Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử

Khương Lực Thứ năm, ngày 04/01/2024 18:31 PM (GMT+7)
Trong năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh sẽ hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tập trung triển khai thực hiện trong năm 2024.
Bình luận 0

Ngày 4/1 , Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 3, khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm được Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tập trung triển khai trong năm 2024 là hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có gần 100 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử.

2023 - năm bản lề, dấu mốc quan trọng đối với tổ chức Hội Nông dân

Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong năm 2024 Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh sẽ hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Hiện tỉnh Bắc Ninh có gần 100 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: N.H

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh nhận định, năm 2023 là năm bản lề, dấu mốc quan trọng đối với tổ chức Hội Nông dân cũng như hoạt động công tác Hội và phòng trào nông dân. Các cấp Hội Nông dân đã tổ chức thành công Đại hội của cấp mình. Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ, hội viên nông dân; tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa chào mừng thành công Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh lần thứ X, và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Các cấp Hội nông dân trong tỉnh Bắc Ninh đã tập trung đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Hội gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương; đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đến cán bộ, hội viên, nông dân.

"Tổ chức Hội Nông dân các cấp đã không ngừng được xây dựng, củng cố và kiện toàn; xứng đáng với vai trò là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân trong tỉnh, là chỗ dựa tin cậy của cấp uỷ và chính quyền địa phương; thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nông dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nông dân" - bà Tuyết khẳng định.

Trong năm 2023, tỉnh Bắc Ninh đã kết nạp được 1.616 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh là 175.966 hội viên. Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh về thành lập Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân các cấp đã vận động, hướng dẫn thành lập mới 10 chi Hội và 92 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Đến nay, tổng số Chi Hội nghề nghiệp đã thành lập là 56 chi Hội; số tổ Hội đã thành lập là 552 tổ Hội được duy trì hoạt động có hiệu quả.

Các phong trào thi đua do tổ chức Hội phát động tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, tập trung hướng về cơ sở và từng bước nâng cao chất lượng. Nổi bật là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Tỉnh Bắc Ninh có trên 85.000 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó có trên 75.000 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi (chiếm 87,7% so với số hộ đăng ký).

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có gần 100 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử; 23 sản phẩm được hỗ trợ tham gia chương trình OCOP; duy trì và phát triển 73 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thông qua các phong trào đã xây dựng được một đội ngũ nông dân mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dũng cảm vượt qua khó khăn thử thách; mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; biết khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sẵn sàng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho gia đình, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh.

Theo bà Tuyết, trước thềm Đại hội Hội Nông dân Việt Nam, Bộ chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 46 ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. "Các cấp Hội nông dân chúng ta đã coi đây là món quà vô cùng có ý nghĩa , đồng thời cũng tự thấy trách nhiệm lớn lao của mình trong việc triển khai, thực hiện nghị quyết đạt được mục tiêu" - bà Tuyết nhấn mạnh.

7 nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện trong năm 2024

Tại hội nghị, đại diện Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã trao đổi thảo luận các giải pháp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Trong đó, chú trọng công tác xây dựng phát triển tổ chức Hội; nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển mô hình kinh tế; vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể; tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân…

Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh trao Bằng khen của Trung ương Hội cho các tập thể và cá nhân. Ảnh: N.H

Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Công Thao - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh trao Cờ “Đơn vị dẫn đầu”, Cờ "Đơn vị xuất sắc" năm 2023 cho các đơn vị Hội Nông nông dân các huyện, thị xã. Ảnh: N.H

Năm 2024 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023-2028, cũng là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh Bắc Ninh đang trên đà đổi mới và phát triển, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững môi trường ổn định, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.

Để tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đề nghị Các ban, đơn vị của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Trung ương cấp trên giao và tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, các cấp Hội cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là những nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh khóa X, Nghị quyết Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028. Gắn công tác tuyên truyền với việc thực hiện có hiệu quả việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Làm cho cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ, hội viên nông dân; tập trung củng cố, xây dựng tổ chức Hội Nông dân các cấp trong sạch vững mạnh; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân vào tổ chức Hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động, hướng trọng tâm về cơ sở, với mục tiêu chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ Hội, nhất là kỹ năng vận động nông dân trong thời kỳ mới và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ; chú trọng chăm lo công tác quy hoạch cán bộ, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Hội các cấp.

Ba là, các cấp Hội cần phát động mạnh mẽ và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua; trọng tâm là Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giầu và giảm nghèo bền vững"; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; liên kết chặt chẽ trong sản xuất nhằm hình thành các chuỗi giá trị, góp phần xây dựng nông thôn mới với những nội dung cụ thể, trên cơ sở bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bốn là, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương để thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn. Các cấp Hội phải thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là giám sát triển khai thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn; giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng; giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Năm là, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối trong mối liên kết "6 nhà" trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới góp phần tích cực hơn nữa trong công tác chăm lo đời sống cho người nông dân. Tăng cường nắm tình hình, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nông dân; chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong nông dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn; tổ chức động viên hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Sáu là, các cấp Hội Nông dân cần làm tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nông sản trên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ tem truy xuất hàng hoá, mẫu mã , bao bì …Thực hiện và triển khai tinh thần Nghị quyết số 14 ngày 5/10/2023 của HĐND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành quy định hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Bảy là, làm tốt công tác quản lý và phát triển quỹ hỗ trợ nông dân, phát huy hiệu quả tối đa từ các mô hình, dự án vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản…Đồng thời chuẩn bị các bước, quy trình để trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập mô hình hoạt động của tổ chức quỹ hỗ trợ nông dân theo tinh thần Nghị định số 37/2023/NĐ- CP ngày 24/6/2023 của chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem