Khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, lớn nhất Gia Lai

H.Lộc - M.Ngọc Thứ bảy, ngày 14/05/2022 17:04 PM (GMT+7)
Sáng 14/5, tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã diễn ra Lễ khởi công dự án "Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai". Dự án do Tập đoàn De Heus Hà Lan, Tập đoàn Hùng Nhơn liên doanh đầu tư.
Bình luận 0

Khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao DHN Gia Lai trị giá hơn 1.000 tỷ đồng

Tham dự buổi lễ khởi công, có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai; ông Daniël Stork - Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM; lãnh đạo Tập đoàn Hoàng gia De Heus (Hà Lan), Tập đoàn Hùng Nhơn cùng các đối tác, đại lý, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ...

Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai được xây dựng tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, có tổng vốn đầu tư khoảng 45 triệu USD, tương đương 1.030 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, đây là dự án thứ 4 trong tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại Việt Nam của hai tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn.

Khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, lớn nhất Gia Lai - Ảnh 1.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, đây là dự án thứ 4 trong tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN của hai Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn.

Dự án tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín bao gồm: Chọn lọc, sản xuất heo giống - gà giống; nhà máy giết mổ heo tự động; sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ; sản xuất phân bón hữu cơ và thương mại các sản phẩm chăn nuôi.

Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN không chỉ góp phần tạo nên mô hình chăn nuôi hiện đại mà còn góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại Gia Lai, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số. 

"Trong chiến lược phát triển dài hạn của chúng tôi, De Heus và Hùng Nhơn hướng tới xây dựng một chuỗi giá trị cùng vùng an toàn dịch bệnh tại Gia Lai và các vùng phụ cận" - ông Hùng thông tin. 

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Koen De Heus, đồng Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc toàn cầu tập đoàn De Heus Hoàng Gia, cho biết: "Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai ra đời nhằm cung cấp, cải thiện và nâng cao chất lượng con giống cho các trang trại chăn nuôi Việt Nam. Không những thế, Tổ hợp còn tạo ra sản phẩm có chất lượng cao cho hệ thống chuỗi và hướng tới nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và hiện đại, đáp ứng đúng chủ trương của Chính phủ Việt Nam".

"Dự án này không chỉ giúp chúng tôi hỗ trợ khách hàng tại địa phương mà còn cung cấp con giống chất lượng tới mọi miền ở Việt Nam, tiến tới xuất khẩu trong tương lai. Chúng tôi không làm điều này một mình, mà liên kết với Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn Topics cũng như có sự hỗ trợ của các ban ngành, địa phương. Do đó chúng tôi tin tưởng dự án sẽ tạo ra giá trị cao đóng góp cho ngành chăn nuôi Việt Nam" - ông Koen De Heus nói.

Khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, lớn nhất Gia Lai - Ảnh 2.

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Châu Á Tập đoàn De Heus cho biết, sau dự án tại Đắk Lắk, Gia Lai, 2 tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN tại Tây Nguyên.

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Châu Á Tập đoàn De Heus cho biết, trong sản xuất con giống, an toàn dịch bệnh là điều vô cùng quan trọng, do đó trong chiến lược phát triển của De Heus chúng tôi đề cao tầm quan trọng của dự án này, cũng như các dự án chúng tôi đã triển khai ở Đắk Lắk, Tây Ninh, Lâm Đồng.

Đánh giá về dự án này, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, chiến lược phát triển của Gia Lai là từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất kép kín theo chuỗi liên kết, hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. 

Hiện Gia Lai đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư 106 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư trên 15.000 tỷ đồng.

Khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, lớn nhất Gia Lai - Ảnh 3.

Ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai hoan nghênh 2 tập đoàn đã đầu tư dự án lớn tại Gia Lai và đề nghị các sở ngành, đia phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm hoàn thành dự

Trong khi đó, 2 tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn là những tập đoàn có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi. Việc 2 tập đoàn triển khai dự án DHN Gia Lai tại huyện Chư Pưh sẽ đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, tạo thêm giá trị cho ngành nông nghiệp, việc làm cho người nông dân địa phương.

Để dự án sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, ông Thành đề nghị chủ đầu tư tập trung nguồn lực để đảm bảo tiến độ dự án, an toàn lao động, đảm bảo vệ sinh môi trường… 

Yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện Chư Pưh phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoàn thành các thủ tục pháp lí hỗ trợ 2 tập đoàn sớm hoàn thành dự án, đưa vào hoạt động.

Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao các nỗ lực của Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus trong việc liên doanh hợp tác phát triển, đầu tư xây dựng hàng loạt hệ thống trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao cung cấp con giống chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. 

Các dự án này phù hợp với chiến lược phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung. 

"Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang chịu nhiều thách thức từ hội nhập quốc tế, kiểm soát dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi, lợn tai xanh, lở mồm long móng…) và đang nỗ lực gia tăng khả năng cạnh tranh hướng tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực thì có thể nói, đây là một dự án điển hình về nông nghiệp công nghệ cao", Thứ truởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, lớn nhất Gia Lai - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Lễ khởi công

4 tháng đầu năm nay, dù thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng rất lớn bởi thị trường Trung Quốc thực hiện chính sách "zezo Covid", nhưng xuất khẩu nông sản vẫn đạt 17,87 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ, thặng dư 4 tỷ USD. Làm được điều này vai trò của doanh nghiệp (DN) là rất quan trọng. Sức khoẻ của DN chính là sức khoẻ của nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Tiến, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ, của Bộ NNPTNT, đặc biệt là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông lâm thuỷ sản, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Tính đến 31/12, mới chỉ có 14.400 DN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, vốn yếu, công nghệ lạc hậu, ko thể bắt kịp với tốc độ phát triển công nghiệp hoá - hiện đại hoá hiện nay.

"Bộ NNPTNT vui mừng khi cùng UBND tỉnh Gia Lai dự lễ khởi công dự án DHN Gia Lai do Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn liên doanh đầu tư. Tôi xin chia sẻ thêm, do ảnh hưởng của chiến sự Ukraine – Nga đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến giá thức ăn căhn nuôi, giá phân bón, đặc biệt là giá phân bón cao nhất 50 năm qua. Do đó, hướng đi của 2 tập đoàn là rất trúng với chủ trương của Đảng, Chính phủ, theo chuỗi khép kín, công nghệ cao. 

Chỉ trong thời gian ngắn 2 doanh nghiệp đã phát triển rất nhanh, trong tư thế bền vững. Ví dụ địa điểm đầu tư là ở vùng sâu vùng xa, đất đai không thuận lợi cho trồng trọt" - Thứ trưởng nói. 

Khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, lớn nhất Gia Lai - Ảnh 5.

Đại diện Bộ NNPTNT, Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM, các lãnh đạo địa phương và đại diện 2 tập đoàn cùng nhấn nút chính thức khởi công dự án DHN Gia Lai. Ảnh: H.L

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT cũng vừa kí biên bản ghi nhớ với liên minh HTX Hà Lan. Theo đó sẽ đẩy mạnh thu mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở các vùng nguyên liệu lớn, góp phần giải quyết nhu cầu về thức ăn chăn nuôi, giảm nhập khẩu, xây dựng ngành chế biến thức ăn chăn nuôi độc lập, tử chủ, giảm giá thành. 

"Thức ăn chăn nuôi chiếm tới 60-70% giá thành, nếu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn như De Heus tận dụng được nguồn ngô, sắn, cũng như phế phẩm thuỷ sản trong nước thì sẽ giảm phục thuộc nhập khẩu" - Thứ trưởng nói.

Tiếp đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các chủ đầu tư thực hiện đảm bảo tiến độ dự án, gắn với bảo vệ môi trường. Đề nghị tỉnh Gia Lai tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chung tay cùng thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam. 

"Tôi tin rằng 2-3 năm nữa, 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ có thay đổi rất lớn về chăn nuôi nói riêng, nông nghiệp nói chung. Tổng đàn lợn hiện nay đạt trên 28 triệu con, tăng trưởng 5%, đàn gia cầm tăng nhanh. Mà 1 trong những trụ cột rất quan trọng đóng góp cho tăng trưởng chính là những doanh nghiệp công nghệ cao. Bộ NNPTNT cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và địa phương thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem