Ký ức Hà Nội: Nhớ hương vị "món bánh hạnh phúc" trên phố Hàng Than

Phạm Thị Yến (Sơn La) Thứ bảy, ngày 06/05/2023 08:44 AM (GMT+7)
Bánh phu thê có thể mua được ở nhiều nơi ở Hà Nội. Nhưng nổi tiếng và tạo được tiếng vang cũng như mang một hương vị riêng, đặc biệt và chuẩn vị thanh tao thì chỉ có bánh phu thê được làm từ những nghệ nhân ở phố Hàng Than là ngon và hấp dẫn nhất
Bình luận 0

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp được thưởng thức, cảm nhận cái hương vị dẻo, ngậy, mềm dai của chiếc bánh vợ chồng nổi tiếng Hàng Than – Hà Nội. Món quà của mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến. Với tôi, trái tim của Thủ đô có rất nhiều đặc sản gợi ký ức, hoài niệm của tuổi thơ. 

Như bánh mì, hay hương cốm vòng được tạo ra từ những hạt ngọc trời dưới đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân lành nghề nhất của Thủ đô hoa lệ. 

Những thức quà ấy chính là một phần tuổi thơ của mấy chị em tôi. Để rồi, khi tới tuổi trưởng thành, có một thức quà mà ngày ấy bố tôi nhất định phải nhờ mua cho kì được ở chính phố Hàng Than mang về đặt một cách trang trọng trong lễ hỏi rồi lễ cưới của cô con gái thứ hai chính là tôi. 

Đó chính là món bánh phu thê – món bánh vợ chồng mà bố tôi gọi nó với cái tên thật ý nghĩa gửi trao tới vợ chồng con gái mình: "Món bánh hạnh phúc".

Ký ức Hà Nội: Nhớ hương vị bánh phu thê phố Hàng Than - Ảnh 1.

Món bánh phu thê khiến nhiều thực khách nhớ mãi. Ảnh: Dân Việt.

Gần 15 năm trước trong lễ cưới của tôi, bố đã dắt tay và đặt bàn tay tôi vào tay ông xã – chồng tôi bây giờ với lời nhắn gửi: "Từ giờ, con hãy thay bố bảo vệ con gái bố. Bố chúc cho hạnh phúc hai con luôn bền lâu như chính những cặp bánh phu thê mà bố đã kì công nhờ cậu của hai đứa mang tận Thủ đô lên. "Nói rồi, mắt bố rưng rưng.

Có lẽ, với ý nghĩa tượng trưng thật lớn lao mà bánh phu thê mới xuất hiện trong các dịp lễ Tết hay cưới hỏi của nền văn hóa Việt. Tôi cũng không biết vì sao ngày ấy bố tôi lại chú ý nhiều tới món bánh nổi tiếng của Hà Nội nhưng chưa phổ biến nhiều trong những lễ cưới nơi mảnh đất Tây Bắc xa xôi. 

Nhưng có thể vì ý nghĩa cho sự thủy chung, tình yêu đôi lứa, nhân đôi hạnh phúc, gợi sự gắn kết bền lâu của mỗi cặp vợ chồng cùng cái hương vị thật đặc biệt khi thưởng thức lên nhất định bố phải nhờ cậu tôi mua và gìn giữ cẩn thận như báu vật để trong lễ cưới của con gái. Những chiếc bánh phu thê vừa được đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên, rồi tối đến bố còn đem ra mời khách như bày tỏ sự tri ân, hiếu khách của mình. 

Bánh phu thê có thể mua được ở nhiều nơi ở Hà Nội. Nhưng nổi tiếng và tạo được tiếng vang cũng như mang một hương vị riêng, đặc biệt và chuẩn vị thanh tao thì chỉ có bánh phu thê được làm từ những nghệ nhân ở phố Hàng Than là ngon và hấp dẫn nhất. 

Nguyên liệu để tạo ra những chiếc bánh phu thê hàng Than quả thực không cầu kì chỉ với: Bột gạo nếp cái hoa vàng hoặc bột năng, đậu xanh, dừa nạo, đường, nước hoa bưởi, giấy gói,... 

Đầu tiên, đậu xanh được hấp cách thủy cho chín đều, mềm và đem giã nhuyễn thêm dừa nạo cùng đường tùy khẩu vị người ăn. Tuy nhiên để bánh bớt ngán ngày nay những chiếc bánh phu thê có nhân đậu ngọt vừa phải để vị ngọt không lấn át vị thơm dẻo của đậu, vị ngậy béo bùi của dừa nạo hòa quyện cùng hương thơm của hương hoa bưởi hoặc hương va ni. Sau đó, đậu được vê tròn, nặn lại thành viên vừa vặn làm nhân. Để làm vỏ bánh, những nghệ nhân lấy gạo trộn với bột năng để làm tăng thêm vị dẻo dai, kết dính cho bánh. Hoặc có thể làm hoàn toàn vỏ bánh từ bột năng. 

Nhào vỏ bánh là khâu khá quan trọng và kĩ lưỡng, đòi hỏi sự tỉ mỉ không vội vã, nhào thật kĩ tới khi nào cảm nhận được độ dẻo trong là công đoạn tạo vỏ bánh gần như đã hoàn thành. Để vỏ bánh bắt mắt lúc này thợ làm bánh sẽ trộn màu thiên nhiên từ các loại quả như: Màu đỏ từ quả gấc, màu xanh từ lá dứa, màu vàng từ nghệ. Sau khi mặc cho vỏ bánh những chiếc áo nhiều màu khác nhau thì những người thợ sẽ cho bột ra tay đặt nhân đậu xanh vào giữa vê kín vỏ bánh rồi ấn thành hình vuông rồi hấp cách thủy bằng lửa liu riu từ củi cho tới khi bột bánh trong dai mịn hoặc trong veo có thể nhìn thấy lớp nhân đậu vàng óng bên trong là bánh đã chín.

Ký ức Hà Nội: Nhớ hương vị bánh phu thê phố Hàng Than - Ảnh 2.

Nhiều du khách khi xuống Thủ đô ấn tượng trước món bánh phu thê. Ảnh Tác giả cung cấp.

Được thưởng thức hương vị dẻo, dai, mềm mại của chiếc bánh vợ chồng hòa quyện cùng hương thơm bùi ngậy của nhân đậu, vị béo của dừa cùng hương ngào ngạt của mùi hoa bưởi tổng hòa tạo nên vị của chiếc bánh phu thê thơm mùi "Hà Nội" và không thể lẫn với bất kì hương vị của chiếc bánh nào khác. Bánh phu thê Hà Nội chính là một mảnh ghép hoàn hảo cho nền văn hóa, bản đồ ẩm thực của Thủ đô thêm phần trọn vẹn.

Bánh phu thê ra đời với găn với nhiều tích khác nhau. Có tích kể rằng vua Lý Anh Tông khi đi đánh trận ở xa, vợ vua ở nhà thương chồng lên làm ra chiếc bánh này và gửi ra biên ải cho nhà vua. Vua ăn thấy bánh có vị đậm đà, son sắt nên đã đặt tên bánh là phu thê. Có lẽ, chiếc bánh được tạo ra bằng những nguyên liệu dễ kiếm, không cầu kì lại gần gũi với nền văn hóa nông nghiệp của cha ông. 

Nên khi đặt chiếc bánh với ý nghĩa tình vợ chồng bền chặt cũng phải xuất phát từ tình yêu, những gì đơn sơ mộc mạc cùng sự chân thành nhất sẽ có được hạnh phúc bền lâu lên ông cha ta mới đặt chiếc bánh với tên gọi đầy ý nghĩa đó,…

Bố tôi giờ đã đến một thế giới khác. Ông mất sau ngày tôi cưới gần 3 tháng. Nhưng 4 năm sau trong lễ cưới của em trai út của tôi. Mẹ tôi vẫn giữ nếp nhà mà bố thực hiện trong ngày trọng đại nhất của các con mình, mẹ cũng nhờ người thân mua bánh phu thê Hà Nội đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên trong lễ cưới út. Mẹ cũng muốn thay bố nhắc nhở con trai mình hãy bảo vệ, mang hạnh phúc tới con dâu mẹ như chính lời bố dạy chúng tôi năm xưa về tình vợ chồng bền chặt, thủy chung. 

Để rồi, mỗi khi có dịp về Thủ đô hoa lệ ngoài bánh cốm, cốm vòng mua về làm quà biếu bà con chòm xóm mẹ vẫn nhắc tôi: "Nhớ mua ít bánh phu thê để mẹ thắp hương bố mày. Mẹ sẽ nói với bố món quà Hà Nội con gái mua". Những lời mẹ nhắc khiến tôi luôn nhớ về bài học của bố khi xưa và sống xứng đáng với lời dạy ấy, để bố nơi suối vàng luôn mỉm cười khi thấy mấy chị em tôi hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem