Hải Phòng: "Đại công trường" khai thác cát đang nhấn chìm bãi ngao 3.000ha tại huyện Kiến Thụy (bài 3)

Ngọc Lê- Đỗ Lực Thứ năm, ngày 11/11/2021 13:50 PM (GMT+7)
Khi những khúc mắc về vùng quy hoạch nuôi ngao ở huyện Kiến Thụy chưa được giải đáp, thì nhiều năm nay, hàng trăm hộ nuôi ngao ở khu vực ven biển huyện Kiến Thụy- khu vực bãi triều (cồn cát) lại bị nạn “cát tặc” quấy quả quanh năm. Hàng nghìn ha nuôi ngao bị “cát tặc” càn quét gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Bình luận 0

Hải Phòng: Khi dân "hóa" thành biên phòng bắt… "cát tặc"

Cho đến trước khi Bộ Công an bắt quả tang 25 tàu hút cát trái phép tại rên sông Văn Úc, đoạn qua địa phận xã Toàn Thắng, Quang Phục (huyện Tiên Lãng); xã Ngũ Phúc, Minh Tân (huyện Kiến Thụy) và xã Quang Trung (huyện An Lão) vào đêm 19 và rạng sáng 20/10, thì từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân nuôi ngao khu vực bãi triều ven biển huyện Kiến Thụy (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) đã bức xúc trước nạn "cát tặc" càn quấy khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân.

CLIP: Phóng viên Báo điện tử Dân Việt ghi nhận cảnh hàng trăm con tàu hút cát sát bãi nuôi ngao của người dân ven biển ở huyện Kiến Thụy, hướng từ cửa sông Văn Úc đi ra trưa ngày 3/11/2021. Thực hiện: Nguyễn Chương.

Để chống lại nạn "cát tặc", người dân nơi đây đã phải tự thành lập ra tổ tự quản, tổ chức truy bắt những tàu hút cát xâm nhập vùng nuôi ngao mỗi khi phát hiện.

Ông Vũ Trí Tuân- Hội trưởng Hội Nuôi ngao huyện Kiến Thụy cho hay, từ năm 2016 trên vùng ven biển huyện Kiến Thụy, khu vực bãi triều- nơi nuôi thả ngao của hơn 200 hộ dân bỗng dưng xuất hiện hàng chục tàu hút cát, ngày đêm cắm "vòi bạch tuộc" xuống để hút cát. Thời gian cao điểm, có tới hàng trăm tàu "cát tặc".

Thời gian đầu, người dân tụ họp nhau lại để xua đuổi tàu cát. Đối tượng khai thác cát rất hung hãn, mỗi lần truy đuổi "cát tặc" lại dùng hung khí để chống trả. Đã có rất nhiều người dân bị thương, phải nhập viện cấp cứu khi truy đuổi.

Hàng trăm người dân nuôi ngao huyện Kiến Thụy kêu cứu (Bài 2): Người nuôi ngao điêu đứng vì nhập nhèm thông tin cấp phép - Ảnh 1.

Một trong những tàu khai thác cát không phép tại khu vực bãi triều bị người dân bắt giữ vào tháng 10/2018, được bàn giao cho Trạm biên phòng Đoàn xá (Đồn Biên phòng Kiến Thụy) xử lý. Ảnh: Báo CAND

Cũng theo ông Tuân, đã có rất nhiều tàu khai thác cát trái phép được ông và người dân truy bắt giao cho Trạm biên phòng Văn Úc. "Chúng tôi đã nhiều lần báo cho Đồn biên phòng Đoàn Xá về việc tàu vào hút cát, hút ngao khu vực bãi triều, nhưng hầu hết các vụ việc này không được giải quyết dứt điểm. Nhiều lần chúng tôi bắt được tàu hút cát trộm giao cho biên phòng, nhưng sau đó họ lại thả ra. "Cát tặc" khiến các hộ nuôi ngao thiệt hại nặng nề…", ông Tuân bức xúc.

Đỉnh điểm là năm 2017, "cát tặc" lộng hành, có những lúc có hàng trăm con tàu ngang nhiên xâm nhập khu vực nuôi ngao của bà con để hút cát, khiến ngao chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng ngàn ha. Ngao chết, khiến hàng chục hộ dân "tán gia bại sản", để cầm cự nhiều nhà phải bán tài sản để tái đầu tư.

Là một trong những hộ nuôi ngao lớn ở Kiến Thụy có diện tích nuôi ngao bị nạn "cát tặc" quấy rối, ông Bùi Văn Tuyền cho hay, lực lượng quản lý tàu thuyền trên khu vực bãi Triều có rất nhiều, từ biên phòng đến công an, người dân đi tàu ra biển khai thác ngao biên phòng cũng kiểm tra. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, hàng chục, hàng trăm con tàu trọng tải lớn hút cát lại bị bỏ lọt.

Mập mờ thông tin cấp phép mỏ cát

Hải Phòng: "Đại công trường" khai thác cát đang nhấn chìm bãi ngao 3.000ha tại huyện Kiến Thụy (bài 3) - Ảnh 5.

25 con tàu khai thác cát trái phép trên sông Văn Úc, đoạn qua các huyện: Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Lão vừa các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp với Công an TP Hải Phòng bắt quả tang vào đêm 19, rạng sáng 20/10 vừa qua. Ảnh: HP.

Cũng theo ông Tuyền, điều khiến hàng trăm hộ dân nuôi ngao bức xúc là khi bắt được tàu hút cát trộm, các đối tượng khai có giấy phép khai thác mỏ cát, nhưng khi được đề nghị cung cấp giấy phép thì những đối tượng này lại khước từ.

Một điều lạ nữa là trong các đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng, người dân đề nghị chính quyền các cấp từ xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, đến TP Hải Phòng công khai các mỏ cát đã cấp cho doanh nghiệp, nhưng đến nay vẫn "bặt vô âm tín".

Hàng trăm người dân nuôi ngao huyện Kiến Thụy kêu cứu (Bài 2): Người nuôi ngao điêu đứng vì nhập nhèm thông tin cấp phép - Ảnh 2.

Nhiều năm qua, người dân đã gửi đơn thư kiến nghị đi khắp các cơ quan của UBND TP Hải Phòng đề nghị công khai các mỏ cát đã được cấp phép ở khu vực bãi triều nơi bà con nuôi ngao, nhưng đến nay vẫn không nhận được hồi âm. Trong ảnh: Một tàu khai thác cát tải trọng lớn hoạt động hết công suất trên khu vực ven biển Kiến Thụy, Ảnh chụp trưa ngày 3/11/2021. Ảnh: Nguyễn Chương.

Theo ông Tuân: Từ năm 2017, bản thân tôi đã làm đơn thư đi rất nhiều nơi đề nghị cung cấp thông tin cấp phép mỏ cát chồng lấn vào phần nuôi ngao của bà con, nhưng chính quyền các cấp Hải Phòng không trả lời. 

Có thể nhắc đến công văn số 825/TTr-TDXLĐT về việc chuyển đơn của công dân do Chánh Thanh Tra Bộ TNMT Lê Quốc Trung gửi UBND TP Hải Phòng ngày 31/10/2017, trong đó Thanh tra Bộ TNMT chuyển nội dung đơn thư của tôi phản ánh đề nghị làm rõ việc UBND TP Hải Phòng cho phép Công ty CP thương mại dịch vụ Đông Kinh (số 8 Kỳ Đồng, phường Quang Trung, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) được thuê mặt nước và khai thác cát chồng lấn lên khu vực nuôi ngao của bà con khu vực bãi Triều- cửa sông Văn Úc huyện Kiến Thụy… nhưng đến nay UBND TP Hải Phòng vẫn không hồi âm. 

"Ngoài đơn thư nói trên, tôi cùng những người dân khác gửi hàng trăm đơn thư đi các nơi đề nghị làm rõ những bãi cát được cấp phép khu vực bãi Triều, nhưng đơn thư được chuyển từ Trung ương xuống địa phương rồi cũng nằm im…", ông Tuân nói.

Tận mắt thấy "đại công trường" khai thác cát

10 giờ sáng 3/11, nhận được thông tin có hàng chục tàu hút cát đang cắm "vòi bạch tuộc" xuống khu vực đang nuôi ngao của các hộ dân khu vực bãi triều, PV Dân Việt đã lên tàu khai thác ngao ra ghi nhận tình hình.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ, con tàu cũng đưa chúng tôi ra vùng nuôi ngao của các hộ dân nói trên. Thật ngạc nhiên khi nơi đây đang có hàng trăm con tàu công suất lớn có những tàu công suất 1.000 tấn đang cắm vòi xuống khu vực bãi nuôi ngao để hút cát. Những tàu cát này sục vòi rồng xuống hút cát, khiến nhiều chòi canh ngao của người dân bị siêu vẹo, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Có thể kể đến các tàu cát mang số hiệu: HD- 2176, HD- 6768, BN- 1116, HP- 3139…

Hàng trăm người dân nuôi ngao huyện Kiến Thụy kêu cứu (Bài 2): Người nuôi ngao điêu đứng vì nhập nhèm thông tin cấp phép - Ảnh 3.

Con tàu HD 6768 đang sục hàng chục "vòi rồng" xuống hút cát trên phần diện tích nuôi ngao khu vực bãi Triều (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Theo ông Tuân khu vực này thuộc diện tích của các hộ nuôi ngao. ảnh: Nguyễn Chương.

Theo ghi nhận của PV Báo điện tử Dân Việt, trên mỗi con tàu khai thác cát này, có khoảng từ 20- 30 chiếc vòi công suất lớn đang sục xuống các bãi ngao để hút cát. Khu vực nuôi ngao như một đại công trường hoạt động nhộn nhịp, ồn ào với hàng chục tàu hút cát chạy hết công suất. Cạnh tàu cát là những dòng nước đục ngàu, chảy cuồn cuộn.

Phải chạy mất hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới "đi qua" được hết các con tàu khai thác cát. Quá trình PV Báo điện tử Dân Việt ghi hình luôn có 2 chiếc ca nô lượn quanh tàu của chúng tôi. Những người này dùng bộ đàm để gọi cho ai đó như thông báo một điều gì đó.

Điều lạ là khu vực khai thác cát này lại không có cọc phao, tiêu cắm để phân biệt ranh giới khu vực khai thác cát (nếu có) với khu vực ngoài ranh giới.

Hàng trăm người dân nuôi ngao huyện Kiến Thụy kêu cứu (Bài 2): Người nuôi ngao điêu đứng vì nhập nhèm thông tin cấp phép - Ảnh 4.

Những dòng nước đục ngàu xả xuống bãi ngao khu vực bãi Triều (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), khiến ngao có nguy cơ chết hàng loạt.

Nhìn những tàu hút công suất lớn đang hút cát, ông Vũ Trí Tuân- Hội trưởng Hội nuôi ngao huyện Kiến Thụy không khỏi xót xa cho biết, diện tích các tàu đang hút cát là bãi ngao của các hộ đang làm nghề nuôi ngao ở đây, gồm: Nguyễn Văn Tuân, Nguyễn Thị Sạch, Phạm Lương Hiếu, Tô Thị Thoan, Phạm Lương Hiếu, Tô Thị Thoan, Nguyễn Thế Vinh, Phạm Thị Nhanh, Nguyễn Văn Quyết, Phạm Lương Hiệp, Mai Văn Phúc… Những tàu cát hút cả ngao đang sống ở dưới. Tình trạng này kéo dài khiến người dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, các tàu cát còn gây ô nhiễm môi trường, dễ gây ra việc ngao chết hàng loạt.

Trong suốt quá trình ghi hình các tàu khai thác cát khoảng 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi không bắt gặp bất kỳ lực lượng chức năng nào tuần tra, giám sát tại đây.

Cuộc "gặp gỡ" bất ngờ với tàu biên phòng

Sau khi "khảo sát" và ghi được đầy đủ hình ảnh, clip về "đại công trường" khai thác cát trên khu vực bãi Triều khu vực nuôi ngao ven biển huyện Kiến Thụy, chúng tôi xuôi tàu vào bờ. Khi đi được khoảng 1 hải lý, thì xuất hiện 1 tàu số hiệu BP-02-07-13 của bộ đội biên phòng Hải Phòng tiếp cận tàu của chúng tôi.

Chiếc tàu nói trên ra hiệu cho tàu của chúng tôi chạy chậm lại, 3 cán bộ biên phòng nhảy sang tàu, yêu cầu chủ tàu cho kiểm tra vì có... đông người. Ông Nguyễn Văn Hà- Trạm trưởng Trạm Biên phòng Văn Úc (Đồn biên phòng Đoàn Xá) yêu cầu kiểm tra hành chính những người đi trên tàu.

Hàng trăm người dân nuôi ngao huyện Kiến Thụy kêu cứu (Bài 2): Người nuôi ngao điêu đứng vì nhập nhèm thông tin cấp phép - Ảnh 5.

Lực lượng Trạm biên phòng Đoàn Xá lên tàu kiểm tra hành chính.

Sau khi gặp ông Hà, PV Báo điện tử Dân Việt cho biết, vừa ra ghi nhận tình hình các tàu cát khai thác cát tại khu vực bãi nuôi ngao của người dân và đề nghị lực lượng biên phòng có biện pháp kiểm tra, lập biên bản và tạm giữ phương tiện hút cát nếu những tàu này không có phép hoặc khai thác cát sai tọa độ được cấp phép, ông Hà viện lý do sẽ báo cáo cấp trên và xin ý kiến.

Tuy nhiên, khi PV trao đổi nếu không nhanh những tàu này sẽ đi mất, ông Hà tiếp tục cho hay phải xin ý kiến cấp trên.

PV tiếp tục thắc mắc vì sao lực lượng biên phòng không kiểm tra hàng chục con tàu đang hút cát ngoài phía bãi Triều, mà lại đi kiểm tra và đòi lập biên bản đối với tàu của người dân, ông Hà cho hay: Ngoài đó có 8 mỏ được cấp phép rồi.

PV nói tiếp, nếu được cấp phép thì các anh cũng phải ra kiểm tra xem, họ có khai thác đúng khu vực không chứ?. Lúc này, anh Hà trả lời: Cái này, để chúng tôi xin ý kiến cấp trên.

Trước sự nhiệt tình của PV, đề nghị cùng đội tuần tra của ông Hà ra khu vực các tàu khai thác cát đang hoạt động để kiểm tra xem những tàu cát này có hoạt động khai thác đúng quy định hay không, ông Hà tiếp tục từ chối và cho hay phải xin lệnh từ cấp trên.

Cũng lúc này, ông Vũ Chí Tuân- chủ tàu có yêu cầu, Trạm biên phòng Văn Úc lập biên bản về nội dung, mục đích lên tàu của ngư dân, thì ông Hà xin… không làm việc.

Đoàn làm việc của ông Hà theo chân chúng tôi về tận bờ. Khi được chúng tôi đề nghị mời ông Hà cùng các cán bộ lên bờ, vào nhà để trao đổi làm rõ một số nội dung, thì ông Hà một mực từ chối và neo thuyền đợi ai đó ở bên ngoài.

Hơn 1 giờ sau (khoảng 14 giờ 30, ngày 3/11), một đoàn gồm 3 người tự giới thiệu ở Đồn biên phòng Kiến Thụy đi xe ô tô đến, những người này đề nghị chúng tôi cho biết ở đơn vị nào. Người đàn ông tên Thanh liên tục mời chúng tôi về Đồn biên phòng Đoàn Xá để trao đổi, nói chuyện, nhưng chúng tôi từ chối…

Người dân phải tự tuần tra, xua đuổi tàu hút cát trộm

"Để ngăn chặn các hành vi khai thác cát trái phép, chúng tôi đã luân phiên túc trực nhằm xua đuổi các tàu cát đi vào bãi ngao và đã nhiều lần phản ánh, báo tin với cơ quan địa phương, đề nghị các cơ quan này vào cuộc.

Mặc dù, một số trường hợp đã bị xử lý, hiện tượng này vẫn ngang nhiên diễn ra. Sự can thiệp của cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt và các hình phạt còn thiếu tính răn đe đã không giải quyết triệt để vấn đề gây nhức nhối này, gián tiếp tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm tái diễn, gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản của ngư dân"

(Ông Vũ Trí Tuân- Hội trưởng Hội Nuôi ngao huyện Kiến Thụy)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem