GS Nguyễn Anh Trí: Giải pháp nào cho "cơn khát" thuốc, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện công?

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 13/06/2022 06:30 AM (GMT+7)
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam đã có những trao đổi thẳng thắn với PV Dân Việt trước "cơn khát" thuốc và trang thiết bị y tế tại bệnh viện công hiện nay khiến nhiều người bệnh bị ảnh hưởng.
Bình luận 0

Hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát ở nước ta, nhưng lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám chữa bệnh đang tăng nhanh. Tại nhiều bệnh viện công đang diễn ra thực trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Nguyên nhân được cho là do các bệnh viện đang gặp nhiều vướng mắc dẫn tới chậm đấu thầu mua sắm. 

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

GS Nguyễn Anh Trí: Giải pháp nào giải quyết "cơn khát" thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện công? - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam phát biểu tại Nghị trường Quốc hội. Ảnh: NVCC

Thiếu thuốc, thiết bị y tế: "Mọi thiệt thòi đang đổ lên sinh mạng của người bệnh"

Thưa GS. Nguyễn Anh Trí, hiện nay, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang xảy ra ở nhiều nơi khiến người bệnh phải ra ngoài mua sắm để chữa trị với giá cao. Là người gắn bó công tác trong ngành y suốt bao năm qua, ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

- Đúng là có thực tế tại các bệnh viện công trên toàn quốc xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm, thậm chí thiếu cả thiết bị y tế. Điều này đã được báo chí, xã hội lên tiếng.

Thiếu thuốc men, sinh phẩm, vật tư y tế khiến máy móc thiết bị có nơi phải đắp chiếu dẫn đến hậu quả xấu trong hoạt động khám chữa bệnh của tất cả các bệnh viện. 

Mọi thiệt thòi đang đổ lên sinh mạng của người bệnh: không được khám chữa kịp thời, phải mua thuốc men ở ngoài đắt đỏ và không đảm bảo chất lượng… Và tôi rất đau lòng khi phải chứng kiến những điều đó.

GS Nguyễn Anh Trí: Giải pháp nào giải quyết "cơn khát" thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện công? - Ảnh 2.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, mọi thiệt thòi đang đổ lên sinh mạng của người bệnh: không được khám chữa kịp thời, phải mua thuốc men ở ngoài đắt đỏ và không đảm bảo chất lượng... Ảnh người nhà bệnh nhân chạy thận ở Hà Nội phải mua thuốc thay thế khi loại thuốc cần đang bị hết. Ảnh: Gia Khiêm

Theo Giáo sư, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do đâu?  Liệu có bị tác động từ một số vụ bê bối trong ngành y liên quan đến đấu thầu thiết bị, vật tư y tế gần đây khiến nhiều người có tâm lý sợ sai dẫn đến tình trạng này?

- Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi có mấy nguyên nhân chủ yếu sau:

Trước hết như mọi người thấy, ngành y đang như trong cơn bão vì bê bối của việc mua sắm test kit từ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á dẫn đến một loạt những cán bộ từ cấp phó khoa, trưởng khoa, lên giám đốc, Vụ trưởng, Cục trưởng, Thứ trưởng và cả Bộ trưởng Bộ Y tế đang bị điều tra làm rõ. "Cơn bão" này cũng ảnh hưởng đến tâm tư, suy nghĩ của cán bộ y tế, nhất là những người làm quản lý, lãnh đạo.

Có thể nhiều người cho rằng cán bộ y tế sợ nên "không dám" làm. Với tôi nói vậy chỉ đúng bề ngoài mà không đủ, không thấy được bản chất của vấn đề. Nếu xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy không đơn giản là sợ, mà họ đã thấy trong luật pháp vẫn có nhiều chỗ chưa chặt, chưa rõ, chưa đầy đủ. Nghĩa là hành lang pháp lý để mua sắm, thậm chí là để làm các dịch vụ y tế là còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp, chưa đảm bảo sự an toàn để làm. Chính vì vậy mà họ đã "không dám" làm liều nữa.

Thêm nữa là quá trình mua sắm hóa chất, sinh phẩm, thuốc men, trang thiết bị y tế đang bị đứt gãy nghiêm trọng. Hội đồng xét thầu thì thấy rõ chưa an toàn nên chùn tay; rồi hầu hết các đơn vị thẩm định thầu hiện nay họ không làm việc nữa, hoặc họ tạm "nghỉ" để nghe ngóng; và cuối cùng cơ quan phê duyệt như Sở y tế, nhất là Bộ Y tế thì đang lao đao trong "cơn bão" sai phạm ngành y nên hầu như việc phê duyệt đang bị đóng băng.

GS Nguyễn Anh Trí: Giải pháp nào giải quyết "cơn khát" thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện công? - Ảnh 3.

Thuốc cho bệnh nhân ung thư được người thân mua bên ngoài nhà thuốc với giá hơn 2 triệu đồng. Ảnh: Gia Khiêm

"Vẫn còn gần nửa triệu cán bộ y tế đang miệt mài làm việc vì sức khỏe người bệnh"

Giáo sư đánh giá như thế nào về đội ngũ cán bộ quản lý hiện tại trong ngành y? 

- Tôi thấy, cán bộ y tế đã được cử làm quản lý thì hầu hết là họ không kém và cũng không phải ai cũng xấu cả. Tuy nhiên vì nhiều lý do, như chưa quen làm quản lý, rồi chưa nắm vững những quy định về luật pháp mà vẫn "hăng hái" làm; rồi do áp lực phải "cứu bệnh như cứu hỏa", "chống dịch như chống giặc" nên vội vàng làm, làm liều; và không ngoại trừ có người lợi dụng kẽ hở của luật pháp để tư túi, xà xẻo, gian lận… khiến để xảy ra sai trái và bị vướng vào vòng lao lý.

Theo Giáo sư, trước tình hình báo động về thiếu thuốc men, vật tư y tế ở các bệnh viện công như hiện nay, cần có những biện pháp cấp bách nào?

- Theo tôi, Chính phủ cần vào cuộc sớm để hướng dẫn, tạo điều kiện, chỉ ra những việc để cán bộ quản lý ngành y tế thấy được việc tốt, việc đúng nên làm và phải làm ngay, còn việc xấu, việc sai trái phải tránh ngay.

GS Nguyễn Anh Trí: Giải pháp nào giải quyết "cơn khát" thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện công? - Ảnh 4.

Một người nhà bệnh nhân bị ung thư cho biết, chi phí mua thuốc bên ngoài khá tốn kém và lo lắng khi thuốc trong danh mục BHXH chi trả bị thiếu. Ảnh: Gia Khiêm

Các cơ quan quản lý từ cấp Bộ đến Chính phủ cần phải dựa vào Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 21 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để nhanh chóng bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh các quy định bảo đảm sự yên tâm cho cán bộ ngành y triển khai việc mua sắm để có thuốc men, vật tư y tế phục vụ ngay cho người bệnh.

Còn về lâu dài thì phải rà soát tất cả hệ thống pháp luật, như Luật Khám chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Y học dự phòng; thậm chí các văn bản dưới luật như các thông tư về xã hội hóa, về tự chủ bệnh viện… nếu thấy chỗ nào chưa phù hợp với thực tiễn, thậm chí còn kẽ hở thì phải sửa thật hết, thật triệt để nhằm tạo ra một hành lang pháp lý đúng, đủ, rõ, dễ thực hiện. 

Dựa vào đó, đội ngũ cán bộ quản lý trong ngành y yên tâm khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, nó còn làm cho những người làm công tác quản lý nếu có lòng tham, người có ý định tư túi cũng không có cơ hội, không dám vi phạm, bởi nếu thực hiện hành vi sai trái thì phải trả giá rất đắt.

Để cán bộ ngành y vững tâm vượt qua khó khăn sóng gió, phục vụ người bệnh được tốt hơn, theo ông cần làm những gì?

- Trong giai đoạn này, Đảng, Chính phủ và các Bộ ngành phải động viên, chia sẻ với những khó khăn trong công việc của cán bộ y tế, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc để cán bộ y tế yên tâm làm việc.

Đối với nhân dân, xã hội, cộng đồng cũng phải hết sức thấu hiểu, chia sẻ với ngành y lúc này. Biết là nhiều cán bộ quản lý ngành y tế đã làm sai, vướng vào lao lý, nhưng nên nhớ vẫn còn gần nửa triệu cán bộ y tế đang miệt mài làm việc vì sức khỏe người bệnh. Tôi muốn nói rất thật là sự chia sẻ với ngành y lúc này là vô cùng cần thiết, để những cán bộ quản lý trong ngành bình tâm trở lại, yên tâm làm việc. 

Suy cho cùng, lợi ích cho người bệnh vẫn là trên hết. Nếu để cán bộ quản lý ngành y còn lo lắng, ngần ngại như hiện nay thì tác hại, ảnh hưởng lớn nhất vẫn là đến người bệnh. Vì vậy, chúng ta cần phải chung tay giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để cán bộ y tế bình tâm trở lại, yên tâm mà làm việc, mà đóng góp vào công tác khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn GS.TS - AHLĐ Nguyễn Anh Trí về những chia sẻ này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem