Hàn Quốc đang có nhu cầu mua 100.000 tấn/tháng một loại viên nén làm từ gỗ vụn của Việt Nam

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 11/06/2023 10:28 AM (GMT+7)
Theo đánh giá của Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam, dự kiến nhu cầu tiêu thụ viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trong thời gian tới, trong khi tại Nhật Bản, các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng cung cấp dài hạn.
Bình luận 0

Báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho thấy, xuất khẩu viên nén trong 4 tháng đầu năm đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch 213,04 triệu USD, giảm 22% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, giá xuất khẩu viên nén đã giảm rất mạnh so với mức tăng trưởng quá "nóng" của năm 2022. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi hội Viên nén Gỗ Việt Nam, dự kiến trong tháng 6, 7 nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lương tiêu thụ 100.000 tấn/tháng, trong khi đó tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2-3 năm cung cấp viên nén cho thị trường này.

Có thể thấy, hai thị trường nhập khẩu lớn viên nén của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 98% tổng lượng đã và đang có tín hiệu tốt. Thị trường EU cũng dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối.

Hàn Quốc đang có nhu cầu mua 100.000 tấn/tháng một loại viên nén làm từ gỗ vụn của Việt Nam - Ảnh 1.

Dự kiến nhu cầu tiêu thụ viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trong thời gian tới, trong khi tại Nhật Bản, các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng cung cấp dài hạn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương.

Tuy nhiên, với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, có thể tin rằng xuất khẩu viên nén sẽ phục hồi cả về giá cả và khối lượng từ những tháng cuối năm 2023.

Theo VIFOREST, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, trong 5 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 4,7 tỷ USD. Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu, thuộc mã HS 94 giảm tới 38%. 

Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng thuộc nhóm HS 44 còn tăng trưởng dương. Cụ thể, trong khi xuất khẩu gỗ dán sản xuất từ gỗ cứng, chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh do chịu tác động của cuộc điều tra do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiến hành từ giữa năm 2021 về chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp thì sản phẩm gỗ dán sử dụng trong xây dựng (gỗ dán phủ film) xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU lại tăng.

Đối với sản phẩm ván sợi, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ đạt 21,19 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (7,6 triệu USD). Ván sợi hiện chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Ấn Độ.  

Xuất khẩu ván bóc trong 4 tháng đầu năm đạt 69,4 triệu USD tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường chính nhập khẩu mặt hàng này như Trung Quốc (57,2 triệu USD), Campuchia (3,4 triệu USD) đều tăng lần lượt 1% và 20% so với cùng kỳ năm 2022. 

Ngoài ra, xuất khẩu ván bóc sang thị trường Ấn Độ cũng tăng mạnh từ 284.500 USD trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 3,1 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2023. 

Mặc dù giá xuất khẩu dăm gỗ giảm rất mạnh so với cuối năm 2022, xuất khẩu dăm gỗ trong 4 tháng năm 2023 đạt trên 4,1 triệu tấn, với trị giá 704,4 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%.

VIFOREST nhận định, mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, chủ yếu do các tác động từ bên ngoài, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tin tưởng rằng, với vị thế hiện có trong thương mại gỗ toàn cầu, với năng lực cạnh tranh đã được thử thách và với đội ngũ doanh nhân đã tích lũy nhiều kinh nghiệm thương trường, doanh nghiệp gỗ Việt sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng khi thị trường gỗ toàn cầu phục hồi.     

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem