Vụ giáo viên sang Lào dạy tình nguyện 3 năm nhận “kết đắng”: Không thể đem con bỏ chợ

Ngọc Vũ - Bảo Yến Thứ bảy, ngày 11/07/2020 07:02 AM (GMT+7)
Nhiều luật sư cho rằng tỉnh Quảng Trị phải có trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên qua nước bạn Lào giảng dạy tình nguyện 3 năm theo quyết định số 10/2014/QĐ-UBND tỉnh Quảng Trị ký ngày 27/2/2014, không thể “đem con bỏ chợ”.
Bình luận 0

Quyết định 31 bị thiếu sót

Ngày 9/7, Dân Việt có bài viết Tình nguyện sang Lào dạy 3 năm, giáo viên nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về.

Vụ giáo viên sang Lào dạy tình nguyện 3 năm nhận “kết đắng”: Không thể đem con bỏ chợ - Ảnh 1.

Các giáo viên thất vọng vì sau 3 năm giảng dạy tình nguyện ở Lào trở về, họ nhận thông báo số 31, không được xét tuyển đặc cách.

Bài báo phản ánh nhiều giáo viên tình nguyện qua Lào dạy học, chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân, lên đường với niềm tin, khi trở về, họ sẽ được xét tuyển đặc cách theo quyết định số 10/2014/QĐ-UBND tỉnh Quảng Trị ký ngày 27/2/2014 (gọi tắt là QĐ 10).

Tại khoản 1, điều 16, QĐ 10 quy định, đối tượng được xét tuyển đặc cách là người được UBND tỉnh cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất 3 năm ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước.

Tuy nhiên, ngày 9/7/2019, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định số 31/2019/QĐ-UBND (gọi là QĐ 31) để bãi bỏ QĐ 10. Các giáo viên dù đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy 3 năm ở nước Lào, nhưng không được xét tuyển đặc cách.

Liên quan vấn đề trên, luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng QĐ 31 bãi bỏ QĐ 10, nhưng việc bãi bỏ này không đồng nghĩa với việc chấm dứt các quyền lợi được xét tuyển đặc cách vào viên chức mà những giáo viên đã tiến hành giảng dạy tại Lào trước đó.

Luật sư cho biết theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định: "Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó có hiệu lực".

Điều này có nghĩa những giáo viên đã hoàn thành chương trình giảng dạy trước đó hoàn toàn có quyền được hưởng chế độ đặc cách khi xét tuyển theo QĐ 10. Việc bãi bỏ chính sách đặc cách xét tuyển này chỉ có hiệu lực áp dụng đối với những trường hợp giáo viên tự nguyện giảng dạy tại Lào sau khi QĐ 31 có hiệu lực.

Vụ giáo viên sang Lào dạy tình nguyện 3 năm nhận “kết đắng”: Không thể đem con bỏ chợ - Ảnh 2.

Phạm Minh Hạnh buồn bã khi hoàn thành 3 năm tình nguyện dạy ở Lào, trở về thì biết QĐ 31 không còn xét tuyển đặc cách cho cô.

Trong trường hợp bị từ chối thực hiện việc đặc cách với lý do áp dụng quy định tại QĐ 31 của UBND tỉnh, những giáo viên này có thể khiếu nại, hoặc khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc tiếp nhận này để yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền bố trí, sắp xếp công việc theo đúng nội dung QĐ 10.

Trong trường hợp không thể sắp xếp, bố trí công việc, phải có cơ chế bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong QĐ 31 có thiếu sót khá lớn khi thiếu quy định về điều khoản chuyển tiếp trong một văn bản quy phạm pháp luật. Điều khoản chuyển tiếp này rất quan trọng để quy định, giải quyết quyền lợi đối với những người đã hoàn thành việc thực hiện chính sách khi QĐ 10 có hiệu lực. Thiếu đi điều khoản này sẽ dễ dẫn đến việc những cá nhân, tổ chức có liên quan khi thi hành chính sách hiểu sai về việc thực hiện chính sách pháp luật.

Không thể "đem con bỏ chợ"

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng những giáo viên tình nguyện sang Lào để tham gia giảng dạy theo lời kêu gọi của UBND tỉnh Quảng Trị và có sự cam kết sau khi hoàn thành 3 năm trở về, sẽ thuộc diện đặc cách xét tuyển vào viên chức ở các đơn vị sự nghiệp, là những trường học phù hợp với vị trí việc làm thuộc tỉnh Quảng Trị. Do đó, QĐ 10 mặc dù đã được bãi bỏ bởi QĐ 31, nhưng tỉnh Quảng Trị vẫn phải có trách nhiệm giải quyết vị trí việc làm phù hợp cho những giáo viên này, không thể "đem con bỏ chợ".

Vụ giáo viên sang Lào dạy tình nguyện 3 năm nhận “kết đắng”: Không thể đem con bỏ chợ - Ảnh 3.

Quyết định cử giáo viên tình nguyện sang Lào dạy học của UBND tỉnh Quảng Trị.

Trường hợp tỉnh Quảng Trị không giải quyết thỏa đáng, những giáo viên này có thể khởi kiện UBND tỉnh Quảng Trị ra tòa án có thẩm quyền, yêu cầu bồi thường thiệt hại (có thể là những thiệt hại về cơ hội, tinh thần đã hi sinh thời gian xa nhà…), nếu có.

Luật sư Trần Đức Anh - Trưởng phòng Văn phòng luật sư Trần và cộng sự (TP.Đông Hà, Quảng Trị) cho biết, khi nghị định 161 có hiệu lực, QĐ 10 mới hết hiệu lực.

Việc các giáo viên qua Lào dạy học theo QĐ 10 đã được thực hiện. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị phải đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên qua Lào trong thời gian QĐ 10 còn hiệu lực.

"Dựa theo QĐ 10, các giáo viên mới tình nguyện qua Lào dạy học để khi trở về họ được xét tuyển đặc cách. Họ có quyết định cử đi Lào giảng dạy của UBND tỉnh. Vì vậy, về lý, về tình và theo quy định, họ đương nhiên phải được hưởng quyền lợi của mình", luật sư Trần Đức Anh cho hay.

Luật sư Lê Tấn Phong - Trưởng phòng Văn phòng luật sư Thiên Phong (TP.Đông Hà, Quảng Trị) cho rằng, các giáo viên trẻ đã đăng ký tình nguyện sang nước bạn Lào dạy học dựa vào chủ trương của UBND tỉnh, theo nội dung QĐ 10, với mong muốn khi trở về sẽ được ưu tiên đặc cách vào biên chế qua hình thức xét tuyển. Việc họ đi vừa mong muốn quyền lợi cá nhân, vừa góp phần giúp tỉnh nhà trong việc thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet. Vì vậy, dù chính sách có thay đổi,  UBND tỉnh nên xem xét theo nội dung QĐ 10 để bảo đảm quyền lợi cho họ.

Ông Hồ Ngọc An - Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị cho biết Sở sẽ tổ chức cuộc họp có sự tham gia của Sở Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thị, thành phố để tìm, thống nhất phương án tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho những giáo viên sang Lào giảng dạy theo QĐ 10.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem