HTX nông nghiệp TP.HCM làm giàu nhờ chính sách hỗ trợ giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật

Phúc Minh Thứ ba, ngày 25/10/2022 18:25 PM (GMT+7)
Nhờ chính sách chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều HTX, tổ hợp tác nông nghiệp tại TP.HCM đã chuyển biến tích cực. Sản phẩm cho năng suất, chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho người dân.
Bình luận 0

HTX nông nghiệp làm giàu nhờ được hỗ trợ giống

Anh Nguyễn Phạm Tấn Công - đại diện HTX cá cảnh Bình Lợi (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) cho biết trước đây, gia đình nuôi cá thịt tuy nhiên đầu ra bấp bênh, giá lại không cao. Sau khi học hỏi mô hình nuôi cá chép Nhật, thấy mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2003, gia đình anh đã quyết định chuyển đổi sang nuôi cá chép. Giai đoạn đầu, dù kết quả đạt được chưa mong muốn nhưng lợi nhuận vẫn cao hơn so với cá thịt.

HTX nông nghiệp TP.HCM làm giàu nhờ chính sách hỗ trợ giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá Koi trong ao đất của HTX cá cảnh Bình Lợi, xã Bình Lợi, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Gia đình anh Phong và các hộ trong tổ hợp tác thực sự phất lên kể từ khi được sự quan tâm hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Bình Chánh, hỗ trợ đi tập huấn, tham quan mô hình cá Koi. Giá trị kinh tế của loại cá kiểng này trên thị trường rất cao.

Theo anh Công, cũng nhờ sự hỗ trợ của Sở NNPTNT TP.HCM về giống, tài trợ giống ở thời điểm ban đầu, cũng như kỹ thuật chăm sóc và vận dụng thêm kinh nghiệm về nguồn nước tại địa phương, mà mới có giống cá chép, cá Koi chất lượng như hiện nay.

Ngoài cung cấp cá kiểng, cá thương phẩm, hiện HTX cá cảnh Bình Lợi còn cung cấp cá chép giống, cá Koi giống cho thị trường. Cá chép tại HTX cá cảnh Bình Lợi có chất lượng tốt, nhất là về màu sắc. Theo anh Công, nhờ được hỗ trợ giống tốt, cộng với nguồn nước, thủy văn tại xã Bình Lợi mà con cá chép có màu sắc đặc biệt, đẹp mắt, giá cạnh tranh trên thị trường cá cảnh.

"Hàng năm, Sở NNPTNT TP.HCM đều có chính sách, chương trình hỗ trợ bà con như cung cấp con giống, thay đổi giống, vật nuôi cây trồng, cung cấp trang thiết bị hỗ trợ cải tạo ao nuôi. Sở cũng tổ chức cho bà con tham quan mô hình học tập tại các tỉnh bạn và những mô hình đạt sản lượng cao tại TP.HCM. Nhờ vậy, sản lượng, chất lượng đều rất khả quan", anh Công nói.

HTX nông nghiệp TP.HCM làm giàu nhờ chính sách hỗ trợ giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật - Ảnh 3.

Cá chép Nhật, cá Koi của HTX cá cảnh Bình Lợi cho màu sắc đặc biệt. Ảnh: P.Minh

Từ nguồn cá giống được hỗ trợ, tổ chức lai thành công, HTX tiếp tục chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ giống cho các hộ dân tại địa phương, nâng diện tích nuôi cá koi trên địa bàn xã lên quy mô 16ha. Hiện HTX cá cảnh Bình Lợi có 9 hộ tham gia sản xuất. Mỗi hecta nuôi cá cảnh cho doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với nuôi cá thịt trước đây.

Tích cực chuyển giao giống, khoa học kỹ thuật cho HTX

Thời gian qua, nhiều HTX, tổ hợp tác nông nghiệp tại TP.HCM đã nhận được sự hỗ trợ về giống, chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào canh tác, sản xuất và mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với canh tác truyền thống trước đây. Nhiều mô hình sản xuất đã nâng cao từ sản lượng đến chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường.

Đối với bò sữa, TP.HCM có chủ trương giảm đàn bò sữa năng suất thấp sang bò nền lai tạo đàn bò thịt cao sản. Sở NNPTNT TP.HCM đã triển khai 89 mô hình có ứng dụng một số tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao được lồng ghép trong các chương trình mục tiêu của TP, như 50 mô hình đệm lót sinh học tại huyện Củ Chi, Bình Chánh; 33 mô hình chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa an toàn VietGAHP tăng năng suất chất lượng đảm bảo an toàn dịch bệnh; 6 mô hình chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại.

HTX nông nghiệp TP.HCM làm giàu nhờ chính sách hỗ trợ giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật - Ảnh 4.

Nuôi bò sữa công nghệ cao giúp nông dân tăng thu nhập. Ảnh: Trần Đáng

Thông qua việc triển khai các chương trình phát triển cây con trọng điểm của Thành phố, Sở NNPTNT TP.HCM đã cùng phối hợp với địa phương hỗ trợ xây dựng và chuyển giao bình quân 150 mô hình/năm, gồm: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn; mô hình trồng rau thủy canh; mô hình trồng hoa lan theo hướng công nghệ cao; mô hình cơ giới hóa trong gieo hạt…

Để tiếp tục hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, Sở NNPTNT TP.HCM đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM năm 2022 (Kế hoạch số 1531, ngày 29/6/2022), trong đó, chú trọng chuyển giao giống, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Cụ thể, các HTX, thành viên HTX được ưu tiên tham gia tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, vật tư… phục vụ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản thuộc các chương trình phát triển nông nghiệp trọng điểm, chương trình phát triển khoa học công nghệ của TP.HCM. 

Các HTX, thành viên HTX cũng sẽ được hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp để tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem