Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu: Ghi nhận nỗ lực của Việt Nam chống đánh bắt cá bất hợp pháp

M.H. Thứ năm, ngày 23/02/2023 20:51 PM (GMT+7)
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu David McAllister khẳng định: Việt Nam là đối tác quan trọng của EU trong khu vực. Với vai trò quan trọng của Việt Nam trong ASEAN, EU xem Việt Nam là cửa ngõ tới Châu Á, có thể thúc đẩy các mối quan hệ quan trọng của EU trong khu vực.
Bình luận 0

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu David McAllister đã có chuyến thăm Indonesia và Việt Nam trong các ngày 20– 23/2 nhằm tăng cường quan hệ giữa EU với các quốc gia, giữa EU – ASEAN và hiện thực hóa quan hệ mới nâng tầm lên đối tác chiến lược giữa hai bên.

Trong 2 ngày ở thăm Việt Nam, ông David McAllister đã gặp lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Đảng, thảo luận về các vấn đề chính trị, an ninh quốc phòng, biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, nhân quyền…

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu: Ghi nhận nỗ lực của Việt Nam chống đánh bắt cá bất hợp pháp - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu David McAllister (phải) và Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti (trái). Ảnh: M.H.

EU đánh giá cao việc Việt Nam viện trợ nhân đạo cho Ukraine

Gặp gỡ báo chí chiều 23/2, ông McAllister nhấn mạnh: "Việt Nam là đối tác quan trọng của EU trong khu vực. Với vai trò quan trọng của Việt Nam trong ASEAN, EU xem Việt Nam là cửa ngõ tới Châu Á, có thể thúc đẩy các mối quan hệ quan trọng của EU trong khu vực.

Việt Nam là một trong 2 quốc gia có hiệp định thương mại tự do FTA với EU. Với FTA đã được ký kết, thực thi, quan hệ hai bên thúc đẩy rất nhiều. Từ năm 2020 thương mại hai bên đã tăng trưởng đáng kể, FTA cũng thúc đẩy quan hệ trong các lĩnh vực từ kinh tế thương mại đến đầu tư và mối quan hệ đã được cải thiện".

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu cho biết, qua các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo và quan chức Việt Nam, ông đã thảo luận vấn đề chính trị an ninh, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị biến động gần đây. 

Ông cho rằng cuộc chiến ở Châu Âu có ảnh hưởng đến cấp độ toàn cầu, gây khủng hoảng lương thực, năng lượng rộng khắp, đe dọa an ninh toàn cầu  và đặt ra những bất ổn với an ninh khu vực. "Chúng tôi muốn thúc đẩy cách tiếp cận mà các quốc gia cùng chúng tôi sẽ bảo vệ cho một hệ thống đa phương – trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tôn trọng Hiến chương LHQ. Chúng tôi đánh giá cao việc Việt Nam viện trợ nhân đạo cho Ukraine" – ông nói.

Tại khu vực Biển Đông, Nghị sĩ McAllister cho biết, EU thấy được những vấn đề ở đây và đặc biệt việc duy trì tự do hàng hải hàng không quan trọng thế nào. Ông nhấn mạnh: "Việt Nam đang đóng góp quá trình này trong khuôn khổ ASEAN. Chúng tôi hoan nghênh tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông COC. Việc duy trì hòa bình ổn định, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự tôn trọng hệ thống đa phương và hệ thống dựa trên luật lệ mà tôi đã nêu.  Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong tuyến hàng hải, nếu có vấn đề gì ở đây các quốc gia khác cũng sẽ bị ảnh hưởng".

Ông McAllister cũng đánh giá cao việc Việt Nam cử sĩ quan tham gia phái bộ huấn luyện tại Cộng hòa Trung Phi, cho rằng đây là đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực của EU trong các vấn đề an ninh mạng, an ninh hàng hải và quản lý khủng hoảng.

Ủng hộ Việt Nam chuyển đổi năng lượng

Về chuyển đổi xanh và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu và môi trường, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu ghi nhận ở Việt Nam, đất nước có bờ biển 3.200km có nguy cơ chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ông hoan nghênh cam kết của VIệt Nam về đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"EU sẽ cùng các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi bền vững, chuyển đổi xan, từ năng lượng hóa thạch sang nguồn nhiện liệu sạch" – ông khẳng định.  Tháng 10/2022, nhóm các nước đối tác trong đó có EU đã ký với Việt Nam thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JEPT) với số vốn 15 tỉ USD giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng.  

Về chủ đề quyền con người, Nghị sĩ McAllister nhấn mạnh: Việc tôn trọng quyền con người là nền tảng thúc đẩy quan hệ và là một thành tố quan trong trọng quan hệ Việt Nam – EU. Ông cho rằng cơ chế đối thoại nhân quyền 2 bên đã có rất quan trọng và hy vọng cơ chế sẽ đem lại những kết quả về vấn đề này.

Ông cũng cho biết, EU trông đợi Hiệp định bảo hộ đầu tư EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực. EU thúc giục các thành viên EU phê chuẩn hiệp định. Đến giờ có 12 thành viên thông qua. HIệp định này cũng sẽ có lợi cho các công ty EU đầu tư tại Việt Nam – ông nói.

EU sẽ tiếp tục xem xét vấn đề thẻ vàng thủy sản

Về việc gỡ bỏ thẻ vàng thủy sản, Nghị sĩ McAllister ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, kể cả những cam kết chính trị, các luật lệ liên quan. Một phái đoàn của EU đã tới Việt Nam tháng 10/2022 để đánh giá việc thực thi các nỗ lực chống đánh bắt cá bất hợp pháp, và việc đánh giá lại sẽ được thực hiện năm nay. Ông cho biết, khi trở lại Brussels, ông sẽ thảo luận với quan chức EU phụ trách vấn đề thẻ vàng thủy sản với Việt Nam.

Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nói thêm rằng, ông đã tham gia phái đoàn tháng 10/2022 và phía EU công nhận những nỗ lực của chính phủ trong việc thay đổi các quy định cũng như các nỗ lực chống đánh bắt bất hợp pháp. Ông khuyến khích việc thực thi pháp luật trong vấn đề này, nhưng cũng cho biết đây là quá trình lâu dài song Việt Nam đang đi đi đúng hướng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem