Giáo viên sang Lào dạy tình nguyện: Hy sinh tuổi xuân, lẽ nào nhận “kết đắng”?

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 26/07/2022 07:23 AM (GMT+7)
3 giáo viên chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân, tình nguyện sang Lào dạy học để khi trở về được xét tuyển đặc cách theo quyết định của tỉnh. Thế nhưng, khi hoàn thành nghĩa vụ, họ lại bị “bỏ rơi”!.
Bình luận 0

Hy sinh tuổi xuân nhưng nhận "kết đắng"!

Những ngày tháng 7, PV Dân Việt hỏi thăm 3 giáo viên tham gia giảng dạy ở nước bạn Lào xem sau hơn 1,5 năm hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, họ đã được đặc cách tuyển dụng chưa. Câu trả lời thật bất ngờ là họ không được đặc cách tuyển dụng mà phải thi tuyển bình thường.

Phan Thị Thuỳ Dung (SN 1990, trú thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, sau 4 năm theo học ở Đại học sư phạm Huế, năm 2012 Dung ra trường, làm việc ở văn phòng Trường THPT Bến Quan theo dạng hợp đồng.

Giáo viên sang Lào dạy tình nguyện: Hy sinh tuổi xuân, lẽ nào nhận “kết đắng”? - Ảnh 1.

Năm 2018, Phan Thị Thuỳ Dung (SN 1990, trú thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cùng 2 cô giáo khác chấp nhận hy sinh tuổi xuân sang Lào dạy học theo quyết định của UBND tỉnh để được xét tuyển đặc cách theo QĐ 10 của tỉnh Quảng Trị. Thế nhưng, khi trở về, Dung lại cay đắng vì không được đặc cách. Ảnh: Ngọc Vũ.

Hay tin UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định số 10/2014/QĐ ký ngày 27/2/2014 (gọi là QĐ 10) nên Dung xin phép gia đình, chấp nhận hy sinh tuổi xuân để tham gia.

QĐ 10 quy định, đối tượng được xét tuyển đặc cách là người được UBND tỉnh cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất 3 năm ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước.

Năm 2018, dù có 2 con nhỏ 3 tuổi và 1,5 tuổi nhưng Dung vẫn quyết tâm thuyết phục chồng ở nhà cố gắng nuôi con để mình đăng ký sang Lào dạy học.

Kết quả, Dung được UBND tỉnh Quảng Trị cử sang Lào dạy học. Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet phân công Dung dạy ở Trường trung học Hữu nghị Việt - Lào, ở tỉnh Savannakhet (Lào).

"Thấy vợ bỏ chồng, bỏ con sang tận Lào dạy học, nhiều người nói ra nói vào, có người còn chửi nhưng tôi vẫn quyết tâm, may mắn được chồng ủng hộ mới đi được", Dung nhớ lại.

Dung cho biết, điều kiện sinh hoạt, dạy học ở nước bạn Lào rất khó khăn. Những tháng đầu không đêm nào Dung yên giấc, gối đẫm nước mắt nhớ chồng, thương con. Nhưng nghĩ đến việc được giảng dạy cho học sinh, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, góp phần thắt chặt tình cảm hai nước Việt - Lào nên Dung và các giáo viên động viên nhau nỗ lực, cố gắng vượt khó giảng dạy, được đánh giá cao.

Khi các giáo viên đang miệt mài trên bục giảng thì dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp.

Giáo viên sang Lào dạy tình nguyện: Hy sinh tuổi xuân, lẽ nào nhận “kết đắng”? - Ảnh 3.

Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet có văn bản về việc 3 giáo viên đã thực hiện tốt việc giảng dạy trong 2 năm. Năm thứ 3 vì dịch Covid-19, cửa khẩu 2 nước chưa thông quan nên không thể tiếp nhận các cô giáo tiếp tục dạy. Như vậy, việc 3 cô giáo không thể dạy năm thứ 3 là do yếu tố khách quan, không phải lỗi của các cô giáo. Ảnh: Ngọc Vũ.

Vì vậy, ngày 18/3/2020, Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet đã đưa Dung cùng 2 cô giáo Nguyễn Thị Ý Nhi (dạy Ngữ văn trường trung học Hữu nghị Việt - Lào), Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (giáo viên dạy trường tiểu học Nguyễn Trãi – Seno, Lào) về nước.

Ngày 19/1/2021, Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet có văn bản số 719 cho biết, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được khống chế, việc đi lại rất khó khăn do cửa khẩu 2 nước chưa thông quan, rất khó để tiếp nhận 3 giáo viên trên trở lại Lào dạy học.

Theo Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, 3 giáo viên trên tham gia giảng dạy từ năm 2018, đến năm 2021 sẽ hoàn thành nghĩa vụ hợp tác quốc tế. Nhưng vì dịch bệnh, không thể tiếp tục giảng dạy nên Hội đã họp, đánh giá trong 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020, 3 giáo viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Trị xét tuyển đặc cách cho các cô. Thế nhưng, cho đến nay, 3 giáo viên kể trên vẫn chưa được tuyển đặc cách.

Bản thân Dung thời gian qua phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống. Điều này khiến Dung và các giáo viên luôn canh cánh tâm tư: "Hy sinh tuổi xuân thực hiện nghĩa vụ quốc tế, vì lý tưởng sống tốt đẹp, lẽ nào ngày trở về lại nhận kết đắng?".

Cần giải quyết có lý, có tình

Liên quan đến 3 giáo viên trên, Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị rất quan tâm, đã 2 lần gửi văn bản (văn bản số 197 ngày 1/2/2021 và văn bản số 1752 ngày 26/8/2021) đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu tuyển dụng cho các huyện, thị xã, thành phố để tuyển đặc cách cho 3 giáo viên.

Giáo viên sang Lào dạy tình nguyện: Hy sinh tuổi xuân, lẽ nào nhận “kết đắng”? - Ảnh 4.

Sự việc của 3 giáo viên được Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị rất quan tâm. Trước đó, bằng sự quyết liệt, vào cuộc của các cơ quan báo chí (trong đó có Báo Dân Việt đăng nhiều bài viết), cùng với chỉ đạo có lý, có tình của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (Dân Việt đã có bài Vụ giáo viên sang Lào dạy 3 năm nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về: Đã có phương án xử lý), 11 giáo viên tham gia giảng dạy tại Lào đã được tuyển dụng, đảm bảo quyền lợi, xứng đáng với sự hy sinh của họ. Trước đó, 11 giáo viên này cũng lâm vào tình trạng tương tự 3 giáo viên hiện tại khi vướng QĐ 31.

Ngày 27/10/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì cuộc họp với nhiều sở, ban, ngành, địa phương và kết luận: "Đối với 3 giáo viên đã hoàn thành giảng dạy 2 năm tại nước Lào (được Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, Lào đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, xem như đã hoàn thành nghĩa vụ, do dịch Covid-19 nên năm thứ 3 không thực hiện việc giảng dạy được), giao Sở Nội vụ phân bổ chỉ tiêu để các huyện, thành phố, thị xã thực hiện quy trình tuyển dụng vào viên chức sự nghiệp giáo dục".

Tuy nhiên, đến nay 3 giáo viên vẫn chưa được tuyển dụng đặc cách. Gần đây nhất ngày 16/6/2022, họ chỉ nhận được thông báo của Sở GDĐT tỉnh rằng, hãy liên hệ với Phòng Nội vụ TP Đông Hà để biết thông tin tuyển dụng.

Trả lời PV Dân Việt, ông Trần Hữu Anh – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết, trước đây, theo Nghị định 29/2012 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành và thực hiện QĐ 10. Vì vậy, các giáo viên tình nguyện sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy 3 năm học tại Lào sẽ được ưu tiên tuyển dụng đặc cách khi có chỉ tiêu biên chế tại các địa phương.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 161/2018 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành quyết định 31/2019/QĐ-UBND ngày 9/7/2019 (gọi là QĐ 31) để thay thế QĐ 10. Theo đó, các giáo viên hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy tại Lào không nằm trong diện được xét tuyển đặc cách.

Giáo viên sang Lào dạy tình nguyện: Hy sinh tuổi xuân, lẽ nào nhận “kết đắng”? - Ảnh 6.

Kết luận số 178 ngày 8/11/2021 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam chỉ đạo Sở Nội vụ phân bổ chỉ tiêu để các huyện, thành phố, thị xã thực hiện quy trình tuyển dụng vào viên chức sự nghiệp giáo dục với 3 giáo viên trên. Tuy nhiên Sở Nội vụ cho rằng không thể thực hiện vì vướng Nghị định 161, QĐ 31 và Nghị định 115. Ảnh: Ngọc Vũ

Ông Anh cho hay, theo quy định các giáo viên này phải dạy đủ 3 năm, nhưng họ chỉ dạy được 2 năm. Nhưng dù các giáo viên có dạy đủ 3 năm thì theo Nghị định 115/2020 ban hành ngày 25/9/2020 của Chính phủ họ cũng không đủ điều kiện được tuyển dụng đặc cách. Cụ thể, tại điều 13 Nghị định 115 không nêu đối tượng được đặc cách mà chỉ được xem xét tiếp nhận vào làm viên chức. Tuy nhiên, muốn được tiếp nhận vào làm viên chức phải đúng đối tượng và có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo ông Anh, Sở Nội vụ, UBND tỉnh Quảng Trị phải thực hiện nghị định 115, nếu không sẽ bị tuýt còi.

Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương, khi tuyển dụng thì thông báo đến 3 giáo viên nêu trên và thực hiện tuyển dụng bình thường, không đặc cách.

Trong khi chờ được đặc cách tuyển dụng, Phan Thị Thuỳ Dung vẫn hàng ngày chạy đôn chạy đáo làm nhiều việc để kiếm tiền nuôi con. Và đương nhiên, Dung, Nhi, Thuỷ - những cô gái đã chấp nhận hy sinh tuổi xuân để thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả vẫn ngày đêm mong mỏi UBND tỉnh, các cơ quan chức xem xét một cách có lý, có tình để họ đỡ thiệt thòi.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định: "Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó có hiệu lực".

Điều này có nghĩa, việc bãi bỏ chính sách đặc cách xét tuyển (QĐ 31) chỉ có hiệu lực áp dụng đối với những trường hợp giáo viên tự nguyện giảng dạy tại Lào sau khi QĐ 31 có hiệu lực. Trong khi đó, các giáo viên qua Lào dạy học vào năm 2018, trước khi QĐ 31 được ban hành (ngày 9/7/2019).

Phan Thị Thuỳ Dung chia sẻ nỗi buồn của mình khi hy sinh tuổi xuân sang Lào dạy tình nguyện, thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế nhưng khi trở về lại không được UBND tỉnh Quảng Trị xét tuyển đặc cách như QĐ 10. Clip: Ngọc Vũ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem