Hà Nội đẩy mạnh gắn sao OCOP cho sản phẩm làng nghề, người người biết tới

Thiên Hương Thứ ba, ngày 05/12/2023 16:11 PM (GMT+7)
Không chỉ dẫn đầu về số lượng sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, TP. Hà Nội đã và đang thể hiện vai trò "đầu tàu" trong việc hỗ trợ các tỉnh, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản an toàn…
Bình luận 0

Gắn sao OCOP cho chăn tơ tằm tự dệt, bán giá 4 triệu đồng/kg

Theo Kế hoạch số 312/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn TP năm 2023, Hà Nội phấn đấu trong năm nay phát triển thêm từ 20-30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Triển khai xây dựng thí điểm 5 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây. 

Có thể nói, nhờ tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố, nhiều làng nghề của Hà Nội đã phát huy tiềm năng, giá trị kinh tế. Việc phân loại, xếp hạng sao cho sản phẩm OCOP đã  góp phần quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề, thậm chí nhiều sản phẩm được lựa chọn làm quà tặng cao cấp... 

Chưa bao giờ các sản phẩm lụa làm từ tơ sen, chăn bông tơ tằm tự dệt của Nghệ nhân Phan Thị Thuận  - Giám đốc Công ty TNHH Dầu tằm tơ Mỹ Đức lại nổi tiếng như bây giờ. Đặc biệt, đầu năm 2023, sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã được Bộ NNPTNT công nhận OCOP 5 sao. Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ, sản phẩm này là kết tinh của nhiều tâm huyết, mày mò thử nghiệm. 

Hà Nội đẩy mạnh gắn sao OCOP cho sản phẩm làng nghề, người người biết tới - Ảnh 1.

Các sản phẩm tơ lụa của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã có mặt ở nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, Nhật Bản... Ảnh: Dân Việt

Sinh ra và lớn lên ở “quê hương dâu tằm” Phùng Xá, từ nhỏ bà Thuận đã gắn bó với nong tằm, cái kén. Đầu những năm 2010, khi ngồi quan sát con tằm làm tơ, đan kén, bà Thuận đã nảy ra ý tưởng để cho tằm tự dệt chăn tơ. Nhưng con tằm nhả tơ một cách tự nhiên theo bản năng nên bà Thuận phải tự tay bắt tằm, kiên trì sắp xếp chúng vào đúng vị trí. Vậy là đến kỳ nhả tơ, hàng ngàn, hàng vạn con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng, rút ruột nhả tơ một cách chăm chỉ để dệt thành những tấm chăn bông tơ tằm bền đẹp. Khi tằm hết chu kỳ nhả tơ cũng là lúc tấm chăn hoàn thành.

Bà Thuận cho biết, mỗi năm công ty hoàn thành hàng nghìn chiếc chăn tơ tằm tự dệt, sản phẩm bán theo cân nặng, mỗi ki lô gam chăn có giá 4 triệu đồng. 

"Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, người tiêu dùng biết đến chăn tơ tằm nhiều hơn. Mặc dù cung không đủ cầu, song công ty vẫn giữ nguyên giá để nhiều người tiêu dùng được trải nghiệm, sử dụng sản phẩm chăn từ nguyên liệu tự nhiên, cao cấp”, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho hay.

Câu chuyện lan tỏa sản phẩm nón ở Làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) cũng là một ví dụ điển hình khi "lên đời" OCOP. Mặc dù là làng nghề truyền thống nhưng trước kia, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn; người làm nghề ở Làng Chuông cũng chưa biết cách xây dựng hình ảnh, thương hiệu riêng. 

Song từ khi tham gia Chương trình OCOP và đạt chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm nón lá đã được tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Nghệ nhân Lê Văn Tuy, chủ một hộ sản xuất nón tại làng Chuông chia sẻ, tham gia Chương trình OCOP, các hộ sản xuất nón lá được huyện hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại nên sản phẩm nón làng Chuông được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Hiện, nón lá làng Chuông đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc... Nhờ đó, hiệu quả kinh tế từ nghề làm nón cũng tăng lên nhiều lần.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Khiển thông tin: Thanh Oai có nhiều sản phẩm làng nghề nổi tiếng như giò chả Ước Lễ, tương Cự Đà, bánh cuốn Thanh Lương, nón làng Chuông… Tham gia Chương trình OCOP từ năm 2018, đến nay, huyện đã xây dựng, phát triển 57 sản phẩm OCOP, được đánh giá, xếp sao, chủ yếu là sản phẩm làng nghề. Thực tế, việc tham gia Chương trình OCOP đã giúp nhiều sản phẩm làng nghề, nông sản của Thanh Oai tăng giá trị và sức tiêu thụ. 

Hà Nội đẩy mạnh gắn sao OCOP cho sản phẩm làng nghề, người người biết tới - Ảnh 2.

Nổi danh từ bao đời, nón làng Chuông (Hà Nội) được nhiều thế hệ người Việt tin dùng vì sự chắc chắn, bền bỉ với thời gian và kiểu dáng đẹp. Ảnh: Duy Huy

Khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn

Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội luôn xác định mục tiêu triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP là nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. 

Đồng thời, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. 

Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình OCOP tại Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. 

Ông Nguyễn Văn Chí - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cũng nhận định, sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, TP đã tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm làng nghề nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Đến nay, TP. Hà Nội đã khai trương đi vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề. 

Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, có 2.167 sản phẩm OCOP của Thủ đô đã được công nhận, bằng khoảng 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, thông qua các sự kiện, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem