Kể chuyện làng: Phở, món ăn tuổi thơ nhiều hoài niệm của tôi về làng cũ

Trần Hoài Phương Thứ tư, ngày 13/07/2022 08:52 AM (GMT+7)
Thời còn bé, sống cùng bà ngoại trong một ngôi làng nhỏ, tôi và anh trai hay ngẩn ngơ đứng nhìn những nồi nước lèo trong vắt, hít hà cho thỏa thuê mùi thơm lừng của bát phở đầy ắp hành hoa và thịt bò giữa tiết trời giá rét của mùa đông xứ Bắc.
Bình luận 0

Phở trong ký ức thời còn ấu thơ của tôi là một món ăn xa xỉ. Đôi lần bắt gặp vẻ thèm thuồng của chúng tôi, bà ngoại lặng lẽ không nói gì, chỉ cố gắng dọn hàng sớm hơn, chắt chiu từng đồng dành dụm từ gánh hàng rong, để dành trong một chiếc hộp sắt nhỏ. Rồi thì một buổi sớm mai đầu xuân, khi thời tiết đã dần trở nên ấm áp, chúng tôi được bà dẫn đến quán phở, gọi một bát thật to, đầy ắp thịt bò và hành hoa, thoang thoảng mùi hương của rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, thêm vài giọt chanh cốm gắt và chút cà cuống đặc trưng của quán… để ăn cho thỏa thích mong chờ của hai anh em. Giữ đúng ước hẹn với các cháu, kể từ mùa xuân năm đó, mỗi tháng vài lần bà ngoại lại dắt tay chúng tôi đến tiệm phở để thưởng thức thứ quà xa xỉ mà cũng rất đỗi thân thuộc của người làng tôi.

Ông chủ bán hàng phở ở làng hay gọi đùa bà ngoại là "bà cụ hai bát phở", vì mỗi khi đến quán chỉ gọi hai bát cho chúng tôi, còn bản thân thì lặng lẽ ngồi nhấm nháp chút bánh quẩy được tặng kèm khi ăn phở. Bà tôi thường hiền hòa mỉm cười trước lời trêu đùa của ông chủ. Bà bảo: "Nhìn cháu tôi ăn ngon thế này là biết phở của ông chủ nấu ngon như thế nào rồi. Tôi không cần ăn, cũng cảm thấy ấm áp vì nếm được gia vị của tình yêu thương từ bát phở". 

Vốn dĩ bản tính trẻ con vô tư, khi nghe những lời bà nói, chúng tôi chỉ biết háo hức ăn mà không hề hay biết rằng để có được những bát phở cho bản thân mình, bà ngoại đã phải vất vả và cần mẫn ra sao. Hai anh em chúng tôi cứ thế hồn nhiên trưởng thành trong tình yêu thương và lòng bao dung vô bờ bến của bà, mà chẳng mảy may nghĩ rằng sẽ có một ngày nào đó, "bà cụ hai bát phở" sẽ rời bỏ chúng tôi mà đi.

Phở, món ăn tuổi thơ nhiều hoài niệm của tôi về làng cũ - Ảnh 1.

Phở bò. Ảnh: esheep kitchen

Thi thoảng, trong vài cuộc trò chuyện gần đây, hai anh em tôi thường hồi tưởng đến ký ức về những bát phở được bà ngoại dắt đi ăn năm xưa ở làng cũ. Anh trai tôi bảo bản thân đã đi khắp thế giới, nếm đủ mọi hương vị phở khác nhau, nhưng vẫn chẳng thế nào quên được hương vị thơm ngon của món phở năm xưa. Là một blogger du lịch, bản thân cũng thường chu du khắp thế giới, đi đến đâu tôi vẫn giữ thói quen ghé những quán ăn, nhà hàng chuyên bán đặc sản Việt Nam để thưởng thức. Tôi đã từng ăn một bát phở kèm với rau mầm, thịt bò Kobe trong một resort đầy nắng và gió ở vùng biển Maldives, cũng từng cố gắng xếp hàng trong giá rét mùa đông ở quận 13 thành phố Paris, nước Pháp để được vào ăn một tô phở ấm nóng dù không thuần Việt nhưng ấm lòng nơi đất khách.

Phở, món ăn tuổi thơ nhiều hoài niệm của tôi về làng cũ - Ảnh 2.

Tô phở nơi xa xứ. Ảnh: sheep kitchen

Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến chính là bát phở được ăn tại một nhà hàng Việt, sau sự cố bản thân bị "mắc kẹt" tại trận động đất lịch sử ở Nepal vào tháng 4/2015. Thời điểm đó, chị chủ tốt bụng người Việt lấy chồng tại Nepal, đã bảo bọc và cưu mang gần 10 khách du lịch, trong đó có tôi, không may bị "mắc kẹt" tại Nepal. Bát phở được nấu từ thịt bò Nepal, thêm chút rau thơm vườn nhà chị chủ tự trồng, dù đơn sơ nhưng khiến tôi rất đỗi nghẹn ngào. 

Hương vị ngọt ngào từ lòng tử tế, sự bao dung và hơn hết là tình người quả là loại "gia vị" đặc biệt giúp bát phở thơm ngon đến kì lạ. Hương vị ấy khiến tôi nhớ đến bà ngoại và ký ức bát phở tuổi thơ thơm lừng với nước dùng trong vắt được ninh từ xương bò, thoang thoảng mùi quế, hồi tiêu bắc trong buổi sáng mùa xuân năm nào. Tôi vẫn nhớ lời bà nói năm nào: "Phở không chỉ là món ăn, nó còn là một thức quà được nêm nếm bằng gia vị của tình yêu thương".

Phở, món ăn tuổi thơ nhiều hoài niệm của tôi về làng cũ - Ảnh 3.

Phở nấu tại nhà. Ảnh: sheep kitchen

Những ngày giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, vì nhớ nhung hương vị thân thuộc của món phở truyền thống, tôi lên mạng tìm hiểu công thức và tập tành nấu phở tại nhà. Dù không thật sự khéo tay nhưng sau vài lần trải nghiệm, tôi cũng nấu thành công một bát phở đúng chuẩn tại nhà bằng việc tận dụng mọi nguyên liệu có sẵn tại nhà như thịt bò, hồi, tiêu, bánh phở ăn liền… Khi chậm rãi nếm lại hương vị của bát phở, bản thân sực nhớ đến niềm vui năm xưa khi còn thơ bé được quấn quýt bên bà. Trong thời điểm giãn cách, một tô phở được nấu từ việc tận dụng tất cả nguyên liệu tại nhà bỗng trở nên có giá trị vô cùng. Nó tựa hồ như một sợi dây tình cảm, kết nối cảm xúc của biết bao thế hệ, khiến cá nhân tôi thấu hiểu hơn nữa giá trị của tình thương yêu và niềm hạnh phúc bên gia đình và những người thân thương.

Và khi nhịp sống bình thường quay trở lại, tôi lại nhắn tin mời gia đình anh trai sang chơi, để cùng vào bếp nấu một nồi phở to, đúng chuẩn miền Bắc. Khi tự tay mình đặt tô phở ấm sực, nước dùng trong vắt, điểm xuyến thêm chút hành hoa, tiêu bắc…lên bàn thờ bà ngoại, hai anh em tôi đã không kiềm nén được sự xúc động mà nhìn nhau rưng rưng. Một khoảng trời tuổi thơ trong phút chốc ùa về, bất chấp việc bà ngoại đã rời xa chúng tôi từ rất lâu.

Hơn bất kỳ ai, chúng tôi hiểu rằng, chỉ cần có trái tim ở cạnh nhau, mọi khoảng cách đều có thể bị thu hẹp, như lời bà ngoại tôi khi sinh thời vẫn thường nói: "Trong gió rét ngày đông hay hương hoa mùa xuân, chỉ cần ngồi cạnh những người thương yêu, cùng thưởng thức bát phở ấm nóng, đời này thật không còn gì hạnh phúc hơn". Bà ngoại đã đi xa, nhưng dư vị tuổi thơ từ bát phở năm nào ở ngôi làng cũ chưa bao giờ ngừng mang đến hạnh phúc và sưởi ấm tâm hồn tôi. Cũng bởi phở là thức quà, là món ăn, còn là cả một khung trời nhớ nhung, khó lòng phôi pha.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem