhỏ với diện tích canh tác 5 sào ngoài trời.

Bà Đinh Thị Thi, Giám đốc HTX Dược liệu Như Ý đánh giá, anh Ha Sinh là nông dân sản xuất rất nghiêm túc, chăm sóc cây đương quy đúng kỹ thuật, đảm bảo củ đương đủ hàm lượng dược chất và an toàn theo chuẩn dược phẩm. 

Anh Ha Sinh đã tham gia cung ứng sản phẩm với HTX từ năm 2017, là nông dân gắn bó lâu dài với HTX. Nhiều nông dân người dân tộc thiểu số địa phương theo gương thành công của anh Ha Sinh, học trồng và cung ứng đương quy cho HTX. 

Còn anh Ha Sinh, anh chia sẻ rất mừng khi tham gia liên kết sản xuất - bao tiêu sản phẩm củ đương quy với HTX Như Ý (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) bởi liên kết giúp người nông dân ổn định, yên tâm sản xuất. 

Quan trọng nhất là kỹ thuật trồng đương quy phải chuẩn, đảm bảo củ đương quy đúng tiêu chuẩn thu mua, giúp cả HTX và người nông dân cùng giữ được chữ tín trên thị trường một cách lâu dài, bền vững.


Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem