Hải Phòng: Bãi ngao có trước, quy hoạch có sau, sao lại bảo dân nuôi... tự phát? (bài 2)

Ngọc Lê- Đỗ Lực Thứ năm, ngày 11/11/2021 06:55 AM (GMT+7)
Ngày 28/9 vừa qua, UBND huyện Kiến Thụy (TP. Hải Phòng) có thông báo số 462 về việc dừng nuôi ngao tự phát ven biển Kiến Thụy. Trên thực tế, theo tìm hiểu của PV Dân Việt, việc nuôi ngao ven biển đã được người dân ở đây thực hiện từ lâu và có hợp đồng, xác nhận của chính quyền, hoàn toàn không phải... tự phát.
Bình luận 0

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, cho đến trước khi có quyết định phê duyệt quy hoạch vùng nuôi ngao ven biển theo quyết định 635 năm 2018 của UBND huyện Kiến Thụy, hoạt động nuôi ngao ven biển trên địa bàn đã diễn ra từ lâu. Nhiều hộ đã có đơn đề nghị nuôi ngao, có đề án phát triển nuôi ngao được chính quyền địa phương xác nhận và tổ chức ký hợp đồng cho thuê đất, mặt nước.

Nhiều hộ đã có đơn đề nghị nuôi ngao thử nghiệm và được ký hợp đồng

Hải Phòng: Quy hoạch nuôi ngao thụt lùi: Bãi ngao có trước, quy hoạch có sau, sao lại bảo dân nuôi... tự phát? (bài 2) - Ảnh 1.

Việc nuôi ngao ven biển, nơi cửa sông Văn Úc đổ ra được đánh giá rất có tiềm năng và các hộ đã dựng chòi, quây cọc nuôi thả ngao từ hơn 10 năm qua, nhưng trong bàn quy hoạch mới, UBND huyện Kiến Thụy đã đòi "xóa sổ" khu vực nuôi ngao này để dồn vào nơi không thuận lợi nhằm nhường chỗ cho khai thác cát. Ảnh: Nguyễn Chương.

Chị Nguyễn Thị Yến, ở thôn Nam Hải, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy đang cùng với các bà con khác có 70-80ha nuôi ngao ở bãi triều (đoạn cửa sông Văn Úc). Hưởng ứng lời kêu gọi về việc khai thác tiềm năng thủy sản ven biển, từ những năm 2000, gia đình chị đã bỏ nghề đánh bắt thủy sản để vào bờ làm nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có con ngao.

Lúc mới lên bờ, do còn "non" kinh nghiệm, hết lứa ngao thử nghiệm này đến lứa khác cứ thả xuống nuôi rồi thất bại, ngao chưa kịp lớn đã chết. Mồ hôi, nước mắt và cả sự chán chường đã xuất hiện, những tưởng phải bỏ cuộc. Rồi sau đó, chị được những cán bộ của Bộ Thủy sản cũ (nay là Bộ NNPTNT) xuống tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khuyến nông, khuyến ngư về nuôi ngao, chị dần có kinh nghiệm. Thêm một vấn đề nữa, để nuôi được ngao, môi trường dưới đáy bãi ngao phải có nhiều cát ngao mới sinh sống được. Vậy là chị cùng các bà con khác phải ra bãi triều để khai hoang, phun cát lên để tạo môi trường cho ngao sống và sinh trưởng.

"Cực nhọc lắm các anh ạ, tôi cùng gia đình và bà con đã mất bao năm khai khẩn, vun đắp mới được bãi ngao như ngày nay, chứ không phải cứ mang mấy cái phao, lưới ra quây là thành bãi ngao của mình đâu"- chị Yến giãi bày tâm sự. Sau nhiều lần thất bại, năm 2010-2011, cũng như nhiều gia đình khác , chị đã nộp đơn xin được đề nghị nuôi ngao thử nghiệm lên UBND xã Đại Hợp. Sau đó, UBND xã có gửi Tờ trình về việc cấp phép nuôi ngao ven biển trên địa bàn xã.

Theo chị Yến, nếu theo như phương án quy hoạch của huyện Kiến Thụy, thì diện tích nuôi ngao chỉ còn 750ha, phần lớn là đất bùn, ngao không thể sinh sống được. "Họ lập quy hoạch nhưng không hỏi ý kiến của người dân, đùng một cái ngày 28/9 ra thông báo và yêu cầu bà con thu hoạch ngao, rồi tháo dỡ chòi, cột quây trước 30/11. Chúng tôi bức xúc quá, có đi lên huyện hỏi nhưng không ai trả lời cả. Giờ bà con đang không biết phải làm ăn, sản xuất như thế nào?"- chị Yến bức xúc nói.

Chị Yến cho biết, mong mỏi của chị cũng như nhiều bà con ở đây là được thuê đất, mặt nước để nuôi ngao và hàng năm đều sẵn sàng đóng thuế đầy đủ cho nhà nước. Nếu quy hoạch như bây giờ, mà chúng tôi nghe được để lấy diện tích đang nuôi ngao cho khai thác cát thì sẽ tàn phá hết môi trường xung quanh, thậm chí còn đe dọa đến an toàn đê của sông Văn- Úc.

Hải Phòng: Hàng trăm hộ nuôi ngao điêu đứng vì quy hoạch thụt lùi: Quy hoạch có sau, lại bảo người dân nuôi... tự phát - Ảnh 2.

Năm 2011, chính UBND xã Đại Hợp đã có tờ trình gửi UBND huyện Kiến Thụy về việc cấp phép nuôi ngao ven biển và đánh giá rất có tiềm năng.

Cũng theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trong giai đoạn 2010-2011, chính quyền các địa phương đã có rất nhiều tờ trình về việc xin cấp giấy phép nuôi ngao. Tại một trong những tờ trình đã được UBND xã Đại Hợp gửi UBND huyện Kiến Thụy ngày 25/5/2011 căn cứ trên đơn xin nuôi ngao của hộ bà Bùi Thị Lại, có đánh giá: "Khu vực cồn cát thuộc địa bàn xã quản lý có tổng diện tích khoảng trên 1.000ha, trong đó diện tích có tiềm năng phát triển nuôi nhuyễn thể khoản 500ha. Nếu phát triển nghề nuôi ngao tại khu vực trên sẽ góp phần chuyển dần bà con ngư dân đánh bắt thủy sản ven bờ sang nuôi hải sản trên biển, góp phần bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, phát triển kinh tế địa phương".

Hải Phòng: Bãi ngao có trước, quy hoạch có sau, sao lại bảo dân nuôi... tự phát? (bài 2) - Ảnh 4.

Rất nhiều hợp đồng cho thuê bãi triều để nuôi ngao đã được chính quyền các địa phương ký với người dân. Vì thế, theo lập luận của các hộ dân, đối với việc này, không thể nói là người dân nuôi ngao... tự phát được.

Thậm chí, tại các địa phương khác như quận Đồ Sơn và huyện Tiên Lãng, chính quyền địa phương đã ký hợp đồng cho thuê mặt nước bãi triều. Chẳng hạn như tại hợp đồng số 125/HĐ-UBND ngày 25/12/2011, UBND phương Vạn Hương (quận Đồ Sơn) đã cho ông Đăng Văn Bốn thuê 30ha đất mặt nước trong 5 năm; UBND phường Bằng La (quận Đồ Sơn) cũng có hợp đồng số 13/HĐKT ngày 6/10/2011 cho ông Trần Văn Chương thuê 10ha mặt nước nuôi trồng thủy sản trên khu bãi bồi đầu gồ Đồng Trong; Cũng UBND phường Vạn Hương ngày 15/12/2011 có hợp đồng số 124/HĐ-HĐND cho bà Vũ Thị Hồng thuê 10ha mặt nước bãi triều để nuôi ngao tại khu bãi bồi, phía trong cồn nhọn ngoài biển cách khu Đồ Sơn 3 khoảng 4km về phía Nam thuộc phường Vạn Hương...

Còn rất, rất nhiều các hợp đồng kinh tế, biển bản xác nhận vị trí về cho thuê mặt nước bãi triều để nuôi ngao được các chính quyền địa phương ký và xác nhận với các hộ dân mà chúng tôi đã thu thập được.

Hải Phòng: Hàng trăm hộ nuôi ngao điêu đứng vì quy hoạch thụt lùi: Quy hoạch có sau, lại bảo người dân nuôi... tự phát - Ảnh 3.

Tàu hút cát đã vào khai thác cát sát khu vực nuôi ngao của người dân khiến người dân nơi đây rất bức xúc. Ảnh chụp trưa 3/11/2021 tại vị trí ven biển Kiến Thụy, hướng từ cửa sông Văn- Úc đổ ra. Ảnh: Nguyễn Chương.

"Có bãi ngao rồi mới ra quy hoạch, rồi bảo dân nuôi... tự phát"

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến trước khi UBND huyện Kiến Thụy có quyết định 635 ngày 24/4/2018 về vùng nuôi ngao, thì bãi ngao ven biển đã được hình thành và bà con đã nuôi ổn định trên diện tích khoảng 3.000ha. Trong khi đó, theo đánh giá, tiềm năng mở rộng vùng nuôi ngao sang các địa bàn huyện Tiên Lãng, quận Đồ Sơn vẫn còn và nếu được tạo điều kiện hỗ trợ, có thể mở rộng lên 7.000-8.000ha. Thế nhưng, không hiểu sao, riêng huyện Kiến Thụy lại có "bước đi" lạ lùng, đó là... rút diện tích nuôi ngao xuống chỉ còn 750ha.

Chị Đỗ Thị Hiền, ở thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy cũng đã theo nghề nuôi ngao từ hơn 10 năm nay. Bản thân gia đình chị có nuôi khoảng 10ha và sau đó nhiều anh chị em, bạn bè khác cũng tập trung vào đầu tư nuôi ngao với tổng diện tích lên tới 80ha. Chị Hiền cho biết, để nuôi được ngao, các anh chị em đã phải thuê máy phun cát, bồi đắp bãi nuôi ngao, rồi mua ngao giống để thả với số tiền đầu tư lên tới vài chục tỷ đồng. 

Hải Phòng: Quy hoạch nuôi ngao thụt lùi: Bãi ngao có trước, quy hoạch có sau, sao lại bảo dân nuôi... tự phát? (bài 2) - Ảnh 5.

Nếu phải "dồn" vào các vị trí nuôi ngao sát rừng ngập mặn như này, người dân chỉ còn nước bỏ nghề do ngao không thể sống nổi. Hàng nghìn lao động ở Kiến Thụy đang đối mặt với nguy cơ mất việc. Ảnh: Nguyễn Chương.

"Năm 2013, chúng tôi từng được các cán bộ của Bộ NNPTNT về tập huấn kỹ thuật nuôi ngao. Xã cũng hỗ trợ vật liệu để làm chòi, cột quây bãi ngao. Bản thân tôi cũng đã làm đơn xin nuôi ngao, sau đó được xã làm tờ trình gửi lên huyện và có xác nhận việc nuôi ngao. Vậy mà nay họ lại nói chúng tôi là... nuôi tự phát, điều này hết sức vô lý". 

Theo chị Hiền, quy hoạch gì cũng phải xét đến quyền lợi chính đáng của những người dân đang đầu tư tiền tỷ nuôi ngao ở đây, xét đến yếu tố lịch sử, có sự kế thừa và có căn cứ, chứ không phải quy hoạch là xóa sạch hết. Đằng này, chúng tôi đang làm ăn ổn định cả hơn 10-15 năm trời ở đây, giờ họ ra đo vẽ, rồi quy hoạch lại và bảo chúng tôi nuôi... tự phát. "Mong muốn của chúng tôi là được giữ nguyên hiện trạng bãi nuôi ngao hiện nay, thậm chí mở rộng ra những vùng còn tiềm năng để phát triển, bởi chúng tôi không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn đưa ngao đi xuất khẩu, thu về ngoại tệ cho đất nước"- chị Hiền bày tỏ mong muốn.

Tại quyết định 635 của UBND huyện Kiến Thụy cũng đánh giá, việc nuôi ngao ven biển mang lại giá trị khoảng 297 tỷ đồng/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 16 triệu USD/năm. Phần lớn, ngao ở đây được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vậy một lần nữa đặt ra câu hỏi, không hiểu vì sao huyện Kiến Thụy lại muốn "triệt tiêu" ngành này.

Hải Phòng: Hàng trăm hộ nuôi ngao điêu đứng vì quy hoạch thụt lùi: Quy hoạch có sau, lại bảo người dân nuôi... tự phát - Ảnh 4.

Bản đồ quy hoạch nuôi ngao mà huyện Kiến Thụy lập năm 2018. Theo bản đồ này, toàn bộ phần màu trắng là nơi bà con đang nuôi ngao sẽ buộc phải thu dọn để dồn vào phần màu đỏ và màu vàng, nơi được xác định là không thuận lợi cho việc nuôi vào và diện tích nuôi ngao bị thu hẹp xuống chỉ còn 1/4 so với hiện tại.

Ông Vũ Trĩ Tuân- Hội trưởng Hội Nuôi ngao huyện Kiến Thụy cho biết: "Xét về lao động trực tiếp, thì có khoảng 1.000 người sống nhờ bãi ngao, nhưng nếu tính hết lực lượng gián tiếp từ thu hoạch thuê đến sơ chế, kinh doanh ngao, có tới 2.800 người đang sinh sống dựa vào nghề nuôi ngao ven biển. Nếu theo quy hoạch của huyện Kiến Thụy, thì sẽ có hàng nghìn người rơi vào cảnh thất nghiệp, không còn công ăn việc làm, họ sẽ làm gì để sống?".

Hải Phòng: Hàng trăm hộ nuôi ngao điêu đứng vì quy hoạch thụt lùi: Quy hoạch có sau, lại bảo người dân nuôi... tự phát - Ảnh 5.

Ông Vũ Trí Tuân- Hội trưởng Hội Nuôi ngao huyện Kiến Thụy giới thiệu khu vực đang nuôi ngao rất tiềm năng ven biển Kiến Thụy . Ảnh: Nguyễn Chương.

Hải Phòng: Hàng trăm hộ nuôi ngao điêu đứng vì quy hoạch thụt lùi: Quy hoạch có sau, lại bảo người dân nuôi... tự phát - Ảnh 6.

Toàn bộ vùng nuôi ngao rộng khoảng 3.000ha sẽ bị "xóa sổ" để nhường cho việc khai thác cát theo quy hoạch mới của huyện Kiến Thụy.

"Bà con chúng tôi không ai tự ra biển mà cắm chòi, quây cọc nuôi ngao được. Chúng tôi đều có đơn xin nuôi ngao và được chính quyền địa phương xác nhận, phê duyệt. Vậy tại sao chỉ dựa vào quyết định 635- là một quyết định được hình thành sau khi có bãi ngao để nói rằng, các hộ nuôi ngao ở đây là... tự phát? Thế chẳng khác gì ruộng vườn mình đang trồng cấy, rồi chính quyền đến vẽ quy hoạch, xong bảo mình... lấn chiếm đất. Điều này hết sức vô lý và chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng"- ông Vũ Trí Tuân bức xúc nói.

Trao đổi nhanh với PV Dân Việt (qua điện thoại), ông Lưu Văn Thụy- Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy nói đang bận và chỉ trả lời ngắn gọn: "Chúng tôi có đầy đủ hồ sơ quy hoạch, cũng như cấp phép khai thác cát. Còn nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn, đề nghị báo làm việc với các Phòng chuyên môn trước".

Theo thống kê phân theo đơn vị hành chính năm 2018 của thành phố Hải Phòng, quận Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy và huyện Tiên Lãng có dân số khoảng 345.000 người, trong đó có trên 3.000 hộ gia đình, cá nhân sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và chủ yếu là liên quan đến nuôi ngao giống và ngao thương phẩm.

Việc phát triển kinh tế biển từ việc nuôi trồng thủy hải sản đem lại cho bà con nơi đây cuộc sống đầy đủ hơn trước. Trong những năm qua, lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản của thành phố Hải Phòng đã có nhiều khởi sắc với sản lượng và tốc độ tăng trưởng tăng từ việc nuôi trồng thủy sản.

Khu vực bãi triều (cồn cát) cửa biển có sông Văn Úc chảy ra. Đi từ cửa sông Văn Úc (huyện Kiến Thụy) ra hướng biển khoảng 5 hải lý là Bãi Triều (cồn cát), có diện tích khoảng từ 6.000 đến 7.000 héc ta, nằm trên địa phận của huyện Kiến Thụy, huyện Tiên Lãng và quận Đồ Sơn.

Còn nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem