Hội Nông dân Hải Dương nhân rộng các điển hình nông dân giỏi từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân

Đức Thịnh Thứ sáu, ngày 12/04/2024 13:32 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương đã xây dựng nhiều mô hình, nhân rộng nhiều hộ nông dân vay vốn điển hình làm điểm tham quan, học tập của nông dân trong tỉnh.
Bình luận 0

 Trong đó, phải kể đến mô hình trồng dưa, rau công nghệ cao trong nhà màng, chăn nuôi của ông Phạm Văn Quyện (xã Cổ Bì, huyện Bình Giang) cho thu nhập tiền tỷ/năm.

Trồng dưa công nghệ cao, nuôi dê từ nguồn vốn Quỹ HTND

Với mô hình trồng dưa công nghệ cao trong nhà màng, nuôi cá trê, nuôi dê, ông Phạm Văn Quyện là điển hình nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ HTND tỉnh Hải Dương. Ông Quyện cho biết: Trước đây, ông trồng rau màu theo phương thức truyền thống, vụ được mùa, vụ mất mùa do ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh. Thấy mô hình nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao, nên từ năm 2021, ông bắt tay vào thực hiện với diện tích ban đầu khoảng 1.500m2, tổng chi phí đầu tư gần 700 triệu đồng. Ông Quyện tập trung trồng dưa lưới và dưa chuột.

Ban đầu khi xây dựng mô hình, ông Quyện đã được Hội ND cho vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND. Có vốn, ông Quyện lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng nên cây phát triển tốt, bình quân mỗi vụ cho thu lãi khoảng 10 triệu/sào/vụ.

Hội Nông dân Hải Dương nhân rộng các điển hình nông dân giỏi từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân- Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Quyện, xã Cổ Bì, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: H.T

Hội Nông dân Hải Dương nhân rộng các điển hình nông dân giỏi từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân- Ảnh 2.

Cùng với mô hình trồng dưa, ông Quyện còn có 7.200m2 ao nuôi cá giống và cá thương phẩm chủ yếu là cá trê đồng, rô đồng. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán khoảng 2 tấn cá giống và 5 tấn cá thịt.

Ngoài ra, ông còn nuôi 60 con dê sinh sản và dê thịt. Hiện nay, tổng thu nhập từ mô hình trồng dưa, rau công nghệ cao, nuôi cá, nuôi dê, gia đình ông Quyện có khoản tiền gần 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Còn hộ ông Nguyễn Xuân Cầu (phường Phạm Thái, thị xã Kinh môn), vay 40 triệu đồng Quỹ HTND, kết hợp với nguồn vốn của gia đình để đầu tư mô hình nuôi dê thương phẩm, quy mô 1.000 dê thịt/năm, lợi nhuận 400 - 500 triệu/năm. Hộ ông Bùi Bách Hải (xã Lai Vu, huyện Kim Thành) vay số tiền 40 triệu đồng Quỹ HTND, đầu tư mô hình khai thác rươi, diện tích khoảng 6ha, cho thu nhập 20 triệu đồng/sào…

Hơn 117.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Ông Phạm Đức Hội - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Trong những năm qua, Hội ND tỉnh đã tích cực chỉ đạo, điều hành và quản lý tốt nguồn vốn Quỹ HTND; thực hiện tốt công tác vận động, xây dựng và phát triển quỹ. Đến nay, tổng số nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh Hải Dương đạt 96,470 tỷ đồng, hỗ trợ cho 3.301 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Trong đó: Trung ương Hội ủy thác 16 tỷ đồng được triển khai ở 28 dự án; cấp tỉnh 40,5 tỷ đồng thực hiện ở 99 mô hình nhóm hộ; nguồn cấp huyện 16,2 tỷ đồng cho 523 hộ vay; nguồn cấp cơ sở hơn 23,7 tỷ đồng cho 1.155 hộ vay. Vốn được hình thành từ các nguồn: Ngân sách cấp 48,511 tỷ đồng; ủng hộ 17,477 tỷ đồng; bổ sung 14,482 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, trên cơ sở nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân, Hội ND tỉnh Hải Dương đã khảo sát địa bàn, đánh giá khả năng phát triển sản xuất kinh doanh, lợi nhuận đem lại và hướng dẫn lập dự án vay vốn cho các mô hình vay vốn nhóm hộ, Quỹ HTND tỉnh đã giải ngân 201 dự án nhóm hộ, cho 2.734 hộ vay với tổng số tiền quay vòng và bổ sung 82,75 tỷ đồng.

"Quy mô mỗi dự án từ 300 - 500 triệu đồng, định mức vay vốn từ 30-100 triệu đồng/hộ, vốn vay được đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thuỷ sản..."- lãnh đạo Hội ND tỉnh Hải Dương nói. 

Hiện nay, đa số các mô hình dự án vay vốn Quỹ HTND trên địa bản tỉnh đều cho hiệu quả kinh tế cao, nông dân vay vốn sản xuất kinh doanh đều có lãi. Song song với hoạt động cho vay vốn, các cấp Hội ND đã gắn với tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. 

Cụ thể: Các cấp Hội đã tổ chức 310 lớp dạy nghề cho 10.933 lao động nông thôn, tổ chức 8.346 buổi tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ trong lĩnh vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản cho trên 579.000 lượt người.

Có nhiều mô hình dự án, hộ nông dân vay vốn điển hình làm điểm tham quan, học tập của nông dân trong tỉnh như: Mô hình sản xuất rau an toàn xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh, tổng số tiền vay vốn 500 triệu đồng, cho 13 hộ vay vốn, quy mô 46,8 ha, sản lượng 3,6 tấn/sào/năm, tổng thu 26,5 triệu/sào/năm, lãi 9,2 triệu/sào/năm. Mô hình nuôi lợn thịt thương phẩm xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, vay 500 triệu đồng, cho 13 hộ vay vốn, quy mô 1.000 lợn thịt/năm, doanh thu 7,3 tỷ đồng, lãi 2,1 tỷ đồng/năm….

Từ tác động của hiệu quả sử dụng vốn Quỹ HTND đã góp phần không nhỏ vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm. Các hộ nông dân vay vốn đều có thu nhập tăng hơn trước khi tham gia mô hình, dự án vay vốn; qua đó hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể, liên kết trong phát triển kinh tế, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương có trên 117.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Các cấp Hội ND trong tỉnh đã xây dựng và đang duy trì hoạt động 99 chi hội nông dân nghề nghiệp và 259 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 7.995 hội viên, thành lập 457 mô hình kinh tế, 19 HTX, 438 tổ hợp tác, tổ nhóm liên kết. Nhiều mô hình được xây dựng với sản phẩm có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ thuận lợi tại các siêu thị truyền thống và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem