Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới

Minh Anh Thứ tư, ngày 30/08/2023 07:47 AM (GMT+7)
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là quá trình lâu dài, liên tục, không có điểm kết thúc, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.
Bình luận 0

Xác định thủy lợi là khâu quan trọng góp phần mang lại mùa màng bội thu, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời là tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng NTM. 

Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống thủy lợi. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ được triển khai tại các địa phương trên toàn tỉnh Đắk Lắk luôn gắn với việc thực hiện tiêu chí thủy lợi. Nhờ vậy, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, công trình thủy lợi, tiết kiệm nguồn nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Hệ thống thủy lợi nội đồng ở huyện Krông Ana (Đắk Lắk) được đầu tư kiên cố bảo đảm phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh đã nâng cấp, sửa chữa, xây mới 228 công trình thủy lợi với tổng kinh phí 3.590 tỷ đồng; trên 1.300 tỷ đồng kiên cố hóa hàng trăm km kênh mương, đảm bảo nước tưới chủ động cho hơn 83,28% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Hiện có 110 trong tổng số 152 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi, phấn đấu đến cuối năm nay toàn tỉnh có 120 xã đạt tiêu chí này. 

Tại huyện Krông Pắc, thực hiện tiêu chí số 15 về y tế trong xây dựng NTM, huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tích cực theo dõi, kiểm tra hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện giúp các xã thực hiện các nội dung tiêu chí y tế. Nhờ đó đến nay, 100% xã trên địa bàn huyện Krông Pắc đã hoàn thành tiêu chí này. 

Đơn cử như ở thôn 7D, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, nhiều năm nay, cấp ủy, ban tự quản thôn thường xuyên đến từng hộ dân tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia bảo hiểm y tê, nuôi con khỏe dạy con ngoan, chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh tại gia đình, cộng đồng… 

Thông qua các hình thức tuyên truyền vận động này, đến nay ở thôn 7D, xã Ea Phê không còn hộ nghèo, cận nghèo; các chỉ tiêu về y tế trong xây dựng NTM như: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng… đều đạt cao.

Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Thủy lợi tốt giúp nông dân huyện Krông Năng (Đắk Lắk) yên tâm sản xuất

Tương tự, Trạm Y tế xã Ea Phê là một trong những trạm y tế xã trên địa bàn huyện Krông Pắc được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. 

Cùng với chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, Trạm y tế xã Ea Phê còn duy trì thực hiện hiệu quả mô hình nhượng quyền xã hội "Tình chị em". Thông qua mô hình, giúp chị em trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi được tư vấn về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Ở xã Phú Lộc - một trong 5 xã của huyện Krông Năng đạt chuẩn NTM, hiện cấp ủy, chính quyền xã đang tập trung nguồn lực thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025. Trong quá trình thực hiện, xã Phú Lộc đã chủ động, linh hoạt thực hiện với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Qua đó đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, từng bước hướng tới NTM thông minh.

Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Cán bộ y tế xã tư vấn chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ xã Ea Phê, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk)

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng sức, đồng lòng của người dân, đến nay toàn tỉnh Đắk Lắk có 75 xã đạt chuẩn NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột), 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP Buôn Ma Thuột); tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố đều có xã đạt chuẩn NTM; có 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao…

Xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Đắk Lắk quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí theo hướng bền vững, với đích đến tiếp theo là NTM nâng cao, NTM thông minh. 

Phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có 86 xã đạt chuẩn NTM, đến năm 2025 có trên 65% số xã đạt chuẩn NTM (tương ứng 100/152 xã); có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; thu nhập bình quân người dân nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2020; có 200 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên…

Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân về chăm sóc sức khỏe góp phần thực hiện tốt tiêu chí y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Để đạt được mục tiêu đề ra, Đắk Lắk tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các địa phương; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn.

Phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững; định hướng chuyển đổi số trong xây dựng NTM trên địa bàn, bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem