Ký ức Hà Nội: Món nợ ân tình với bác đạp xe xích lô

Nguyễn Vân Hậu (Lâm Đồng) Chủ nhật, ngày 21/08/2022 15:23 PM (GMT+7)
Tôi yêu Hà Nội không chỉ vì giá trị văn hóa và nét đẹp cổ kính, độc đáo của thành phố mà còn vì cốt cách, tình cảm ấm áp của những con người Hà Nội tôi từng gặp, trong đó có món nợ ân tình không thể nào quên với bác xích lô.
Bình luận 0

Mùa Thu năm 1979, tôi là bộ đội đóng quân ở Lạng Sơn. Một hôm, tôi nhận được điện tín khẩn của người anh trai công tác trong ngành giáo dục Lâm Đồng: "Em về số... phố Thợ Nhuộm, Hà Nội gặp anh có việc gấp".

Tiếng là điện khẩn nhưng 3 ngày sau tôi mới nhận được giữa lúc đơn vị đang trực chiến. Thuyết phục mãi thủ trưởng đơn vị mới đồng ý cấp "Công lệnh" để hôm sau tôi xuống Hà Nội. 

Thời bấy giờ, phương tiện đi lại còn ít, chỉ có xe khách của quốc doanh. Chờ mãi tôi mới đón được xe, xế chiều thì đến Bến Nứa, loay hoay tìm đến địa chỉ ở phố Thợ Nhuộm mà nay tôi không còn nhớ rõ số nhà, lòng khấp khởi sắp được gặp người anh xa cách đã mấy năm.

Nhưng, tôi vô cùng thất vọng khi biết vì chờ lâu nên anh tôi vừa lên tàu trở về Nam. Tôi hụt hẫng, mệt mỏi và hoang mang như kẻ khốn khó, không biết nên thế nào. Tìm chỗ ở trọ thì không đủ tiền. 

Sáng sớm tôi vội vã xách ba lô lên đường, chưa kịp tạm ứng tiền tài vụ, trong túi áng chừng chỉ đủ tiền xe, nghĩ bụng về gặp anh trai, lo gì chuyện tiền nong. Vừa buồn, vừa đói, tôi quyết định quay trở lại bến xe ngay cho kịp chuyến cuối cùng để về đơn vị.

Ký ức Hà Nội: Món nợ ân tình với bác đạp xe xích lô - Ảnh 2.

Xích lô phục vụ du khách quanh phố cổ Hà Nội. Ảnh: Bích Thuận.

Đi trên phố vắng trong tiết trời chiều thu dịu mát mà lòng tôi cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Có mấy anh chị thấy chú bộ đội trẻ hỏi đường đến Bến Nứa thì tận tình chỉ dẫn rằng còn khá xa, giọng Hà Nội nghe ấm áp, dễ mến. 

Tôi cảm ơn và tiếp tục sải những bước dài. Một người đạp xích lô, dáng khắc khổ, tuổi trạc ngoài bốn mươi, chạy theo:

"Anh bộ đội ơi, về đâu tôi đưa đi".

"Không bác ạ, tôi về gần đây". 

Tôi tìm cách từ chối, bước nhanh hơn, không muốn để ý đến bác xích lô nọ, thầm nghĩ, còn đủ tiền đâu mà dám xài sang đi xích lô.

Dường như biết tôi còn một quãng đường xa vì nghe tôi hỏi dò đường đi, bác xích lô cứ bám theo nài nỉ:

"Lên xe đi, tôi không lấy đắt đâu!"

Từ chối mấy lần không xong, tôi dừng lại, mắt bác xích lô sáng lên tưởng đã ăn khách, tôi bộc bạch:

"Bác ơi, tôi chỉ còn đủ tiền vé xe về đơn vị ở Lạng Sơn, bác có thể mua giúp tôi bộ quần áo bộ đội này không tôi mới có tiền trả bác?"

Nói rồi, tôi đặt chiếc ba lô xẹp lên ghế xích lô. Nói là ghế cho oai nhưng chỉ là một tấm ván ép, không có nệm ngồi và nệm tựa lưng, không có mui che, nó khác với những chiếc xích lô tôi từng thấy. 

Tôi mở nắp ba lô lấy ra bộ quần áo lính đã mặc đôi lần, thầm mong được trả giá hời. Nhưng, bác ấy trố mắt và dường như không buồn nhìn hay quan tâm lời đề nghị như khẩn nài của tôi. 

Rồi bác xích lô nói: "Tôi về nhà gần Bến Nứa, chú em lên xe tôi đưa đi cho kịp chuyến!"

Tôi tưởng mình nghe nhầm, còn chần chừ thì nghe tiếng quát như ra lệnh:

"Đã bảo lên xe, tôi có lấy tiền chú đâu?! Đi"

Ký ức Hà Nội: Món nợ ân tình với bác đạp xe xích lô - Ảnh 4.

Tuyến phố cổ Hà Nội luôn nhộn nhịp người dân, du khách. Ảnh: Bích Thuận.

Tôi vâng lời làm theo. Chiếc xích lô bon bon trên đường phố dài thưa vắng người, chỉ vài chiếc xe đạp ngược xuôi, thi thoảng một chiếc xe máy hiệu Simson phóng vượt lên xả ra mảng khói trắng nhợt nhạt. Một lúc sau, thấy bác xích lô có vẻ thấm mệt.

"Bác dừng lại đi", tôi nói.

"Có điều gì đấy chú em?"

Chiếc xích lô dừng lại, tôi yêu cầu bác giao tay lái để tôi chạy thay. Bác ấy đồng ý, tôi gồng mình bắt đầu đạp, chiếc xích lô lăn bánh chạy lượn lạng choạng như người say. Bác ấy cười bảo: "Có chạy được không?". Rồi chỉ cho tôi cách để giữ cho xe không bị lượn vòng.

Cuối cùng chúng tôi cũng đến Bến Nứa, bác giục tôi vào quầy mua vé ngay cho kịp. May quá, vẫn còn vé, là bộ đội biên giới, có Công lệnh nên tôi được ưu tiên. Cầm vé xe và vét túi còn mấy đồng, tôi quay ra gặp bác xích lô thú thật: "Em chỉ còn chừng này, bác nhận tạm cho em đỡ áy náy!"

Bác ấy gạt đi, chỉ vào người bán quán vỉa hè bảo tôi trả tiền mua 2 cái bánh chưng nhỏ, bác cầm 1 cái còn 1 cái đưa cho tôi. Đúng lúc người phụ xe giục hành khách lên xe, tôi chỉ kịp cảm ơn bác xích lô rồi vội bám cửa nhảy lên xe, sực nhớ mình chưa biết tên, địa chỉ của bác ấy. Dọc đường, tôi mở chiếc bánh chưng ra ăn mà lòng rưng rưng!

Từ đó cho đến nay, dù có nhiều người bạn tốt ở Hà Nội, nhưng tôi vẫn canh cánh trong lòng về ký ức xưa. Có lẽ vì thế, tôi yêu Hà Nội không chỉ vì giá trị văn hóa và nét đẹp cổ kính, độc đáo của thành phố; mà còn vì cốt cách, tình cảm ấm áp của những con người Hà Nội tôi từng gặp, trong đó có món nợ ân tình không thể nào quên với bác xích lô.

Bài viết Món nợ ân tình với bác đạp xe xích lô dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem