Giá bò thịt 'lao dốc' chỉ còn 70.000 đồng/kg, người chăn nuôi chán nản giảm đàn, vì đâu nên nỗi?

Bình Minh Thứ bảy, ngày 26/08/2023 06:01 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, nhiều hộ chăn nuôi bò cho biết, nếu như trước đây giá bò thịt đạt 90.000 - 95.000 đồng/kg, cao điểm giá bò hơi có lúc 110.000 đồng/kg thì từ năm 2022 đến nay, giá bò thịt đã giảm xuống chỉ còn 70.000 - 83.000 đồng/kg.
Bình luận 0

Giá bò thịt "lao dốc"

Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong nuôi bò vỗ béo nhưng thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Duyên ở thôn Tân Mỹ 2, xã Phú Cường, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) đã phải giảm đàn. Ông Duyên cho biết, nhiều năm chăn nuôi bò thịt nhưng chưa bao giờ thấy giá bò thịt xuống thấp như bây giờ. 

Từ năm 2022 về trước, giá bò hơi thường xuyên dao động khoảng 90.000 - 95.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 110.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây giá bò thịt liên tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 80.000 - 83.000 đồng/kg. 

Năm 2022, ông Duyên mua bò giống giá cao, đến khi xuất chuồng giá bò thịt lại rẻ nên gần như không có lãi. Trước đây, mỗi năm nhà ông nuôi trên 20 con bò 3B (BBB) nhưng nay chỉ còn 15 con vì nuôi càng nhiều, càng lỗ.

Giá bò thịt giảm mạnh xuống chỉ còn 70.000 đồng/kg, người chăn nuôi chán nản giảm đàn - Ảnh 1.

Từ đầu 2022 đến nay, giá thịt bò giảm mạnh, tại Hà Tĩnh xuống còn 70.000 đồng/kg. Ảnh: Trần Quang

Còn anh Đào Văn Hóa ở thôn Kệ Châu 1, xã Phú Cường thì cho biết, so với các con vật nuôi khác thì nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, trước đây, khi thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao, gia đình anh đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, nuôi trên 30 con bò thịt, trừ chi phí cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, giá bò thịt giảm mạnh nên gia đình anh Hóa chỉ còn nuôi 27 con.

"Tôi chủ yếu sử dụng nguồn thức ăn cho đàn bò từ rơm rạ, cỏ, phụ phẩm nông nghiệp ở địa phương, chỉ thỉnh thoảng mới “vỗ béo” bằng vài bao cám chứ nếu nuôi thẳng bằng thức ăn công nghiệp là lỗ nặng" - anh Hóa buồn bã nói.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên) cho biết, nguyên nhân khiến giá bò thịt giảm mạnh một phần là do hiện nay, lượng bò nhập ngoại về tiêu thụ trong nước khá nhiều. Việc giá bò hơi xuống thấp kéo dài đã khiến nông dân gặp không ít khó khăn và phải giảm đàn.

Theo tính toán của nhiều hộ chăn nuôi, một con bò 3B nuôi từ 12 đến 14 tháng được xuất chuồng đạt trọng lượng trung bình khoảng 500kg. Với chi phí giống từ 18 - 25 triệu đồng, thức ăn 18 triệu đồng, chi phí thuê nhân công, điện, nước, thuốc thú y… thì giá bán bò thịt phải đạt mức 85.000 đồng/kg trở lên mới đủ trang trải các chi phí. Còn khi bán với giá 80.000 đồng/kg thì mỗi con bò thu được 40 triệu đồng, người chăn nuôi sẽ lỗ từ 2 - 5 triệu đồng/con.

Giá bò thịt giảm mạnh xuống chỉ còn 70.000 đồng/kg, người chăn nuôi chán nản giảm đàn - Ảnh 2.

6 tháng đầu năm 2023, giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 626 triệu USD. Ảnh minh họa

Tại tỉnh Hà Tĩnh, gần 6 năm chăn nuôi bò nhưng vì mức giá giảm quá thấp nên năm nay, gia đình ông Phạm Văn Minh, thôn Hương Long, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà đã phải giảm 1/2 đàn vật nuôi.

Ông Minh cho hay, nhiều năm chăn nuôi cung cấp bò thịt nhưng chưa bao giờ thấy giá bò rẻ như bây giờ. Giá bò hơi những năm trước khoảng 90.000 - 95.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 110.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, giá chỉ còn khoảng 70.000 đồng/kg. 

Theo ông Minh, năm 2022, ông mua bò giống giá cao, bán ra lại rẻ nên gần như không có lãi. Trước đây, mỗi năm gia đình ông nuôi 23 - 25 con bò 3B nhưng nay chỉ còn 12 con vì nuôi càng nhiều, càng dễ thua lỗ.

Ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cũng cho rằng, nguyên nhân khiến giá bò giảm mạnh một phần là do hiện nay, lượng bò nhập ngoại khá nhiều. 

Số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã chi 1,67 tỉ USD (giảm 10%) để nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 626 triệu USD.

Còn theo Bản tin thị trường nông lâm thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhập khẩu thịt những tháng đầu năm 2023 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đơn cử tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu 57.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 109 triệu USD.

Các chủng loại thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu trong tháng 5/2023 gồm thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm, thịt trâu tươi đông lạnh. Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt heo và thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, thời gian tới, ngành chăn nuôi vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: dịch bệnh trên đàn vật nuôi còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao.

Đặc biệt, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 15 hiệp định thương mại tự do đã ký và có hiệu lực thì áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước sẽ càng gia tăng. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu xuất vào thị trường Việt Nam.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem