Chăn nuôi bò sữa nông hộ tại TP.HCM - bài 2: Ngành bò sữa lục tục dạt ra vùng ven

Quang Sung - Trần Đáng Thứ hai, ngày 22/05/2023 07:00 AM (GMT+7)
Tốc độ đô thị hóa nhanh, mất đồng cỏ, tiêu chuẩn môi trường ngày một cao… khiến đàn bò sữa đang dần bị đẩy ra vùng ven TP.HCM.
Bình luận 0

Không chỉ số lượng đàn bò sữa giảm mạnh, mà phạm vi chăn nuôi bò sữa có xu hướng dịch chuyển dần ra các khu vực vùng ven. Đây được cho là hệ quả của quá trình đô thị hóa nhanh, mất quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là những đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa.

Chăn nuôi bò sữa dạt ra vùng ven

Huyện Hóc Môn trước kia nổi tiếng với nghề chăn nuôi bò sữa, nhưng bây giờ số lượng người nuôi bò sữa còn rất ít. Tính đến 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện có 1.112 hộ nuôi bò sữa với tổng đàn hơn 11.000 con.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ tại TP.HCM - bài 2: Ngành chăn nuôi bò sữa lục tục dạt ra vùng ven - Ảnh 1.

Ngành chăn nuôi bò sữa tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh bị ảnh hưởng sâu sắc. Ảnh: Quang Sung

Cùng với chương trình phát triển nông thôn mới, tốc độ đô thị hóa nhanh làm cho đàn bò sữa tại Hóc Môn dần "mất dấu". Nhiều con đường mới, khu dân cư mới được hình thành. Người dân cũng dần chuyển sang làm kinh doanh, dịch vụ, với thu nhập khá hơn nghề nuôi bò sữa.

Ông Võ Thành Thuận - hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Đông Thạnh còn bám nghề cho biết, trên địa bàn xã trước kia số lượng người nuôi bò sữa khá đông. Đến nay, do khó khăn về nguồn thức ăn, dẫn đến thu nhập không cao nên nhiều người bỏ nghề.

"Nhiều người chăn nuôi bò sữa mấy chục năm, giờ thấy không có lời nên không nuôi nữa. Nhờ số vốn tích lũy lâu nay từ nuôi bò sữa, họ chuyển sang kinh doanh, đi làm hồ, công nhân…", ông Thuận thổ lộ.

Tại huyện Củ Chi, số lượng những hộ chăn nuôi bò sữa cũng giảm nhanh chóng, đặc biệt là tại các xã có tốc độ đô thị hoá cao. 

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tại xã Tân Thông Hội, những hộ chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư đang thưa thớt dần, nhiều chuồng bò bỏ trống. Thay vào đó, một vài hộ nuôi bò sữa đã di dời trang trại ra khu vực ven thành phố.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ tại TP.HCM - bài 2: Ngành chăn nuôi bò sữa lục tục dạt ra vùng ven - Ảnh 3.

Di chuyển đàn bò ra vùng ven là xu hướng tất yếu. Ảnh: Quang Sung

Các vùng ven này có lợi thế về đồng cỏ và không gian chăn thả đàn bò. Đồng thời, đây là những khu vực dân cư tương đối ít, nên vấn đề môi trường trong chăn nuôi dễ thở hơn khi chăn nuôi trong đô thị.

Theo UBND huyện Củ Chi, đang có xu hướng đàn bò sữa của huyện ở các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, như Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân Thạnh Đông, Bình Mỹ… ra các xã còn quỹ đất nông nghiệp lớn, như Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, An Nhơn Tây, Thái Mỹ…

Lo chuyển hướng quy hoạch

Việc chuyển hướng, đưa hoạt động chăn nuôi bò sữa ra các vùng ven là giải pháp nhằm giải quyết vấn đề về thức ăn và môi trường trong chăn nuôi. Định hướng này phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp TP.HCM theo hướng đô thị, sinh thái bảo vệ cảnh quan và môi trường.

Nhưng việc chuyển hướng đưa hoạt động chăn nuôi bò sữa ra các xã vùng ven cần một quá trình lâu dài. Trong đó cần giải quyết câu chuyện giữa người chăn nuôi và đàn bò của họ.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ tại TP.HCM - bài 2: Ngành chăn nuôi bò sữa lục tục dạt ra vùng ven - Ảnh 4.

Đồng cỏ nói riêng và thức ăn nói chung là vấn đề lớn đặt ra với những hộ chăn nuôi bò sữa hiện nay tại TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

"Cái khó trong việc đưa chăn nuôi bò sữa ra khu vực vùng ven là giải quyết công tác quy hoạch sao cho hợp lý. Bởi vì trang trại phải gắn liền với người chăn nuôi, không thể nhà ở một nơi, chuồng ở một nẻo", Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết.

Do đó, hiện nay tại huyện Củ Chi, đối với những xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, huyện vẫn cho phép nuôi bò sữa, nhưng không khuyến khích tăng đàn. Đồng thời, các hộ chăn nuôi phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, vệ sinh theo yêu cầu.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ tại TP.HCM - bài 2: Ngành chăn nuôi bò sữa lục tục dạt ra vùng ven - Ảnh 5.

Tại vùng xa dân cư, phân bò được đưa vào hố chứa tận dụng làm nước tưới cỏ. Ảnh: Quang Sung

"Việc nuôi bò sữa tại các khu đông dân cư phải đảm bảo các yếu tố về vệ sinh môi trường. Nếu có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý", ông Đức khẳng định.

Ông Đức cho biết thêm, trong quá trình dịch chuyển đàn bò sữa ra khu vực vùng ven sẽ có một số hộ chăn nuôi bò sữa bỏ nghề. Do đó, huyện Củ Chi cũng đã nghiên cứu, tạo điều kiện để chuyển dịch các mô hình chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất nông nghiệp khác, như nuôi cá cảnh, nuôi lươn, trồng lan, trồng rau, trồng nấm… Hoặc tăng cường dạy nghề phi nông nghiệp cho các hộ này.

Còn nữa...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem