Ký ức Hà Nội: Tiếng rao lay động lòng người từ những gánh hàng rong

Lâm Thùy Dương (Hà Nội) Chủ nhật, ngày 25/06/2023 08:05 AM (GMT+7)
Có khi là những tiếng rao từ đầu ngõ đến cuối phố, có khi là tiếng bước chân loẹt xoẹt của các bà các cô tay dắt theo "quầy hàng di động" của mình, hay chăm chú lắng nghe một chút ta có thể bắt nhịp được với những tiếng lạch cạch đang khe khẽ phát ra từ những chiếc xe hàng rong cũ kỹ.
Bình luận 0

Mùa thu Hà Nội thật khiến con người ta nhung nhớ. Vài bản nhạc Trịnh chưa bao giờ tắt lịm ở những góc nhỏ Thủ đô. Văng vẳng đâu đấy trong không gian, lẫn vào với tiếng xe cộ tấp nập, hòa vào những bản nhạc đượm màu cổ kính, những gánh hàng rong cũng góp cho mình thanh âm rất riêng vào màn giao hưởng mùa thu nơi đây. 

Có khi là những tiếng rao từ đầu ngõ đến cuối phố, có khi là tiếng bước chân loẹt xoẹt của các bà các cô tay dắt theo "quầy hàng di động" của mình, hay chăm chú lắng nghe một chút ta có thể bắt nhịp được với những tiếng lạch cạch đang khe khẽ phát ra từ những chiếc xe hàng rong cũ kỹ ấy. 

Những chiếc xe đạp cũ được người bán hàng rong tân trang lại một hồi. Họ cải tiến thêm những gác, chân chống,… cơi nới hết mức có thể để tăng sức chứa cho những chiếc xe vốn đã quá " già" so với mục đích mà họ hướng tới cho chúng. Trông chúng thật thảm hại nhưng vì cái nghèo đeo bám mà họ vẫn tặc lưỡi chấp nhận thế đấy.

Giữa những xô bồ của Thủ đô, những điều nhỏ nhặt cũng có thể khiến tâm trạng của con người trở nên khác lạ. Gió có lúc lay lắt, có lúc cuồn cuộn, khí trời mát mẻ như thế này thật thích hợp cho những chuyến đi phượt dài ngày cùng lũ bạn. 

Vậy mà có những con người từ lâu đã quên đi cái thú vui ấy, ngày nay qua tháng khác vẫn chỉ cặm cụi rong ruổi khắp lòng thủ đô. Không phải họ không muốn đi đây đi đó mà cuộc sống của họ không cho phép, gánh nặng mưu sinh trên vai đã ghì chặt thân xác họ ở những mảnh đường thủ đô này. Chật vật, thiếu thốn của cuộc sống thường ngày đã dần thiêu rụi đi những khao khát cháy bỏng một thời nơi họ. Chuyến đi dài nhất đối với họ bây giờ có lẽ chính là những chuyến đi về quê.

Những người bán hàng rong đa phần là những người tỉnh lẻ, họ tìm đến Thủ đô cũng chỉ với khao khát về một cuộc sống dễ thở hơn. Chiếc áo họ thường khoác trên người mang cái vẻ khắc khổ, nhăn nhúm như những thứ hằn sâu trên gương mặt, nơi đuôi mắt của họ. Chiếc áo cũ được mặc đến sờn cả vai nhưng vẫn chưa được "nghỉ hưu" vì vẫn còn dùng được. 

Ký ức Hà Nội: Tiếng rao lay động lòng người từ những gánh hàng rong - Ảnh 2.

Gánh hàng rong trên phố phường Hà Nội. Ảnh: N.Đ.

Những chiếc nón lá dường như luôn gắn liền với họ, bởi để chống chọi lại với cái nắng như thiêu của mùa hè Hà Nội, hay những hôm trời bỗng nhiên dội xuống cơn mưa thì chẳng có thứ gì che chắn cho họ hiệu nghiệm và tiện dụng hơn một chiếc nón lá. Họ đội ngày này qua tháng khác, lâu dần rồi thành quen, họ đội luôn 4 mùa.

Gánh hàng của họ chỉ là những thức quả theo mùa, những bó rau, củ quả, hay là những gánh hoa rực rỡ sắc màu. Mùa nào thức ấy, chẳng bao giờ mà những "quầy hàng di động" này ngưng nghỉ làm việc. Với họ nghỉ một ngày là bớt đi một bữa ăn, nên nhiều khi cái bệnh cái tật không thể nào mà đánh gục được ý chí của họ. Họ đang ngày ngày chật vật với bao nhiêu là thứ tưởng chừng nhỏ nhặt. Họ kiên cường trong cái thiếu thốn của chính cuộc đời mình. 

Những cô những bác hàng rong ngày ngày dắt xe qua những con ngõ nhỏ mà họ đã thuộc như lòng bàn tay. Đôi khi vì ở nơi đấy có những vị khách mua hàng quen của họ, đôi khi cũng là vì … nhớ. Như cái cách một người họa sĩ nhớ cây bút vẽ, một nhà giáo nhớ cây phấn viết,…. thì họ cũng vậy, họ nhớ những con ngõ mà ngày nào họ cũng đi qua. Gắn bó như một thói quen mà cũng như những người tri kỷ.

Xe hàng rong xinh đẹp, rực rỡ như nốt chấm phá, nổi bật lên trên gam màu tẻ nhạt của đường phố Thủ đô. Rồi không biết tự khi nào, những gánh hàng rong ấy như đã khắc sâu vào trong tâm trí mỗi người dân Thủ đô. Và rồi những vị khách này cũng nhớ, cũng trống vắng khi không nghe thấy tiếng rao của cô hàng rong ghé qua cửa nhà mình.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem